Thứ 4, 03/07/2024, 12:37[GMT+7]

Công điện khẩn 07 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ động đối phó với cơn bão số 14

Chủ nhật, 10/11/2013 | 11:15:54
1,404 lượt xem
Ngày 10 tháng 11 năm 2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Công điện khẩn số 07- CĐ/TU gửi các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; bí thư các huyện, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ; thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh.

Vị trí và đường đi của cơn bão.

Nội dung công điện như sau:

 

Theo tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, vào hồi 05 giờ ngày 10-11-2013, vị trí tâm bão số 14 (bão Haiyan) ở vào khoảng 16,0 độ Vĩ Bắc; 110,8 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Ngãi - Quảng Trị khoảng 250 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 đến 166 km/giờ), giật cấp 15, cấp 16. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc đi dọc các tỉnh Trung Trung Bộ, mỗi giờ đi được khoảng 30 km. Đến 04 giờ ngày 11-11-2013, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,2 độ Vĩ Bắc; 105,6 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển các tỉnh Bắc Trung Bộ và khu vực Nam Đồng Bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km/giờ), giật cấp 11, cấp 12.

 

Trong khoảng 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng giữa Bắc và Bắc Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km. Đến 16 giờ ngày 11-11-2013 vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc, 106,3 độ Kinh Đông trên khu vực các tỉnh Đông Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km/giờ), giật cấp 9, cấp 10. Trong khoảng 36 đến 48 giờ tiếp theo, bão có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Bắc Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 04 giờ ngày 12-11-2013, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 22,1 độ Vĩ Bắc, 107,0 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt - Trung. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km/giờ), giật cấp 7. Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Đông Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp.

 

Thái Bình chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, từ chiều tối và đêm ngày 10-11-2013 gió sẽ mạnh dần lên cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 11 - 12, độ cao sóng biển 3 - 5 mét. Từ ngày 10 đến 12-11-2013 có mưa lớn trên diện rộng ở Bắc Bộ, lượng mưa tại Thái Bình dự báo dao động từ 200 - 300 mm. Vùng ven biển có nước dâng kết hợp thủy triều cao 2 - 3 mét.

 

Đây là cơn bão rất mạnh, di chuyển nhanh, vùng ảnh hưởng rộng và còn diễn biến phức tạp khó lường. Để chủ động đối phó với cơn bão số 14, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ yêu cầu:

 

1- Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh và các địa phương trong tỉnh liên tục chuyển tiếp sóng của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và thông báo kịp thời các chủ trương chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão tỉnh. Đồng thời đưa tin phản ánh tình hình, kết quả công tác phòng, chống Bão số 14 tại các địa phương trong tỉnh.

 

2- Huyện uỷ Thái Thuỵ, Tiền Hải chỉ đạo nghiêm cấm tàu, thuyền ra khơi; khẩn trương thông tin và yêu cầu các phương tiện đang hoạt động trên vùng biển chủ động vào nơi tránh, trú an toàn; chỉ đạo thực hiện tốt việc bảo đảm an toàn cho các ngư dân đang lao động, sinh sống ở vùng đầm, bãi ven biển; tăng cường kiểm tra phương án bảo vệ an toàn các công trình đê, kè, cống xung yếu, các công trình đang thi công, đầm nuôi hải sản.

 

Các huyện, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ khẩn trương chỉ đạo thực hiện và phân công cán bộ tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống cơn bão số 14 theo phương châm 4 tại chỗ phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương, đơn vị mình. Đồng thời, thường xuyên theo dõi sát diễn biến của cơn bão; tập trung chỉ đạo thực hiện tốt việc đóng các cống tưới, mở các cống tiêu, chủ động tiêu nước đệm, khẩn trương khoanh, khép vùng để bảo vệ an toàn cây màu vụ Đông. Tổ chức lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng ứng phó kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra.

 

3- Các cấp, các ngành nghiêm túc quán triệt và thực hiện thật tốt các nội dung chỉ đạo tại Công điện khẩn số 25-CĐ/CLB, hồi 05 giờ ngày 10-11-2013 và các công điện chỉ đạo tiếp theo của Ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão tỉnh; tập trung chỉ đạo và chủ động thực hiện tốt kế hoạch, phương án phòng, chống lụt, bão của ngành, đơn vị mình; đồng thời, chủ động và tích cực phối hợp với các huyện, thành phố trong công tác phòng, chống cơn bão số 14. Tránh tư tưởng chủ quan, lơ là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

 

Các ngành Quân sự, Công an, Biên phòng chủ động triển khai phương án bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn toàn tỉnh và tổ chức lực lượng cơ động sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.

 

4- Các đồng chí uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khẩn trương chỉ đạo các địa phương, đơn vị được phân công phụ trách tập trung chỉ đạo, kiểm tra công tác phòng, chống lụt, bão theo tinh thần Công điện khẩn số 25-CĐ/CLB, hồi 05 giờ ngày 10-11-2013 của Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão tỉnh và Công điện này.

 

5- Cấp uỷ, chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân từ tỉnh đến cơ sở hoãn các cuộc họp chưa thật cần thiết để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng, chống bão số 14.

 

Các ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc việc thường trực, theo dõi, xử lý tình huống kịp thời, đặc biệt trong các ngày Chủ nhật, thứ hai (10, 11-11-2013), thường xuyên nắm chắc diễn biến, báo cáo tình hình và kết quả về Ban Thường vụ Tỉnh uỷ (qua Văn phòng Tỉnh uỷ).

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày