Thứ 2, 01/07/2024, 08:39[GMT+7]

Quốc hội biểu quyết thông qua một số nghị quyết và thảo luận về công tác nhân sự

Thứ 4, 10/06/2020 | 16:06:23
2,541 lượt xem

Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9 - Quốc hội khóa XIV, chiều ngày 10 tháng 6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã nghe các báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo và biểu quyết thông qua một số nghị quyết, Luật đó là: Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020; Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Tiếp đó, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về việc bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Cuối giờ buổi chiều, Quốc hội đã nghe trình bày các tờ trình về nhân sự để bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Vương Đình Huệ; Tờ trình về việc miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với bà Nguyễn Thanh Hải. Sau khi nghe các tờ trình nhân sự trên, các vị đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận ở Đoàn đại biểu về công tác này.

Trước đó vào phiên làm việc buổi sáng, Quốc hội thảo luận tại Tổ về 03 dự án Luật: Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Thỏa thuận quốc tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Các vị đại biểu Quốc hội đã tham gia thảo luận thể hiện sự nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, ban hành các dự án Luật: Về dự án Luật Thỏa thuận quốc tế, việc xây dựng Luật nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật hiện hành về công tác ký kết và thực hiện các văn bản hợp tác quốc tế không phải là điều ước quốc tế, bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật; quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương trong công tác thỏa thuận quốc tế; bảo đảm triển khai và quản lý một cách thống nhất, nâng cao hiệu quả ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế, tranh thủ nguồn lực bên ngoài cả về công nghệ, kỹ năng, kinh nghiệm và nguồn vốn của các nước và tổ chức quốc tế phục vụ công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước;

Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở ngước ngoài theo hợp đồng được sửa đổi nhằm giải quyết 6 chính sách mà Chính phủ đã trình Quốc hội và đáp ứng các yêu cầu đó là: Giải quyết các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành sau gần 13 năm áp dụng trên thực tế; Đáp ứng các yêu cầu thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và bảo đảm sự đồng bộ của các luật mới ban hành trong thời gian gần đây; Điều chỉnh những vấn đề mới từ thực tế hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong bối cảnh tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và quản lý vấn đề di cư, dịch chuyển lao động quốc tế, phát triển việc làm ngoài nước và bảo hộ quyền làm việc của công dân;

Về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính nhằm tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, trình tự, thủ tục trong pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và khắc phục tối đa những hạn chế, bất cập qua 6 năm triển khai, thi hành các quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính đó là về các quy định chung, về xử phạt vi phạm hành chính, về áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, về các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính, về quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Việc sửa đổi sẽ góp phần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên thực tế, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội đồng thời đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật khác có liên quan và phù hợp với tình hình thực tiễn.

Vũ Sơn Tùng
(Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày