Thứ 2, 19/05/2025, 12:09[GMT+7]

Chọn trường, chọn nghề: Bước ngoặt quan trọng trong hành trình trưởng thành

Thứ 2, 19/05/2025 | 09:15:13
311 lượt xem
Kỳ thi tốt nghiệp THPT không chỉ là dấu mốc đánh giá kết quả “12 năm đèn sách” mà còn là thời điểm học sinh lớp 12 đưa ra quyết định quan trọng cho tương lai, đó là chọn trường nào, chọn nghề gì. Trong bối cảnh thị trường lao động biến động mạnh, nhiều ngành nghề mới xuất hiện, sự tư vấn kịp thời từ thầy cô và phụ huynh học sinh đóng vai trò then chốt để các em có định hướng đúng đắn, phù hợp với năng lực, sở thích và nhu cầu của xã hội.

Học sinh lớp 12, Trường THPT Bắc Đông Quan tăng tốc ôn tập giai đoạn nước rút.

Nhiều lựa chọn 

Trước đây, em Nguyễn Đức Anh, học sinh lớp 12, Trường THPT Đông Thụy Anh và bố mẹ rất băn khoăn giữa hai lựa chọn đó là đăng ký tuyển sinh Khoa Khoa học máy tính, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, vừa mong muốn được đi du học ngành tài chính. Đức Anh chia sẻ: Học về lập trình và nghiên cứu lĩnh vực công nghệ là ước mơ từ khi em bước vào cấp 3, nhưng ngành tài chính lại mở ra nhiều cơ hội phát triển toàn cầu. Vừa qua, em có tìm hiểu các chương trình học bổng tại một số nước như Singapore và Úc, tuy nhiên khả năng ngoại ngữ của em chưa được tốt. Nhờ sự tư vấn và định hướng của các thầy cô giáo ở trường, em đã quyết định đăng ký tuyển sinh vào Khoa Khoa học máy tính, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và tiếp tục “đầu tư” tiếng Anh để nếu có cơ hội “săn” được học bổng, em sẽ thử sức ở môi trường mới. Hiện tại, em đã tự tin hơn với lựa chọn của mình và có kế hoạch cụ thể để ôn tập phù hợp, quyết tâm đạt được mục tiêu mà bản thân đã đề ra. 

Kỳ thi tốt nghiệp THPT đang đến gần cũng là lúc học sinh lớp 12 vừa tăng tốc ôn tập vừa tìm hiểu và nghiên cứu các ngành học, trường học phù hợp với năng lực và nguyện vọng của mình. Tuy nhiên, việc lựa chọn và đưa ra quyết định là không hề dễ dàng. Chính vì lẽ đó mà hầu hết các bạn học sinh đều gặp khó khăn và áp lực trong giai đoạn này. Chia sẻ về cách vượt qua áp lực chọn ngành, chọn trường của bản thân, em Nguyễn Ngọc Mai, Trường THPT Bắc Đông Quan cho biết: Lúc chọn ngành, em đã đề ra 3 tiêu chí, một là những ngành em thích, hai là những ngành thuộc thế mạnh của em, ba là những ngành hiện đang thịnh hành để phân tích và đưa ra lựa chọn; khi đã quyết định được ngành mình muốn học thì em bắt đầu đi tìm hiểu về các trường đại học có ngành đó, đồng thời xin những lời khuyên từ các anh chị khóa trên, nhất là tư vấn từ phía các thầy cô giáo để đưa ra lựa chọn phù hợp. 

Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Bắc Đông Quan chia sẻ: Nhà trường tổ chức hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh với nhiều hình thức như: tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho học sinh toàn trường, trọng tâm là học sinh lớp 12 trong các buổi sinh hoạt dưới cờ đầu tuần; lồng ghép trong tiết sinh hoạt lớp; thành lập tổ tư vấn hỗ trợ học sinh định hướng, lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai; liên kết với các cơ sở giáo dục đại học, dạy nghề thực hiện tư vấn, hướng nghiệp... 

Các hình thức tư vấn, hướng nghiệp luôn thu hút sự quan tâm của đông đảo học sinh. Cùng với đó, các nhà trường còn quan tâm thực hiện chủ trương lồng ghép, tích hợp hoạt động giáo dục hướng nghiệp vào các môn học, hoạt động giáo dục tại nhà trường; tích cực đổi mới nội dung, hình thức giáo dục hướng nghiệp phù hợp tình hình thực tế. Trong quá trình trực tiếp tư vấn cho học sinh, đội ngũ giáo viên nhà trường đã giúp các em cảm nhận bước đầu về ngành, trường học; tạo ra các kênh tham khảo hữu ích, giúp học sinh có thêm nguồn tư liệu, cơ sở để lựa chọn ngành, trường học phù hợp. 

Học sinh Thái Bình tham gia kỳ thi đánh giá năng lực do Trường Đại học Thái Bình phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.

Giúp học sinh hiểu mình và hiểu nghề 

Chọn nghề, chọn trường là một phần quan trọng trong định hướng tương lai, nhưng để xác định rõ một nghề cụ thể giữa bối cảnh kinh tế - xã hội và công nghệ không ngừng biến đổi lại là bài toán không dễ. Nhiều nghề mới sẽ xuất hiện, song cũng không ít nghề sẽ mất đi trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nhằm giúp học sinh có cái nhìn toàn diện hơn về nghề nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo “Hành trình khởi nghiệp từ THPT”, thu hút gần 40.000 học sinh lớp 10, 11 và lớp 12 toàn tỉnh tham gia. Tại đây, các diễn giả đã chia sẻ kiến thức về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đồng thời trao đổi kinh nghiệm khởi nghiệp và nhu cầu nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số. Các chuyên gia cũng giải đáp thắc mắc của học sinh về lựa chọn ngành nghề, kinh nghiệm thực tiễn, ý tưởng khởi nghiệp và cơ hội phát triển nghề nghiệp. 

PGS. TS Vũ Ngọc Huyên, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Chúng tôi muốn thông qua chương trình này sẽ giúp học sinh THPT của Thái Bình nhận diện rõ hơn về thế mạnh, sở thích và xu hướng nghề nghiệp trong tương lai. Hội thảo không chỉ truyền tải thông tin, mà còn mở ra không gian kết nối giữa học sinh với giảng viên, sinh viên khởi nghiệp và các chuyên gia giàu kinh nghiệm. Đây là cơ hội để các em tiếp cận thực tế, hiểu rõ hơn về thị trường lao động, từ đó đưa ra quyết định đúng đắn khi chọn ngành, chọn nghề phù hợp với năng lực bản thân và yêu cầu xã hội. 

Theo thống kê, toàn tỉnh có 24.484 thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, gồm 23.733 thí sinh đang học lớp 12 và 751 thí sinh tự do. Để giúp các em chọn ngành, nghề phù hợp, các trường THPT trong tỉnh đã bố trí đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm, chuyên môn giỏi để tổ chức các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh; đồng thời liên kết, phối hợp với đơn vị tuyển sinh tại các trường đại học, cao đẳng tổ chức tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh và cho học sinh đi tham quan, trải nghiệm thực tế các ngành, nghề mà trường đại học, cao đẳng đang đào tạo. 

Bà Hà Thị Thu Phương, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Trong bối cảnh thị trường lao động đang chuyển dịch mạnh mẽ dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công tác hướng nghiệp cho học sinh phổ thông cần được nhìn nhận như một quá trình đồng hành, không chỉ giúp các em chọn đúng ngành nghề mà còn định hình tư duy chủ động, sáng tạo và khả năng thích ứng với sự thay đổi. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường THPT đẩy mạnh hoạt động tư vấn sát với năng lực, sở thích của từng học sinh, đồng thời gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, trường đại học để mang đến trải nghiệm thực tế, thông tin cập nhật về nhu cầu nhân lực. Dù chọn ngành nào, trường nào thì mỗi học sinh cần không ngừng nỗ lực, nâng cao ý thức tự học, ôn tập thật tốt để đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi sắp tới, đặc biệt luôn ý thức phấn đấu cho tương lai để sau khi ra trường có việc làm ổn định, hướng tới cuộc sống tự lập và bền vững.

Đặng Anh