Thứ 2, 08/07/2024, 17:38[GMT+7]

Ng­ười giáo viên say mê công tác Đội

Thứ 3, 10/05/2011 | 08:02:19
3,173 lượt xem
“Năng động, sáng tạo, tự tin, dễ gần, được đồng nghiệp tín nhiệm, học sinh thương yêu, là cá nhân điển hình trong phong trào thi đua của nhà trường...”, đó là nhận xét của cô giáo Trần Thị Minh Tâm, Phó hiệu trưởng Trường THCS Thụy Ninh, huyện Thái Thụy khi nói về cô giáo, Tổng phụ trách Đội Lã Thị Bích Nga- một người đã dày công trên bước đường trồng người.

Cô giáo - Tổng phụ trách Lã Thị Bích Nga nhận giải tại Hội thi soạn giáo án điện tử cấp quốc gia 2011.

Gần 20 năm làm giáo viên dạy Văn cũng ngần ấy năm cô kiêm công tác Đội. Cùng với công việc chuyên môn, thành tích trong công tác Đội của cô khiến mọi người đều nể phục: 2 bằng khen của Trung ương Đoàn về thành tích xuất sắc trong công tác Đội và phong trào thiếu nhi, nhiều năm liền là tổng phụ trách giỏi cấp tỉnh, thanh niên tiên tiến xuất sắc cấp tỉnh, chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, giáo viên giỏi cấp tỉnh...

Chia sẻ những thành công trong cách nghĩ, cách làm của mình, cô Nga bày tỏ: “Mình chẳng có bí quyết gì ngoài lòng yêu nghề, mến trẻ; lòng đam mê và nhiệt huyết. Nghề giáo cần có tấm lòng yêu thương học sinh, chịu khó gần gũi, lắng nghe, bắt nhịp tình cảm, nhu cầu của các em. Lứa tuổi thiếu nhi rất hiếu động, thích khám phá cuộc sống, nếu thiếu sân chơi lành mạnh, các em dễ sa đà vào những trò vô bổ.

Ngoài việc học, các em rất cần có không gian vui chơi để cân bằng. Vậy là mình tổ chức các sân chơi ngoại khóa và liên tục đổi mới các hoạt động để thu hút các em”.  Để làm được điều đó, cô Nga đã đầu tư nhiều thời gian, công sức cho hoạt động Đội của nhà trường, như tổ chức các chương trình: Thắp sáng ước mơ, lễ tri ân nhà giáo, hội thi văn hóa giao thông, chúng em kể chuyện Bác Bồ, phong trào “Đọc và làm theo báo Đội”... ; sưu tầm nhiều tài liệu, sách báo về kỹ năng sống cung cấp cho các em; khuyến khích các chi đội thành lập và duy trì tốt các câu lạc bộ: Hỗ trợ học tập, đôi bạn cùng tiến, tìm hiểu pháp luật; xây dựng các quỹ ủng hộ các bạn học sinh nghèo vượt khó học giỏi, học sinh mắc bệnh hiểm nghèo... Nhờ tổ chức tốt các hoạt động bổ trợ về học tập nên tỷ lệ học sinh khá, giỏi ngày càng tăng, tỷ lệ học sinh yếu, kém giảm rõ rệt.

Có thể thấy những bài học về Luật giao thông, về giáo dục sức khỏe... đã được truyền đạt hiệu quả thông qua những trò chơi bổ ích, những câu hỏi lý thú, kích thích trí tò mò, ham hiểu biết của các em học sinh, giúp các em nâng cao kiến thức, kỹ năng xã hội, bổ trợ tốt hơn cho việc học văn hóa. Qua đó, cô Nga gần gũi với học sinh hơn, nắm bắt được hoàn cảnh của từng em, hiểu đặc điểm tâm lý của mỗi học sinh để có biện pháp giáo dục phù hợp.

Qua những lời cô chia sẻ, tâm sự tôi mới hiểu công việc của một tổng phụ trách Đội “ngốn” khá nhiều thời gian, chỉ có đam mê và thực sự tâm huyết thì hoạt động bề nổi này mới phát huy được hiệu quả. 

Còn trong công tác giảng dạy cô luôn đem hết tâm huyết, trí tuệ, sự hiểu biết của mình để truyền đạt cho học sinh thân yêu. Cô tâm niệm muốn dạy giỏi, đặc biệt là môn Văn, người giáo viên cần phát huy được tính tích cực, khả năng sáng tạo ngay trong các buổi học trên lớp của học sinh, tạo cho các em ý thức tự học, tự rèn. Với suy nghĩ ấy, trước mỗi buổi đứng lớp cô chú ý soạn bài thật kỹ, luôn đổi mới, cập nhật những thông tin, vấn đề, sự kiện gần gũi với đời sống để đưa vào bài giảng, từ đó tạo hứng thú tìm hiểu, khơi dậy óc tìm tòi, khám phá khi các em phân tích, chứng minh... về một bài văn, bài thơ.  

Một vinh dự nữa lại vừa đến với cô vào tháng 2/2011, khi cô nhận được giải khuyến khích cuộc thi giáo viên soạn giáo án điện tử giỏi cấp quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Chia tay cô Nga, tôi nhớ mãi lời tâm sự của người giáo viên, Tổng phụ trách Đội đầy tâm huyết ấy: “Mình sẽ làm tất cả những gì có thể, luôn học tập để cống hiến... cống hiến là việc làm thiết thực nhất góp phần giúp các em học sinh từng bước trưởng thành, trở thành người có tri thức, có văn hóa, xứng đáng là những chủ nhân tương lai của đất nước”./.

       Đức Dũng

 

  • Từ khóa