Thứ 2, 08/07/2024, 03:33[GMT+7]

Quỳnh Phụ cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng tập trung, hiệu quả

Thứ 2, 13/04/2020 | 08:56:10
4,038 lượt xem
Trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế, huyện Quỳnh Phụ chú trọng cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực, bước đầu hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, cho hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình tích tụ ruộng đất trồng cà rốt tại xã Quỳnh Hoàng (Quỳnh Phụ). Ảnh tư liệu.

Với mục tiêu xây dựng và phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh nhằm cải thiện đời sống nhân dân, huyện Quỳnh Phụ đã tập trung thực hiện đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Công tác tuyên truyền được quan tâm, triển khai đồng bộ từ huyện đến cơ sở bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú... Qua đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về cơ cấu lại nông nghiệp được nâng cao, góp phần thay đổi tập quán sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún sang phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn. Các chính sách của Nhà nước, của tỉnh, huyện về phát triển nông nghiệp đến gần hơn với người dân đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nhờ vậy, cơ cấu cây trồng được chuyển dịch theo hướng tích cực, các loại giống cây trồng có giá trị kinh tế cao được đưa vào sản xuất; công tác chăn nuôi, thủy sản được quan tâm thực hiện.

Trong lĩnh vực trồng trọt, giai đoạn 2015 - 2020, cơ cấu giống lúa chuyển sang gieo cấy các giống ngắn ngày, năng suất, chất lượng cao. Cụ thể, tỷ lệ gieo cấy giống lúa chất lượng cao bình quân chiếm 39,89% diện tích, liên tiếp 2 vụ xuân năm 2017, 2018, huyện Quỳnh Phụ dẫn đầu năng suất lúa toàn tỉnh. Toàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất nông sản, thực phẩm hàng hóa tập trung theo mô hình cánh đồng lớn, sản xuất các sản phẩm chủ lực của huyện, hình thành chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa doanh nghiệp với nông dân như: vùng sản xuất cây màu diện tích 4.265ha tại các xã An Ấp, Quỳnh Hải, Quỳnh Lâm, Quỳnh Hội, Quỳnh Minh..., sản lượng đạt trên 93.000 tấn/vụ; chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa giống (BC15, TBR225, TBR 279) quy mô 340ha tại các HTX DVNN xã An Mỹ, An Thanh, An Tràng... khối lượng sản phẩm đạt 4.590 tấn/năm, giá trị sản xuất đạt 157,9 triệu đồng/ha/năm, cao hơn 30% so với sản xuất lúa đại trà; chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa Nhật quy mô 211,4ha, khối lượng sản phẩm đạt 2.600 tấn/năm, giá trị sản xuất đạt 112,5 triệu đồng/ha/năm, cao hơn 10 - 15% so với sản xuất lúa đại trà...

Mô hình nuôi cá lồng của gia đình anh Nguyễn Văn Bản, xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Phụ). Ảnh tư liệu

Trong lĩnh vực chăn nuôi, cơ cấu đàn vật nuôi thay đổi rõ rệt, phát triển mạnh lợn nái ngoại, lợn siêu nạc; đàn bò lai Sind thay thế dần bò địa phương; gia cầm tăng nhanh dòng siêu thịt, siêu trứng... Hình thức chăn nuôi theo hướng công nghiệp, sản xuất hàng hóa đã hình thành, thay thế phương thức chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ trước đây. Năm 2019, toàn huyện có 253 trang trại, giải quyết việc làm cho từ 3 - 5 lao động/trang trại với thu nhập đạt 5 - 6,5 triệu đồng/người/tháng, doanh thu bình quân đạt 1,5 - 1,8 tỷ đồng/trang trại/năm. Các trang trại đều có hệ thống xử lý chất thải bằng hầm biogas hoặc thu phân khô, qua xử lý bán cho người trồng rau màu. Bước đầu hình thành tổ chức hội, tổ hợp tác trao đổi các thông tin về công tác quản lý, tổ chức sản xuất, thị trường, tiêu thụ sản phẩm... là cơ sở, nền tảng hình thành chuỗi liên kết chăn nuôi an toàn, bền vững.

Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện là 1.058ha, sản lượng đạt trên 5.800 tấn/năm. Nhiều xã như An Dục, An Tràng, An Quý, Quỳnh Hoàng, Quỳnh Ngọc... đã quy hoạch và mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản, nhiều đối tượng con giống được đưa vào nuôi thực nghiệm và nhân rộng như ếch Thái Lan, cá chép giòn, cá lăng... Thực hiện đề án quy hoạch nuôi cá lồng trên sông của UBND tỉnh, mô hình nuôi cá lồng trên sông của huyện phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế cao. Năm 2019, toàn huyện có 337 lồng bè nuôi cá, tập trung nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế cao như trắm, chép, diêu hồng, lăng..., sản lượng thu hoạch trung bình 5 tấn/lồng/vụ, thu lãi 40 - 60 triệu đồng/lồng/vụ.

Ông Nguyễn Văn Phát, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ cho biết: Thời gian tới, huyện tập trung thực hiện tốt 5 nội dung trọng tâm của đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp huyện: xây dựng kế hoạch và thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển ngành, sản phẩm chủ lực của huyện; chuyển khoảng 30% đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau an toàn, nuôi trồng thủy sản, làm trang trại chăn nuôi; phát triển cánh đồng lớn, các chuỗi liên kết giá trị để sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm OCOP và các nông sản, thực phẩm chủ lực của địa phương, phấn đấu năm 2020, mỗi xã có ít nhất một sản phẩm OCOP; phát triển các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới và cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, tập trung các tiến bộ kỹ thuật về giống, công nghệ sản xuất nông sản sạch, công nghệ chế biến; tiếp tục đổi mới hoạt động của các HTX nông nghiệp theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Xác định tích tụ ruộng đất là động lực chính để phát triển nông nghiệp hàng hóa, huyện sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân thực hiện việc chuyển nhượng, thuê ruộng đất của nông dân; khuyến khích, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày