Thứ 2, 08/07/2024, 02:11[GMT+7]

Ngành Tài chính khai thác tiềm năng, lợi thế phục vụ đầu tư phát triển

Thứ 5, 30/04/2020 | 09:21:47
1,877 lượt xem
Đồng hành với sự phát triển của tỉnh ngành Tài chính đã vượt mọi khó khăn, huy động mọi nguồn lực, khai thác kịp thời các tiềm năng, lợi thế phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống nhân dân.

Dây chuyền sản xuất sợi của Công ty Cổ phần Sợi Trà Lý. Ảnh: Thành Tâm

Truyền thống vẻ vang
Ngày 28/8/1945, ngành Tài chính Việt Nam ra đời cùng với việc thành lập Chính phủ lâm thời với nhiệm vụ huy động mọi nguồn lực vừa nuôi bộ máy nhà nước vừa phục vụ sản xuất, chiến đấu, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Sau khi thành lập, cơ quan Tài chính nhà nước bắt tay ngay vào việc nghiên cứu một chính sách tài chính của Nhà nước cách mạng, độc lập, tự chủ, xuất phát từ lợi ích của nhân dân và phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu hoàn thành nhiệm vụ chính trị chủ yếu lúc bấy giờ là diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Tổ chức bộ máy Tài chính của tỉnh Thái Bình lúc đó chỉ là một phòng nằm trong Văn phòng Ủy ban cách mạng lâm thời, sau là Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh, do một đồng chí Ủy viên ủy ban phụ trách và 9 cán bộ đảm nhiệm bộ phận thuế trực thu và bộ phận cấp phát lệnh chi tiền và thóc. Ngân khố của cả tỉnh lúc đó chỉ còn lại một vài trăm đồng bạc lẻ. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ, chỉ trong một thời gian ngắn, bằng nhiều hình thức tuyên truyền, nhân dân trong tỉnh đã đóng góp 370 lạng vàng, 60kg bạc và nửa triệu đồng Đông Dương. Đây chính là nguồn lực tài chính vô cùng quan trọng, tạo cơ sở cho các hoạt động củng cố, bảo vệ chính quyền trong những năm sau đó. Miền Bắc bước vào công cuộc xây dựng CNXH, miền Nam vẫn còn chiến tranh. Nhân dân miền Bắc vừa sản xuất, vừa chi viện cho miền Nam đánh Mỹ. Giặc Mỹ lại leo thang đánh phá miền Bắc, đất nước đặt trong tình trạng chiến tranh. Tập thể cán bộ ngành Tài chính đã không nề hà vất vả, không tiếc mồ hôi xương máu, nhiều đồng chí đã hy sinh cho sự sống còn của Tổ quốc, độc lập, tự do cho dân tộc và sự bình yên của nhân dân; góp phần cùng Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh “vừa xây dựng, vừa chiến đấu”, “tay cuốc, tay súng”, “tay búa, tay súng”. Chính sách tài chính lúc này đã có sự chuyển hướng cho phù hợp, đó là thực hiện “hậu cần tại chỗ”, kinh tế gắn với quốc phòng; một số loại thuế được sửa đổi, mức thu thuế ngày càng tăng để bảo đảm cho yêu cầu chi tiêu cho đấu tranh cứu quốc.

Điều hành ngân sách chủ động, linh hoạt
Phát huy truyền thống vẻ vang đó, bước vào thời kỳ hội nhập, trước những yêu cầu, thách thức mới song ngành Tài chính luôn bám sát chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, trên cơ sở đó điều hành ngân sách chủ động, linh hoạt tạo động lực hoàn thành thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội, đưa tỉnh ngày càng phát triển vững chắc. Hàng năm, trong dự toán ngân sách địa phương, ngành Tài chính đã chủ động đề xuất UBND tỉnh trình HĐND tỉnh bố trí vốn cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện vốn khuyến nông, khuyến công, khuyến thương, đầu tư vốn xây dựng các khu công nghiệp... Bên cạnh đó, toàn ngành còn triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm khai thác có hiệu quả và triệt để mọi nguồn thu trên địa bàn. Chính vì thế, thu ngân sách nhà nước của tỉnh không ngừng tăng trưởng qua các năm. Giai đoạn 2015 - 2020, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt gần 99.900 tỷ đồng, bằng 1,52 lần so với giai đoạn 2010 - 2015; trong đó, thu nội địa ước đạt hơn 42.400 tỷ đồng, bằng 2,24 lần so với giai đoạn 2010 - 2015, tốc độ tăng bình quân 10,2%/năm.

Không chỉ tăng thu ngân sách, trong những năm qua, ngành Tài chính còn tập trung tham mưu Tỉnh uỷ, UBND tỉnh điều hành ngân sách chủ động, linh hoạt, bảo đảm cân đối và ổn định, bảo đảm đủ nguồn kinh phí để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, các nhiệm vụ chi cấp bách và xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Bên cạnh đó, ngành Tài chính còn thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách về tài chính, giá cả, nhằm tạo đà cho kinh tế địa phương phát triển bền vững. Giai đoạn 2015 - 2019, ngành Tài chính đã huy động các nguồn lực để thanh toán kinh phí mua xi măng hỗ trợ xây dựng nông thôn mới với số tiền hơn 1.500 tỷ đồng, huy động hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện chương trình nước sạch nông thôn với hơn 520 tỷ đồng. Trong công tác quản lý đầu tư, ngành Tài chính đã chủ động tham mưu cho tỉnh huy động tối đa nguồn vốn để tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng tại địa phương, trong đó ưu tiên đầu tư cho các công trình trọng điểm, cấp bách, công trình hạ tầng kỹ thuật theo chương trình xây dựng nông thôn mới; đồng thời, tập trung vốn thanh toán nợ xây dựng cơ bản cho các công trình đã hoàn thành, công trình dự kiến hoàn thành trong năm và các dự án chuyển tiếp để sớm bàn giao đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư. Công tác cải cách hành chính cũng được ngành Tài chính quan tâm thực hiện và đạt hiệu quả cao, bảo đảm đơn giản hóa thành phần hồ sơ và rút ngắn thời gian giải quyết. Đến nay, Sở Tài chính đã triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cho 6/6 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở, trong đó đã tổ chức thực hiện giải quyết 5/6 thủ tục hành chính theo phương án “5 tại chỗ” tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.

Vinh dự và trách nhiệm, thời cơ và thách thức đan xen nhưng ngành Tài chính luôn phấn đấu tiếp tục đoàn kết, trung thực, tận tụy với tinh thần trách nhiệm cao, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, từ đó phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội; phấn đấu đến năm 2025, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 11.500 tỷ đồng, trong đó thu nội địa (không tính thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết) đạt 8.500 tỷ đồng, tốc độ tăng thu nội địa bình quân (không tính thu tiền sử dụng đất) đạt 12%/năm.

Đến hết tháng 3/2020:
  • Tổng thu ngân sách địa phương ước đạt 5.783,7 tỷ đồng, đạt 45,9% dự toán, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó thu nội địa ước đạt 1.612 tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2019, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 207,4 tỷ đồng, bằng 76% so với cùng kỳ năm 2019;
  • Tổng chi cân đối ngân sách địa phương ước thực hiện 4.032,6 tỷ đồng, đạt 32% dự toán, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó chi đầu tư phát triển ước thực hiện 1.640,1 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2019, chi tiêu dùng thường xuyên ước thực hiện 1.874,9 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2019.


Minh Hương