Thứ 2, 08/07/2024, 03:01[GMT+7]

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA

Thứ 6, 05/06/2020 | 16:59:13
5,069 lượt xem
Sáng ngày 5/6, Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).

Đồng chí Nguyễn Hoàng Giang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình.

Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương và đồng chí Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đồng chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại diện một số bộ, ngành và hơn 200 doanh nghiệp. 

Tại điểm cầu Thái Bình, đồng chí Nguyễn Hoàng Giang, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp dự hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh về tiềm năng của thị trường châu Âu (EU) và tầm quan trọng của Hiệp định EVFTA giúp doanh nghiệp mở cửa thị trường. Nhiệm vụ chính của hội nghị này là sẽ đi sâu tìm hiểu quá trình thực hiện Hiệp định EVFTA và thống nhất các bước đi cụ thể giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa tận dụng tốt cơ hội để hội nhập và phát triển góp phần đưa kinh tế cả nước đi lên mạnh mẽ.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và khẳng định, EU là thị trường rất nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa, nhất là các ngành hàng dệt may, da giày, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, nông sản thực phẩm. Tuy nhiên, để khai thác được thị trường này và tận dụng được những cơ chế ưu đãi từ Hiệp định EVFTA, các doanh nghiệp phải đáp ứng được một số quy tắc nghiêm ngặt về nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu sản xuất đối với sản phẩm chế biến, chế tạo; các tiêu chuẩn vệ sinh và kiểm dịch động vật đối với các sản phẩm nông nghiệp... bởi các nước EU rất khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, lao động, môi trường.

Theo các chuyên gia của Bộ Công Thương và đại biểu dự hội nghị, các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nên tập trung đầu tư vào một số nước vốn thị trường truyền thống và phát huy những “thị trường ngách” phù hợp với năng lực cạnh tranh tạo ra cánh cửa đưa hàng Việt vào thị trường 28 nước EU. Trước mắt, cần ưu tiên triển khai hoạt động xúc tiến thương mại vào thị trường các nước EU một số ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam: thủy sản, trái cây tươi, cà phê, hạt điều, hồ tiêu, cao su, dệt may, da giày và đồ gỗ. Để tận dụng được cơ hội và vượt qua thách thức từ EVFTA mang lại, các chuyên gia khuyến cáo, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải nghiên cứu nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại chuyên sâu như nghiên cứu thị trường, thẩm định đối tác, có chiến lược và kỹ năng đàm phán chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, để tạo bệ đỡ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện tốt công tác định hướng và có chương trình hỗ trợ sản xuất sản phẩm có chất lượng cao, sẵn sàng tham gia thị trường; chỉ đạo xúc tiến thương mại mang tính liên kết vùng, miền nhằm quảng bá và phát triển thị trường cho sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu; xây dựng kế hoạch xúc tiến thương mại nhằm phát huy tối đa các nguồn lực thực hiện hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại.

 Đại diện các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp dự hội nghị tại điểm cầu Thái Bình. 

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU thời gian tới, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước có giải pháp cụ thể tổ chức triển khai thực thi ngay các quy định của Hiệp định EVFTA; phát triển công nghiệp hỗ trợ đủ mạnh; cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thu hút đầu tư vào phát triển sản xuất, xuất khẩu sang thị trường EU; tuyên truyền, phổ biến về Hiệp định EVFTA và thực hiện tốt công tác xúc tiến thương mại, thông tin thị trường. Đối với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa cần chủ động tìm hiểu nội dung của Hiệp định EVFTA, trong đó có các cam kết liên quan tới thuế quan và quy tắc xuất xứ. Các doanh nghiệp cần đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, củng cố tính cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường EU; chú trọng vấn đề vệ sinh thực phẩm theo chuẩn EU quy định, coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất.

Về phía các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành xây dựng cổng dịch vụ công quốc gia cung cấp thông tin, dữ liệu cho doanh nghiệp; phát triển sàn thương mại, hội chợ số, trung tâm hội chợ quốc tế, quy hoạch hệ thống cảng, logistics, bảo hộ thương hiệu cho doanh nghiệp. Các bộ, ngành và địa phương có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, xây dựng nguồn nguyên liệu tại chỗ giúp doanh nghiệp chủ động sản xuất, kinh doanh ổn định và đáp ứng quy tắc nguồn gốc xuất xứ theo Hiệp định EVFTA…

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao những ý kiến mà các đại biểu chia sẻ, kiến nghị và hứa sẽ tiếp thu, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ bổ sung chương trình hành động thực thi Hiệp định EVFTA một cách hiệu quả, thực chất, tạo môi trường thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp hội nhập thành công và phát triển bền vững.

Khắc Duẩn