Thứ 2, 08/07/2024, 17:34[GMT+7]

Lắng nghe tâm sự của những "người mẹ thứ hai".

Thứ 6, 29/04/2011 | 14:50:19
3,813 lượt xem
Những cô nuôi dạy trẻ với lòng yêu nghề, yêu trẻ, đóng vai trò là “Người mẹ thứ hai” đã vượt qua bao khó khăn, luôn động viên nhau để đáp ứng cho sự nghiệp “trồng người”.

Cô và trò Trường mầm non Hoa Phượng. Ảnh: Thành Tâm

Công việc nuôi, dạy trẻ không đơn giản như nhiều người từng nghĩ. Mỗi tiết học, buổi học là một thử thách phải vượt qua, vì luôn phải chịu áp lực từ mọi phía, từ chuyên môn, thời gian, thiếu thốn dụng cụ dạy học, phụ cấp thấp và mối quan hệ với các phụ huynh. Đã có người từng nói rằng, ngành học mầm non có nhiều cái nhất: Nhiều chị em phụ nữ nhất; đối tượng học sinh nhỏ, ngây thơ nhất; độ mất an toàn cao nhất; thời gian làm việc nhiều nhất; chế độ lương  thấp nhất; đòi hỏi trách nhiệm cao nhất. Tuy nhiên, “Đã mang cái nghiệp thì phải làm đến nơi đến chốn”, đó là tâm sự chung của nhiều giáo viên mầm non hiện nay.

Trước đây, nhiều người đều có khái niệm trường mầm non chỉ là nơi “nhốt trẻ” và giáo viên là những người trông coi. Giáo viên ở các vùng nông thôn chỉ được trả công bằng mấy chục cân thóc theo mùa vụ... Song, thực tế hiện nay giáo viên mầm non đòi hỏi phải có kỹ năng khá toàn diện về kiến thức truyền thụ văn hoá, nhạc cụ, múa hát, hoạt động vui chơi, sử dụng vi tính... là những người đặt nền móng đầu tiên cho các em về tư duy, kiến thức. Ngoài ra họ còn đóng vai trò là “Người mẹ thứ hai”, chăm sóc cho các em từ giấc ngủ, bữa ăn, dạy dỗ, hình thành cho bé những thói quen tốt.

Mỗi cặp vợ chồng có từ một đến hai cháu đã cảm thấy mệt mỏi, nhưng với các giáo viên mầm non phải đảm nhiệm hàng chục cháu trong suốt một ngày và từ ngày này qua ngày khác. Trong lớp học còn xảy ra nhiều rủi ro tai nạn với các em mà cô giáo lại là người “phải tường trình” với phụ huynh về sự cố này. Mặc dù giáo viên thu xếp lớp học gọn gàng, sạch sẽ, nhưng do các em mang theo những vật trong túi như hạt nhựa, chiếc đinh, đồ chơi sắc nhọn, nước uống rớt ra nền nhà... các em không may bị tai nạn để lại các vết trầy xước trên cơ thể. Dù lỗi chủ quan hay khách quan, nhưng khi phụ huynh đón các em, các cô đều “tường trình” lại sự việc và gửi lời xin lỗi đến gia đình. Có người hiểu thì không sao, gặp phụ huynh nóng tính nói lời khó nghe trước mặt mọi người, các cô rất tủi thân nhưng vẫn phải nhã nhặn ứng xử cho đúng mực.

Từng chứng kiến cảnh một giáo viên gần nhà phải hứng chịu những lời chỉ trích mà tôi thấy ái ngại cho các cô. Bố cháu bé đến trường đón, thấy em kêu đau tay, không biết sự việc thế nào, nhưng phụ huynh đã làm ầm ở trường và đến tận nhà cô giáo nói những từ ngữ khó nghe. Mặc dù biết cháu bé không phải đau tay tại trường mà trước khi vào lớp em đã bị, nhưng Hiệu trưởng trường đó đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm mua quà đến tận nhà em xin lỗi. Đến hôm sau, bố cháu bé đã phải đến trường xin lỗi  các giáo viên,  sau khi mẹ cháu bé cho biết nguyên nhân đau tay là do cháu nghịch ở nhà bị ngã...

Trong chuyên môn, các cô luôn phải tìm tòi phương pháp truyền thụ kiến thức một cách hiệu quả nhất cho các em, do trẻ rất dễ chán cái cũ và có hứng với cái mới. Để làm được điều này hầu như các cô đều phải nghiên cứu soạn thảo giáo án, làm các đồ chơi vào buổi tối. Đặc biệt, các trường mầm non hiện đang tiến hành đưa công nghệ thông tin vào giảng dạy. Đây là lĩnh vực mới nên các trường rất vất vả, vì cơ sở vật chất chưa được trang bị đầy đủ. Các giáo viên khi được giao nhiệm vụ xây dựng giáo án điện tử, đã tự thân vận động, học hỏi việc dựng kịch bản, làm đạo cụ, chọn phông cảnh, thuê thợ quay phim... để cho ra đời một giáo án tốt. Nhiều giáo viên đã phải huy động cả chồng, con để làm diễn viên cho nhân vật trong câu chuyện của mình xây dựng...

Không như ở các bậc học khác, giáo viên mầm non thường phải làm việc 10 tiếng trong ngày, có hôm phụ huynh đến đón con muộn, giáo viên cũng phải về muộn, chồng thông cảm không sao, không thông cảm lại tiếng ra, tiếng vào. Vất vả cực nhọc là vậy, nhưng nhiều giáo viên cũng chỉ được phụ cấp  500 – 700 nghìn đồng/ tháng, chưa đủ nuôi bản thân, nói gì đến nuôi con.

Nhìn lại, thế hệ giáo viên những năm trước, mặc dù còn thiếu thốn đủ bề, có người không một đồng phụ cấp nhưng vẫn nhiệt tình dạy cái chữ cho các em. Với cái tâm, cái đức của người làm thầy, nhiều giáo viên mầm non đã gạt bỏ nhu cầu vật chất sang một bên, khắc phục mọi khó khăn để theo đuổi đến cùng cái nghiệp đã lựa chọn, tất cả vì lòng yêu nghề, vì sự đam mê với con trẻ.

Để gắn bó  được với nghề mình đã chọn, nhiều giáo viên mầm non tâm sự, điều đầu tiên là phải không suy nghĩ đến sự thiệt hơn, luôn tâm huyết với nghề và học hỏi kinh nghiệm từ những thế hệ giáo viên đi trước, tất cả phải vì sự nghiệp “trồng người”. Thường xuyên quan tâm, chia sẻ với đồng nghiệp, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, ứng xử công bằng với trẻ; lấy kết quả công việc làm nguồn vui để tự khích lệ mình tiếp tục phấn đấu...           

Nguyên Bình

  • Từ khóa