Thứ 4, 03/07/2024, 13:05[GMT+7]

Lại bàn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Giáo dục và Đào tạo

Thứ 3, 10/04/2012 | 15:07:35
2,128 lượt xem
Ngày 24-12-2010, Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2010/NĐ-CP. Quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục. Ngày 19-10-2011, Liên Bộ Giáo dục – Đào tạo và Nội vụ có Thông tư hướng dẫn số 47/2011 về: chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Sở Giáo dục và Đào tạo thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phòng Giáo dục và đào tạo thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Giờ học tin học của thầy và trò Trường THPT Đông Tiền Hải. Ảnh: Ngọc Linh

Ở Thái Bình, khi triển khai thực hiện Nghị định và thông tư hướng dẫn, qua hai cuộc họp với các sở, ngành, UBND và phòng giáo dục – đào tạo các huyện, thành phố vẫn có nhiều ý kiến khác nhau. Để rộng đường dư luận chúng tôi xin được đề cập đến vấn đề này.

Có thể thấy, Nghị định của Chính phủ ban hành đến nay đã được hơn một năm và thông tư hướng dẫn của Liên bộ Giáo dục – Đào tạo và nội vụ cũng được 6 tháng. Nhưng, khi triển khai thực hiện vẫn còn khó nhiều vướng mắc. Tại cuộc họp lần thứ nhất, bàn về vấn đề này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao cho Sở Nội vụ báo cáo Bộ Nội vụ làm rõ một số nội dung. Sau một tháng, xin ý kiến của các cơ quan chuyên môn của Bộ Nội vụ, Sở Nội vụ đã có văn bản trả lời. Chiều ngày 4-4-2012, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Cao Thị Hải, với sự tham gia của các sở, ngành có liên quan, hội nghị lần này có thêm đại diện UBND và Phòng Giáo dục – Đào tạo các huyện thành phố. Dự thảo “quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức và biên chế của Sở giáo dục – đào tạo gồm: hai chức năng, 21 nhiệm vụ, quyền hạn. Về tổ chức và biên chế, không có gì biến động, chỉ có theo tinh thần Nghị định 115 của Chính phủ, tại điều 12 và tại điểm c, điều 3 của thông tư liên bộ quy định tổ chức và biên chế. Dự thảo đưa ra hai phương án; phương án 1, các đơn vị cơ sở trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo gồm: các trường cao đẳng, trường trung cấp chuyên nghiệp của tỉnh; các trường THPT (kể cả công lập và tư thục), các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm ngoại ngữ, tin học, các trung kỹ thuật tổng hợp – hướng nghiệp. Phương án 2, không có các trường cao đẳng.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị vẫn có nhiều quan điểm khác nhau; người ủng hộ phương án 2, người đồng tình phương án 1. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị lãnh đạo UBND các huyện làm rõ hơn vấn đề: Chuyển trung tâm giáo dục thường xuyên về Sở quản lý hay để ở huyện quản lý như hiện nay tốt hơn? Các đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện, thành phố đều cho rằng: Cần làm rõ chức năng, nhiệm vụ của trung tâm, để xác định chủ thể quản lý. Có hai quan điểm nêu ra: Nếu để trung tâm GDTX do phòng và huyện quản lý thì có thực trạng là: Công tác bổ túc văn hoá THPT, phòng GD&ĐT không có chức năng, nội dung đó thuộc thẩm quyền của sở và khả năng ngân sách đầu tư cơ sở vật chất ở cấp huyện không thể đáp ứng được. Nếu chuyển giao về sở quản lý thì việc đầu tư tốt hơn và chỉ đạo chương trình học phổ thông cho các đối tượng phù hợp hơn, nhưng lại sẽ rất khó cho việc phổ cập tiểu học, THCS. Tuy nhiên, có ý kiến khác cho rằng: các phòng giáo dục – đào tạo chịu sự quản lý của Sở GD-ĐT thì không lý do gì Sở lại không điều hành được vấn đề này. Bởi vậy, đa số các đại biểu đều thấy việc chuyển trung tâm GDTX về Sở GD-ĐT quản lý là hợp lý nhất. Đại diện Sở Nội vụ cho là: Trường cao đẳng sư phạm trực thuộc Sở GD-ĐT thì không có vấn đề gì, nhưng Trường cao đẳng VHNT, Y tế về Sở giáo dục – đào tạo sẽ khó cho công tác tạo nguồn “đầu vào”. Lập tức, đại diện Sở kế hoạch đầu tư đưa ra dẫn chứng: Bộ Giáo dục – Đào tạo đâu phải chỉ quản lý các trường Sư phạm mà còn quản lý các trường của nhiều Bộ khác.

Có một chi tiết được nhiều ý kiến tranh luận là điểm 9 về quản lý viên chức ghi: “Phòng GD&ĐT chủ trì, phối hợp với phòng nội vụ hướng dẫn các cơ sở giáo dục...” Điều này, lâu nay mỗi nơi làm một kiểu. Theo trưởng phòng GD và ĐT Đông Hưng thì vai trò chủ trì của phòng GD&ĐT trong xác định định biên đã giúp cho giáo dục Đông Hưng phát triển mạnh mẽ và luôn là lá cờ đầu của tỉnh. Song, có huyện thì việc định biên (xác định vị trí việc làm, số người làm việc) do phòng Nội vụ chủ trì đã dẫn đến những hệ lụy là lấy hợp đồng ồ ạt, có người làm hợp đồng hàng chục năm không được vào biên chế.

Đồng chí giám đốc Sở Tài chính cho rằng: Hướng dẫn của liên bộ cũng không đề cập đến vai trò của tài chính. Việc chuyển trung tâm GDTX về sở quản lý cũng không thể nói xong là chuyển được. Nếu có chuyển về Sở cũng phải đến đầu năm 2013 vì việc bố trí ngân sách cho các trung tâm này là được ghi trong kế hoạch phân bổ tài chính từ cuối năm 2011. các ý kiến phát biểu đều nói nhiều đến công tác cán bộ, bổ nhiệm cán bộ được đề cập trong Nghị định 115 và hướng dẫn liên bộ. Nhưng, công tác cán bộ ở nước ta do Đảng lãnh đạo. Cụ thể là do cấp uỷ cùng cấp quyết định. Vì vậy, phòng giáo dục chỉ đứng ở vai trò tham mưu cùng với các phòng và Ban tổ chức trình BTV huyện uỷ quyết định. Đây là nguyên tắc bất di, bất dịch của công tác cán bộ, vì thế cần phải cân nhắc khi triển khai một số điều khoản ghi trong Nghị định 115 về công tác cán bộ.

Kết thúc cuộc làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo khảo sát các tỉnh bạn triển khai Nghị định 115 và hướng dẫn của liên bộ có vững mắc khó khăn. Nhất là những tỉnh chuyển giao các trường cao đẳng về Sở Giáo dục sau khi có Nghị định 115. Cần thiết thì tổ chức hội thảo xin ý kiến rộng rãi của các ngành, UBND các huyện, thành phố. Hai Sở Nội vụ và Sở Giáo dục – Đào tạo trao đổi với Ban Tổ chức Tỉnh uỷ để có sự thống nhất cao của các cơ quan tham mưu giúp Tỉnh uỷ, UBND tỉnh triển khai Nghị định 115 của Chính phủ.

Phạm Viết Thanh

  • Từ khóa