Thứ 4, 03/07/2024, 11:59[GMT+7]

Vũ Lăng Vùng đất hiếu học

Thứ 5, 12/01/2012 | 15:46:09
4,013 lượt xem
Không chỉ bây giờ, mà từ xa xưa, Vũ Lăng (Tiền Hải) đã được nhân dân trong vùng tôn vinh là vùng đất hiếu học.

Tan trường

Ngày 15/12/2011, chúng tôi về Vũ Lăng, đúng dịp xã cùng con cháu dòng họ Phạm tổ chức trọng thể lễ đón hài cốt cử nhân Phạm Xuân Hoà (1862- 1920) - người con của Vũ Lăng, một trong 9 cử nhân người Thái Bình khai khoa kỳ thi Hội năm Thành Thái thứ 3 (1891) từ Sóc Sơn (Hà Nội) về an táng tại khu lăng mộ xã Vũ Lăng quy tập an táng cho những người có học hàm, học vị tiến sỹ, giáo sư. Việc làm của dòng họ Phạm và của Hội khuyến học Vũ Lăng vừa thể hiện sự tôn kính với bậc tiền nhân và cũng là bồi đắp thêm truyền thống hiếu học của lớp lớp con cháu quê hương hôm nay và mãi mãi sau này.

Vũ Lăng vốn là một xã nghèo, có thời điểm hộ nghèo lên tới 15 – 17%. Toàn xã  có 5.100 khẩu và 370 ha canh tác. Do điều kiện địa lý nằm cuối của con đường liên xã, lại áp sát chân đê Trà Lý, nên ruộng đất chua trũng chiếm tỷ lệ cao, năng suất cây trồng rất thấp, đời sống nông dân vô vùng khó khăn. Ngay đến năm 2010, bình quân thu nhập của xã chưa đầy 9 triệu đồng/người/năm, trong khi bình quân toàn tỉnh đã đạt 16,1 triệu đồng. Vũ Lăng là một trong số xã xây dựng cơ sở hạ tầng sau cùng của huyện. Ngay trụ sở UBND xã, xây xong phần thô 2 – 3 năm sau mới hoàn thiện. Từ thửa xa xưa, các dòng họ Phạm, họ Ngô, họ Lê, họ Trần… đã giáo dục con cháu:

“Dẫu có bạc vàng trăm vạn lạng
Không bằng kinh sử một vài pho”

Khó khăn là vậy nhưng cán bộ, nhân dân Vũ Lăng luôn ghi nhớ lời dạy của các bậc tiền nhân và đi đầu trong phong trào khuyến học, khuyến tài trong thời đại CNH – HĐH và hội nhập. Hội khuyến học Vũ Lăng là một trong số hội được thành lập sớm nhất ở Tiền Hải. Sau mỗi khóa đại hội, Hội khuyến học Vũ Lăng ngày càng hoàn thiện và lớn mạnh. Hội đã xây dựng được 8 chi hội khuyến học (5 chi hội thôn và 3 chi hội trường học) và 18 ban khuyến học, các dòng họ trong xã. Đảng uỷ, UBND xã đã cử một đảng viên, phó chủ tịch UBND xã ra ứng cử Ban chấp hành Hội khuyến học và được bầu làm chủ tịch Hội khuyến học xã. Hội luôn luôn chủ động đổi mới nội dung hoạt động, trong đó tập trung vào việc giáo dục truyền thống hiếu học của các bậc ông cha.

Giáo dục tinh thần và tư duy: Quê ta là đất nghèo khó, muốn sánh vai với các vùng,  miền khác thì con cháu đời nào cũng phải duy trì và phát huy đạo nhà, nếp làng, nếp xã mà tận tâm, tận lực với sự nghiệp học hành. Đảng uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQ xã luôn giúp đỡ Hội khuyến học, bên cạnh việc chỉ đạo các ngành, các đoàn thể và các gia đình, tuỳ sức, tuỳ tâm đóng góp tinh thần vật chất cho Hội khuyến học, xã còn liên hệ với con em quê hương  thành đạt ở khắp miền đất nước hướng về xã và tham gia tích cực vào công việc khuyến học, khuyến tài. Xã đã tiết kiệm chi tiêu và dành một phần đất xây dựng một khu lưu niệm (theo hình thức bia ghi tên vinh danh những cá nhân thành đạt trên con đường học vấn) để những ngày lễ, ngày khai giảng các thầy cô, các đoàn đội đưa học sinh, đưa thiếu niên, nhi đồng tới thăm, hoặc biểu dương khen thưởng.

Đối với các chi hội (5 thôn, 3 trường)  khi chuẩn bị vào năm học mới, theo chỉ đạo của xã, tổ chức trao giải thưởng cho học sinh giỏi trong năm học vừa qua. Tại các dòng họ, sau khi thắp hương tại bàn thờ tổ tiên, vừa trao thưởng cho các cháu thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, thủ khoa, vừa tổ chức trao thưởng cho con cháu có tinh thần vượt khó, hiếu học, biểu dương và công nhận gia đình hiếu học.

Công tác khuyến học được phối hợp chặt chẽ, chung sức của mỗi nhà trường, gia đình, dòng học, thôn làng. Năm 2010, toàn xã đã chi 61.000.000 đồng cho công tác khuyến học, trong đó quỹ của Hội khuyến học xã 21 triệu đồng, dòng họ 35 triệu đồng, các nhà trường 5 triệu đồng … Do phong trào khuyến học, khuyến tài được duy trì, phát huy và đi vào từng hộ, từng người trong xã mà Vũ Lăng đến nay đã có gần 1.000 hội viên tự nguyện tham gia vào Hội khuyến học xã, chiếm gần 25% tổng dân số xã. Từ kết quả khuyến học, khuyến tài, đến nay Vũ Lăng đã có 6 giáo sư, tiến sĩ; 25 thạc sĩ; 396 đại học, cao đẳng, ngoài ra còn rất nhiều người tốt nghiệp các trường trung cấp, dạy nghề.  Sáu năm (2005 – 2011), Vũ Lăng đã có 116 em đỗ đại học, 115 em đỗ vào các trường cao đẳng. Năm 2011, như một vườn hoa nở rộ, Vũ Lăng có tới 35 em thi đỗ đại học, 20 em đỗ cao đẳng, 7 em là học sinh giỏi cấp tỉnh, 52 em học sinh giỏi cấp huyện, 45 /76 em thi đỗ vào THPT. Nhiều gia đình nông dân như ông Trần Đức Huỳnh, Lê Văn Xuất, Nguyễn Văn Truyện, Phạm Văn Hương, Đào Văn Giảng, tất cả các con đều vào đại học …

Trong toàn xã có tới 30 gia đình có từ 1 đến 2 con đang học đại học, 18/18 chi họ đều được xã biểu dương về công tác khuyến học nền nếp và là các dòng họ hiếu học. Cùng với công tác khuyến học, khuyến tài đối với con em, Vũ Lăng còn làm tốt công tác “Học tập cộng đồng”. 5 năm (2006 – 2010) xã đã tổ chức được 102 lớp cho 10.580 học viên học tập khoa học kỹ thuật, chính sách và pháp luật. Với hiệu qủa khuyến học, khuyến tài đã góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của xã. Những năm gần đây Vũ Lăng là một trong điển  hình phát triển  và thâm canh cây vụ đông, là địa phương đưa tỉ lệ lúa chất lượng cao thuộc loại tốp đầu của huyện, là địa phương đi đầu phát triển gia trại, trang trại chăn nuôi của Tiền Hải. Đồng thời là xã nhiều năm liền “không ma tuý”…

Trên con đường đi lên CNH – HĐH và xây dựng nông thôn mới, mặc dù kết quả khuyến học, khuyến tài những năm qua đạt hiệu quả cao, nhưng từ Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vũ Lăng không lấy đó làm tự mãn.  Đại hội khuyến học nhiệm kỳ 2010 – 2015 vẫn xác định: Gia đình, dòng họ, các đoàn thể, nhà trường tiếp tục phải là nền tảng vững chắc để con em vươn lên trên con đường học tập – học để ngày mai lập nghiệp.

Phan Lợi

  • Từ khóa