Chủ nhật, 16/06/2024, 22:09[GMT+7]

Quốc hội thảo luận tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội

Thứ 5, 23/05/2024 | 15:44:23
7,980 lượt xem
Sáng 23/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 và kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.

Các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình dự phiên họp tại tổ.

Tại tổ 10 gồm đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Thái Bình, Tiền Giang và Bạc Liêu, các đại biểu đánh giá cao về kết quả trong công tác lãnh chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong những tháng đầu năm 2024. Mặc dù tình hình chung của thế giới cũng như trong nước có nhiều vấn đề diễn biến phức tạp, thách thức. Những bất ổn về chính trị, quân sự leo thang cũng đã tác động rất lớn đến giá cả đầu vào. Qua ý kiến, kiến nghị cử tri, theo dõi qua quá trình thực hiện nghị quyết của Quốc hội cũng thấy cũng còn những hạn chế, tồn tại mà Chính phủ cần tiếp tục có biện pháp, chính sách để tháo gỡ để có thể đạt được kết quả mục tiêu đề ra.

Các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đã tham gia thảo luận đánh giá, kiến nghị nhiều nội dung như, nhấn mạnh quan điểm “phát huy mọi nguồn lực” là rất quan trọng và nước ta có một nguồn lực rất lớn là khu vực doanh nghiệp nhà nước; do đó trong bối cảnh hiện nay càng cần thiết phát huy hơn nữa vai trò tiên phong của các doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó, cần có nhóm giải pháp để động viên tinh thần, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa; xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, lành mạnh. Bên cạnh cắt giảm thủ tục hành chính để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận tín dụng, cần tạo đầu ra thông thoáng cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Các đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ cần thực thi thực chất hơn nữa các giải pháp về cải cách thể chế và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thậm chí phải có các giải pháp mạnh mẽ như: cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt mong muốn Chính phủ chú trọng nâng cao chất lượng các dự thảo luật trình Quốc hội; không nên ban hành các quy định mới tạo thêm gánh nặng về chi phí cho doanh nghiệp và người dân; cần rà soát và đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ lập pháp theo Kế hoạch số 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trong đó có sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước; đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy định về tiêu chuẩn, chế độ, định mức. Đề nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo, điều hành, đôn đốc và có giải pháp để nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong việc ban hành văn bản. Có chế tài xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm để khắc phục bất cập, hạn chế; góp phần nâng cao chất lượng thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết…

Buổi chiều, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương điều hành phiên họp, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Các vị đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận, làm rõ các nội dung như: Đối với 12 lĩnh vực được nhiều cử tri cả nước quan tâm kiến nghị đã nêu trong báo cáo như: nông nghiệp nông dân nông thôn, thực hiện chính sách người có công, lao động việc làm, an sinh xã hội, văn hóa thể thao du lịch, thông tin và truyền thông, y tế, giáo dục, kế hoạch đầu tư, tài chính, ngân hàng, sản xuất kinh doanh, quản lý thị trường, xây dựng, giao thông vận tải, tài nguyên môi trường, khoa học công nghệ, tổ chức bộ máy nhà nước, cán bộ công chức, quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội, xây dựng và thi hành pháp luật, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, thanh tra kiểm tra xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng…; xung quanh tình hình cử tri kiến nghị còn hạn chế, đó là chưa giải quyết trả lời, hoặc chậm trả lời; trả lời không rõ trách nhiệm…; những kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong báo cáo số 832 và những nội dung khác có liên quan, thông qua tiếp xúc cử tri, làm việc với địa phương, các bộ ngành mà đại biểu Quốc hội tiếp nhận được.

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày