Thứ 7, 03/05/2025, 21:09[GMT+7]

Từ sạp rau ở Thái Bình đến học bổng tiến sĩ Mỹ

Thứ 7, 03/05/2025 | 08:40:36
1,248 lượt xem
Từng phải dậy sớm bán rau để phụ giúp gia đình, Nguyễn Thị Vui nỗ lực vào đại học với mong muốn thoát nghèo, rồi tìm đường du học Mỹ.

Vui trong khuôn viên Đại học bang California-Fullerton, Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cô gái 32 tuổi nhận thư trúng tuyển kèm học bổng tiến sĩ ngành Tâm lý học Hành vi và Tổ chức, tương đương 10.000 USD mỗi học kỳ, của Đại học Claremont vào cuối tháng 3. Đây là ngôi trường chuyên đào tạo sau đại học có lịch sử 100 năm ở Mỹ.

"Không thể tin được", Vui nói. "Đây là 'trái ngọt' đến từ bộ hồ sơ ứng tuyển tiến sĩ duy nhất tôi dồn sức chuẩn bị trong hơn một năm qua".

Hiện, Vui học kỳ cuối chương trình thạc sĩ Quản trị kinh doanh ở Đại học bang California-Fullerton, với học bổng khuyến khích.

Vui sinh ra trong gia đình thuần nông ở huyện Vũ Thư, Thái Bình. Từ cấp hai, để trang trải học phí và viện phí của bố, Vui vừa học vừa bán rau. Cô thường dậy từ 4 giờ sáng để cắt rau, mang ra chợ bán, rồi chạy về nhà thay quần áo để kịp đến lớp. Trên đường từ chợ về, thấy bạn bè trong đồng phục phẳng phiu, Vui thường tránh mặt, không muốn ai nhìn thấy bộ quần áo dính đất của mình.

"Tôi không xấu hổ với việc bán rau, nhưng cũng muốn sống bình thường như các bạn", cô nhớ lại. "Mỗi lần đến kỳ đóng tiền học, nhà tôi đều rất khó khăn".

Dù vậy, Vui nhìn nhận những ngày đó đã rèn cho cô sự kiên trì, kỷ luật và tinh thần vượt khó. Vui luôn được thầy cô nhớ tên vì hay phát biểu, lên bảng làm bài. Hết buổi học, Vui giúp đỡ bố mẹ làm vườn, rồi tự học đến khuya.

"Tôi nghĩ chỉ học mới giúp mình thoát nghèo", cô nói.

Vui học lên đại học, ngành Tài chính - Ngân hàng ở Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Khó khăn nhất là thời điểm bố mất, Vui đang học năm thứ hai, được mẹ khuyên về quê làm nông hoặc xuất khẩu lao động như nhiều bạn cùng lứa.

"Câu nói đó rất đau. Mình nghe xong từ chối luôn, nói con muốn học và sẽ cố gắng học hết sức", Vui kể.

Để trang trải cuộc sống ở Hà Nội, cô dạy aerobics vào sáng sớm và cuối tuần, dù trước đó chưa có kỹ năng việc này. Vui học theo động tác thể dục của các bà, các bác ngoài công viên, rồi tự lên mạng tìm nhạc để dựng bài.

Năm 2016, Vui học lên thạc sĩ Kinh tế ở trường, song song làm việc ở ngân hàng. Đối với nhiều bạn bè ở làng quê, đây là lúc nghĩ tới việc lập gia đình, nhưng Vui chưa sẵn sàng, mà muốn vươn ra thế giới. Cô quyết tâm học tiếng Anh để thực hiện ước mơ này. Không đủ tiền học ở trung tâm, Vui luyện tiếng Anh bằng cách hướng dẫn cho khách nước ngoài trên phố cổ, vào mỗi tối.

"Khách đưa tiền nhưng tôi không nhận, mà nhờ họ sửa tiếng Anh giúp", Vui cho hay.

Ban đầu, cô chỉ biết vài câu giao tiếp cơ bản, nhưng vẫn hào hứng trò chuyện. Mỗi cuộc đối thoại đều mở ra câu chuyện thú vị. Cô rất vui khi có thể dùng tiếng Anh kể về cuộc sống, ước mơ của mình. "Keep going, your English is very good" là lời động viên của họ dành cho Vui, thậm chí có người khuyên cô du học. Vui lắc đầu không tin, nhưng cũng thử tìm đường. Mục tiêu là lấy bằng thạc sĩ Quản trị kinh doanh (MBA) ở Mỹ hoặc Australia.

Vui sau đó chuẩn bị hồ sơ theo thông tin trên mạng, tăng cường tiếng Anh để thi IELTS. Cô cho hay thường học vào đêm và sáng sớm, dùng sách in từ các nguồn tự tìm được.

Đầu năm 2023, Vui trúng tuyển chương trình thạc sĩ như mong muốn ở Đại học bang California-Fullerton. Cầm theo 3.000 USD, cô sang trước một tháng để tìm nhà và việc làm thêm, nhưng đều gặp khó. Vui tìm mãi không được nơi nào rẻ và cho thuê dài hạn, dù mỗi ngày đều đạp xe vài tiếng để hỏi thăm các khu gần trường. Ngoài ra, theo quy định của visa F-1, cô không thể làm thêm ngoài trường trong năm đầu tiên, nên phải đợi kết quả xin việc trong trường sau đó một tháng.

"Đúng lúc tiền sắp cạn thì có việc, tôi mừng phát khóc", Vui chia sẻ. Công việc của cô là hỗ trợ sinh viên, giáo sư và tổ chức sự kiện.

Vào học, Vui bắt kịp khá nhanh bằng cách đọc kỹ nội dung trước, rồi lên lớp thảo luận thêm với giáo sư và bạn bè. Theo Vui, những nỗ lực này không chỉ giúp cô hiểu sâu kiến thức chuyên môn, mà còn tạo dựng các mối quan hệ ý nghĩa trong trường đại học.

GS Joseph Cervantes, Đại học bang California-Fullerton, nói học trò rất được thầy cô, bạn bè ở khoa yêu quý nhờ tính cách sôi nổi và kết quả học tập tốt.

"Vui thông minh, kiên cường, nỗ lực theo đuổi những mục tiêu lâu dài và luôn vui vẻ, hòa đồng với mọi người", thầy nhận xét. "Đây là ấn tượng không đổi của tôi kể từ lần đầu gặp Vui ở Việt Nam cách đây 6 năm".

Khi đó, Vui thực tập ở phòng Tài chính, còn GS Joseph dạy một số lớp Quản trị kinh doanh, tại trường Đại học Ngoại thương. Sau một lần trò chuyện, ông khuyến khích Vui học MBA ở Mỹ và nhận lời giúp cô luyện tiếng Anh.

"Tôi rất bất ngờ khi Vui đỗ vào chính ngôi trường mình giảng dạy gần 30 năm", ông nói.

Nhóm của Vui và thầy hướng dẫn trong hội thảo về sức khỏe tâm thần, tháng 10/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhóm của Vui và thầy hướng dẫn trong hội thảo về sức khỏe tâm thần, tháng 10/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tháng 8 này, Vui sẽ bắt đầu nghiên cứu tiến sĩ Tâm lý học Hành vi và Tổ chức, kéo dài hành trình du học thêm 5 năm. Cô mong muốn nghiên cứu phát triển các mô hình lãnh đạo sáng tạo phù hợp với Việt Nam, từ đó tăng cơ hội việc làm cho người yếu thế, đặc biệt là phụ nữ nông thôn.

"Tôi đang bước vào chương mới, nơi có thể đào sâu kiến thức và tạo thay đổi tích cực. Đây là hành trình đòi hỏi sự dũng cảm và tôi đã sẵn sàng", Vui chia sẻ. "Tôi vẫn như trước khi sang Mỹ: tò mò, khiêm tốn và luôn đặt mục tiêu trở về cống hiến cho xã hội".

Theo: vnexpress.net

  • Từ khóa