Thứ 4, 03/07/2024, 12:14[GMT+7]

Quỹ khuyến học có từ những người con yêu quê

Thứ 5, 03/11/2011 | 08:11:21
1,555 lượt xem
Khi phong trào khuyến học khuyến tài của cả nước được truyền bá sâu rộng. Đảng ủy, UBND xã Thụy Xuân kịp thời có nhận thức đúng và đã bàn bạc phân tích các đối tượng, những nghề nghiệp nào có thể đóng góp được nhiều cho quỹ khuyến học. Hội nghị "Diên Hồng" của toàn thể Ban Chấp hành Hội Khuyến học xã (gồm 15 vị đại diện cho các đoàn thể xã, chi hội các thôn, các dòng họ, các tôn giáo) đã tìm ra cách gây quỹ khuyến học khá độc đáo, và hiệu quả.

Công tác khuyến học ở Thụy Xuân đã khơi dậy một xã hội thi đua học tập, khơi dậy lòng yêu quê hương bản quán của những người con luôn muốn quê hương mỗi ngày càng có nhiều người học giỏi để đổi đời. Ảnh minh họa: Thành Tâm

Thụy Xuân là một xã giáp biển của huyện Thái Thụy. Vị trí địa lý ấy tạo ra nhiều ngành nghề trên bờ, dưới biển để người dân tự chọn theo sở thích và năng lực của mình. Đây còn là quê hương cội nguồn của nhiều người con được học hành có bằng cấp để dấn thân bươn trải trong cơ chế thị trường ngay trên quê hương, và cả ở nơi xa quê.

Khi phong trào khuyến học khuyến tài của cả nước được truyền bá sâu rộng. Đảng ủy, UBND xã Thụy Xuân kịp thời có nhận thức đúng và đã bàn bạc phân tích các đối tượng, những nghề nghiệp nào có thể đóng góp được nhiều cho quỹ khuyến học. Hội nghị ”Diên Hồng” của toàn thể Ban Chấp hành Hội Khuyến học xã (gồm 15 vị đại diện cho các đoàn thể xã, chi hội các thôn, các dòng họ, các tôn giáo) đã tìm ra cách gây quỹ khuyến học khá độc đáo, và hiệu quả.

Thứ nhất là: ngoài việc vận động người dân địa phương; những người hưởng chế độ 142 tự nguyện đóng góp cho quỹ khuyến học quê hương, hàng năm vào dịp tết. Đảng ủy, chính quyền đứng ra tổ chức một hội nghị họp mặt đón xuân, mời những người con quê hương Thụy Xuân làm nghề vận tải biển – dù đi tàu nhỏ, hay tàu to, vận tải  nội địa hay quốc tế... tới dự hội nghị, và đặt vấn đề gây quỹ khuyến học. Tại hội nghị, nhiều ý kiến đồng thuận đã kích thích” vào danh dự, vào ý thức nhân văn của từng người “ăn nên làm ra”. Do đó, riêng “lực lượng” vận tải biển, mỗi năm cũng đóng góp cho quỹ khuyến học của xã hàng chục triệu đồng.

Thứ hai là: Những năm gần đây, đích danh Bí thư, Chủ tịch UBND xã, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc và Giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng đã “tay bị, tay gậy” tìm đến những ông giám đốc là con của quê hương Thụy Xuân đang làm ăn nổi đình nổi đám để đặt vấn đề gây quỹ khuyến học cho xã. Với cách làm này, từ năm học 2009 – 2010, ông Chủ tịch Hội Khuyến học Thụy Xuân đã ký được  một hợp đồng rất “đậm đà”, đầy tình nghĩa với ông Nguyễn Trung Vũ – Tổng giám đốc công ty cổ phần thông tin và giải trí Ngôi sao mới – nằm trong Tổng công ty bất động sản thế kỷ Hà Nội. Theo hợp đồng này, ông giám đốc Vũ sẽ tài trợ cho quỹ khuyến học Thụy Xuân trong 3 năm, mỗi năm là 30 triệu đồng. Hết 3 năm lại ký hợp đồng mới, với số tiền tài trợ có thể tăng lên.

Với ông Hoàng Đại Huy – Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Sơn, tại Ninh Bình, cũng cam kết mỗi năm tài trợ cho quỹ khuyến học 10 triệu đồng. Thời gian tài trợ chưa nói trước là kéo dài bao năm, nhưng với ông Huy, đồng tiền khuyến học của ông là phải đến được cháu học sinh nào hoàn cảnh khó khăn mà quyết vươn lên học giỏi. Mỗi cháu được thưởng một triệu – Năm ngoái căn cứ vào điều kiện cụ thể. 10 triệu đồng được góp vào quỹ để thưởng chung cho các cháu học giỏi và thi đỗ đại học. Năm học 2010 – 2011 học sinh vượt khó học giỏi không có, nên 10 triệu của công ty ông Huy được hỗ trợ cho 10 học sinh thuộc hộ nghèo tiêu biểu do Hội Phụ nữ xã bình chọn.

Hai mạnh thường quân tiêu biểu là giám đốc Vũ và giám đốc Huy đã tài trợ công khai minh bạch, đúng cam kết trong hai năm học vừa qua, nên người dân Thụy Xuân ai cũng biết. Một số người con xa quê tuy không làm giám đốc mà làm ở nhiều chức danh cương vị, nghề nghiệp khác nhau, cũng có tấm lòng “xởi lởi” với Quỹ Khuyến học Thụy Xuân, nhưng lại xin “chưa công khai vội”.

Với quỹ khuyến học tương đối “đậm đà, dày dặn” và luôn ở thế chủ động, hàng năm, Hội Khuyến học xã cùng UBND tặng giấy khen và thưởng tiền cho những học sinh nào đạt học sinh giỏi từ cấp huyện trở lên và thi đỗ đại học nguyện vọng 1. Còn học sinh tiên tiến và giỏi cấp trường để chi hội khuyến học của thôn, của họ, của tôn giáo khen thưởng và tặng quà. Số học sinh cả 3 cấp trong toàn xã năm nào cũng trên một nghìn cháu, số học sinh được khen thưởng cứ tăng lên so với năm trước. Chẳng hạn kết thúc năm học 2010 – 2011, số học sinh giỏi cấp huyện có 65 cháu, mỗi cháu được thưởng 200 ngàn, 7 học sinh giỏi cấp tỉnh, mỗi cháu được thưởng 300 ngàn, 42 cháu đỗ đại học nguyện vọng 1, mỗi cháu được thưởng 400 ngàn đồng. Diện được khen và thưởng của cả 3 loại so với năm học trước tăng 17%. Diện thi đỗ vào THPT công lập tăng 18%. Khuyến học hàng năm đã góp phần đưa chất lượng học sinh lên rõ nét.

Chi hội khuyến học cơ sở khen thưởng cho các cháu đạt học sinh tiên tiến, hoặc giỏi cấp trường trở lên, nên có những cháu nghiễm nhiên được thưởng của cả 3 – 4 quỹ. Những chi hội có phong trào khuyến học mạnh, số quỹ do phụ huynh và những người hảo tâm đóng góp nhiều phải kể đến chi hội thôn Xuân Bàng. Giáo họ Bình Lạng, họ Nguyễn Viết, họ Đỗ Hữu...

Rõ ràng công tác khuyến học ở Thụy Xuân dăm bảy năm nay là một xã có phong trào sôi nổi, khá mạnh và bền vững. Có được phong trào này là nhờ cấp ủy và chính quyền  xã vào cuộc một cách ráo riết, nên đã tìm ra cách làm hiệu quả. Xã biết khơi dậy một xã hội thi đua học tập, khơi dậy lòng yêu quê hương bản quán của những người con luôn muốn quê  hương mỗi ngày càng có nhiều người học giỏi để đổi đời. Đó là cách làm có chiều sâu của Thụy Xuân trong công tác này.

Nguyễn Mai Sơn
(Thụy An – Thái Thụy)

  • Từ khóa