Thứ 4, 03/07/2024, 13:21[GMT+7]

Miệt mài cho ngày chiến thắng

Thứ 3, 06/12/2011 | 11:13:15
1,874 lượt xem
Có mặt tại Trường Trung cấp nghề cho người khuyết tật Thái Bình vài ngày trước khi Hội thi Thể thao học sinh khuyết tật toàn quốc lần thứ IV khai mạc, chúng tôi được chứng kiến không khí luyện tập sôi nổi, hăng say của thầy và trò nhà trường – lực lượng nòng cốt của đoàn tuyển Thái Bình tham dự Hội thi.

Thầy và trò đội bóng đá khiếm thính đang tích cực luyện tập chuẩn bị cho Hội thi Thể thao học sinh khuyết tật toàn quốc lần thứ IV

Phía trong nhà thi đấu, các vận động viên môn cầu lông đang đổ mồ hôi với bài tập của mình. Ngay cạnh đó, các em dự thi môn bóng bàn đang chăm chỉ rèn giũa cho thành thạo các kỹ năng. Phía góc sân, mấy em gái của môn kéo co cũng đang miệt mài với bài tập thể lực. Thấy tôi có vẻ hơi băn khoăn vì thấy ít học sinh luyện tập, cô giáo Nguyễn Thị Hương, Trưởng khoa Văn hóa của trường giải thích ngay: Các em dự thi môn cờ vua đang luyện tập trên tầng 2 của khu nhà học, còn đội bóng đá thì đã “quần quật” với trái bóng tại sân vận động trung tâm tỉnh từ nhiều ngày nay rồi. Đến lúc này thì chúng tôi đã hình dung ra được không khí luyện tập hăng say, tập trung và sự nghiêm túc của các em học sinh khuyết tật Thái Bình trước ngày hội lớn.

Cô giáo Nguyễn Thị Hương cho chúng tôi biết thêm, kế hoạch luyện tập của các em tham dự Hội thi lần này đã được xây dựng từ sớm với những sự chuẩn bị chu đáo nhất. Theo đó, cùng với việc họp triển khai kế hoạch luyện tập trong toàn trường, ban giám hiệu đã phân công nhiệm vụ cho từng phòng, khoa chuyên môn, quán triệt nhiệm vụ tới toàn thể cán bộ, giáo viên và phụ huynh của các học sinh tham gia luyện tập. Cụ thể, việc bảo đảm tiêu chuẩn, chế độ của các em trong thời kỳ luyện tập sẽ do Phòng Tổ chức – Hành chính đảm trách; Ban Chăm sóc sức khỏe lo việc nấu nước, ăn uống hàng ngày; Phòng Quản lý học sinh, sinh viên bảo đảm việc nghỉ ngơi; Phòng Đào tạo có nhiệm vụ bố trí thời gian luyện tập… Mỗi giáo viên được phân công đảm trách một môn thi đấu. Trước đó, để bảo đảm chất lượng luyện tập, các giáo viên được phân công phụ trách việc luyện tập sẽ lên danh sách các trang thiết bị cần mua sắm trình lãnh đạo nhà trường phê duyệt.

Thực hiện kế hoạch đã đề ra, ngay sau quá trình lựa chọn, kiểm tra, đánh giá khả năng của từng em để bố trí môn thi đấu phù hợp, từ tháng 10/2011 các em bước vào giai đoạn tập luyện, trước tiên là tập luyện tích lũy thể lực. Đây là thời kỳ mà các bài tập thường tiêu tốn nhiều năng lượng, rất cần sự bổ sung dinh dưỡng hàng ngày. Trong bối cảnh các em đều đang bước vào “tuổi ăn, tuổi lớn”, “ăn chưa no, lo chưa tới”, định mức tiền ăn hàng ngày được cấp chỉ có 60.000 đồng/người/ngày, ban giám hiệu nhà trường đã phải tính toán, xoay sở, tiết kiệm từ nhiều nguồn kinh phí khác để bữa ăn hàng ngày của các em được bảo đảm hơn, đồng thời hỗ trợ thêm nước uống, hoa quả cho các em.

Lãnh đạo nhà trường khẳng định, dù còn khó khăn, nhưng sẽ bảo đảm để việc ăn uống của các em ở mức tốt nhất có thể. Cũng từ khi bước vào giai đoạn luyện tập chuẩn bị cho Hội thi, các em được nhà trường bố trí ăn, nghỉ tập trung vừa để bảo đảm sức khỏe cho việc luyện tập vừa tránh được những tác động từ bên ngoài. Riêng đối với việc ăn đã có hẳn một bộ phận riêng, chuyên trách từ khâu lựa chọn, mua thực phẩm đến khâu chế biến.

Việc dạy dỗ, rèn luyện đối với học sinh bình thường đã khó, với học sinh khuyết tật điều đó lại càng khó hơn. Thêm vào đó, do hầu hết các em đều là học sinh mới lần đầu dự thi nên công tác chỉ dẫn, luyện tập càng không đơn giản. Thầy giáo Phạm Quang Huy, người phụ trách chung trong công tác huấn luyện của nhà trường cho biết, do các em bị câm, điếc nên việc tiếp thu các kiến thức, kỹ năng mà các thầy, các cô truyền đạt rất hạn chế. Với đặc điểm tâm lý của tuổi mới lớn, các thầy cô biết rằng phải kiên trì chỉ bảo, dạy dỗ cùng với sự động viên, khuyến khích kịp thời thì các em mới có thể tiếp thu và áp dụng được những kiến thức mà các thầy truyền đạt. Với cách làm ấy, việc luyện tập dần đi vào nền nếp.

Sau giai đoạn tập thể lực, từ ngày 1/11/2011 các em bước vào thời kỳ luyện tập chuyên sâu với thời khóa biểu 2 buổi mỗi ngày. Ngoài thời gian tập luyện theo quy định, có nhiều em còn tự tập thêm. Thông qua “phiên dịch viên” Phạm Quang Huy, chúng tôi có dịp “trò chuyện” với Đặng Ngọc Chiến bằng thủ ngữ. Chiến sinh năm 1995, là cầu thủ của đội bóng đá khiếm thính. Em cho biết, hàng ngày em đều tự tập thể lực từ 6 giờ sáng, đến 7 giờ mới tập chung cùng toàn đội tại sân vận động trung tâm tỉnh. Huấn luyện viên Lê Trung Dũng của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn các em các bài tập về thể lực, về kỹ, chiến thuật và tâm lý thi đấu. Cùng với thời gian, các em đã có những bước tiến bộ nhất định. Qua những động tác của bàn tay, Chiến khẳng định sẽ thi đấu hết mình để đạt kết quả cao nhất trong Hội thi sắp tới.

Trong thành phần đoàn Thái Bình tham dự Hội thi Thể thao học sinh khuyết tật toàn quốc lần này có Hoàng Thị Hồng Ngọc, đương kim vô định nội dung cầu lông nam nữ phối hợp. Huy chương vàng mà Ngọc cùng đồng đội đạt được diễn ra tại Hội thi lần thứ III, tổ chức năm 2009 tại Đăk Lăk. Vẻ hồn nhiên không giấu được trên khuôn mặt cô bé 16 tuổi này. Cũng “trò chuyện” với chúng tôi bằng thủ ngữ, Ngọc cho biết, lần trước đoạt được huy chương vàng em rất vui và lần này em rất muốn mình sẽ lặp lại được thành tích đó. Quan sát những động tác mạnh mẽ, dứt khoát của Ngọc trong lúc luyện tập, chúng tôi cùng chung suy nghĩ, cô bé rất có tiềm năng ở môn cầu lông và thầm chúc cho em sẽ một lần nữa bước lên bục cao nhất, mang vinh quang về cho quê hương.

Chia tay các vận động viên trẻ tuổi, chúng tôi trở về mang theo niềm hy vọng về những tấm huy chương các em sẽ giành được. Nhưng có một phần thưởng lớn hơn mà Hội thi này mang đến cho các em, đó là cơ hội được gặp gỡ, giao lưu với các bạn đồng trang lứa, được chia sẻ những suy nghĩ, tâm sự, được học hỏi lẫn nhau, để từ đây, sự tự tin trong mỗi em được vun đắp thêm, tiếp thêm cho các em sức mạnh vượt lên khó khăn, chiến thắng tật nguyền.

Bài, ảnh: Minh Sơn

 

 

 

 

  • Từ khóa