Thứ 2, 01/07/2024, 13:50[GMT+7]

"GÓC SÂN VÀ KHOẢNG TRỜI" Vị ngọt nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ

Thứ 6, 01/06/2012 | 08:03:39
5,036 lượt xem
Không bị lãng quên, bởi tập thơ gắn liền với tên tuổi nổi tiếng của một "thần đồng" thơ Việt Nam, song lâu nay mọi người ít nhắc đến "Góc sân và khoảng trời" của Trần Đăng Khoa; đặc biệt con trẻ - lứa tuổi học sinh tiểu học, THCS - dường như chưa quen thuộc lắm, thậm chí có nhiều em lắc đầu không biết.

Mặc dù, trong sách giáo khoa Tiếng Việt, ngay từ những bài học vỡ lòng của học sinh lớp 1, cũng đã giới thiệu một số đoạn, một số bài thơ của Trần Đăng Khoa; nhưng điều đó khó có thể giúp các em đủ hiểu về thiên tài thơ thiếu nhi một thời này. Hơn nữa, điều quan trọng là đến với tập thơ, các em sẽ học được sự  cảm nhận tinh tế, thói quen quan sát trực diện, cách bày tỏ lòng yêu thương đối với con người, cảnh vật, thiên nhiên… xung quanh mình. Đó cũng chính là vị ngọt cần thiết để nuôi dưỡng và bồi đắp thế giới tâm hồn trẻ thơ hồn nhiên, trong sáng, nhưng cũng rất đỗi sâu sắc và phong phú.

 

Cho dù ở thời "hoàng kim", hay trong giai đoạn "trầm lắng", thơ vẫn giữ vị trí độc tôn về sự chắt lọc ngôn từ; bởi bao nhiêu cung bậc cảm xúc, bao nhiêu tần số rung động đều được dồn nén, vo tròn, rồi bật lên những ý thơ độc đáo và sâu lắng. Đi đến bước đột phá ấy, đòi hỏi người làm thơ phải thực sự có được sự giao cảm đặc biệt. Với Trần Đăng Khoa, khi bắt đầu làm thơ ở tuổi lên 8, cậu bé lớp 1 trường làng chưa hiểu thế nào là "kỹ thuật" chắt lọc ngôn từ, nhưng bởi chính sự giao cảm đặc biệt ấy đã giúp cậu "nảy" thơ: Con bướm vàng/Con bướm vàng/Bay nhẹ nhàng/Trên bờ cỏ/Em thích quá/Em đuổi theo/Con bướm vàng/Nó vỗ cánh/Vút lên cao/Con bướm vàng/Con bướm vàng…(Con bướm vàng).

 

Đọc thơ của Khoa, người ta có cảm giác như cậu bé đang kể chuyện: Vườn em có một luống khoai/Có hàng chuối mật với hai luống cà/Em trồng thêm một cây na/Lá xanh vẫy gió như là gọi chim/Những đêm lấp ló trăng lên/Vườn em dậy tiếng dịu hiền gần xa…(Vườn em). Mà đúng là em đang kể nên thơ em hồn nhiên, chân thật và gần gũi như những lời đồng dao: Hay nói ầm ĩ/Là con vịt bầu/Hay hỏi đâu đâu/Là con chó vện/Hay chăng dây điện/Là con nhện con/Ăn no quay tròn/Là cối xay lúa/Mồm thở ra gió/Là cái quạt hòm/Không thèm cỏ non/Là con trâu sắt/Rồng phun nước bạc/Là chiếc máy bơm/Dùng miệng nấu cơm/Là cua, là cáy/Chẳng vui cũng nhảy/Là con cào cào/Đêm ngồi đếm sao/Là ông cóc tía/Ríu ran cành khế/Là cậu chích chòe/Hay múa xập xòe/Là cô chim trĩ… (Kể cho bé nghe)

 

Sự giao cảm đặc biệt không tự nhiên mà đến, cũng không dễ dàng mà có nếu như không chịu khó quan sát một cách trực diện. Có bài thơ của Khoa làm người đọc sửng sốt, bởi em làm thơ mà như đang múa bút vẽ một bức tranh hiện thực sống động. Tôi đã từng hình dung hình ảnh cậu bé Khoa đứng lặng người quan sát cảnh vật lúc trời mưa. Có cảm giác, lúc bấy giờ, mọi thứ như "hút hồn" cậu bé chưa đủ 10 tuổi này. Bởi vậy, mà dễ thấy ngay được sự mê say, sự hứng khởi của em trong mỗi câu thơ: Sắp mưa/Sắp mưa/Những con mối/Bay ra/Mối trẻ/Bay cao/Mối già/Bay thấp/Gà con/Rối rít tìm nơi ẩn nấp/Ông trời/Mặc áo giáp đen/Ra trận/Muôn nghìn cây mía/Múa gươm/Kiến/Hành quân/Đầy đường/Lá khô/Gió cuốn/Bụi bay/Cuồn cuộn/Cỏ gà/Rung tai/Nghe/Bụi tre/Tần ngần/Gỡ tóc/Hàng bưởi/Đu đưa/Bế lũ con/Đầu tròn trọc lóc/Chớp/Rạch ngang trời/Khô khốc/Sấm/Ghé xuống sân/Khanh khách/Cười/Cây dừa/Sải tay/Bơi/Ngọn mùng tơi/Nhảy múa… Mưa chéo mặt sân/Sủi bọt/Cóc nhảy chồm chồm/Chó sủa/Cây lá hả hê/Bố em đi làm về/Đội sấm/Đội chớp/Đội cả trời mưa… (Mưa).

 

Nhiều người không biết nhiều về thơ Khoa, cũng chẳng biết bài "Đêm Côn Sơn" của em, nhưng lại rất thuộc tứ thơ "để đời": Tiếng chim vách núi nhỏ dần/Rì rầm tiếng suối khi gần khi xa/Ngoài thềm rơi cái lá đa/Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng… Khoa làm bài thơ này năm 1968, khi em 10 tuổi. Đến nay, đã hơn 40 năm, có lẽ, chưa ai vượt qua được sự nhạy cảm quá đỗi tinh tế về cái "tiếng rơi nghiêng" ấy. Và cũng bởi sự nhạy cảm thiên phú nên trước bất cứ sự vật, hiện tượng nào, Khoa cũng có thể so sánh, liên tưởng một cách hợp lý: Bão đến ầm ầm/Như đoàn tàu hỏa/Bão đi thong thả/Như con bò gầy… (Mặt bão) Sau làn mưa bụi tháng Ba/Lá tre bỗng đỏ như là lửa thiêu/Nền trời rừng rực ráng treo/Tưởng như ngựa sắt sớm chiều vẫn bay. (Tháng Ba) Đường cày ai rạch/Thành dòng sông Ngân/Sao như gốc rạ/Lô nhô xa gần…(Hương đồng)

 

Những ai đã từng học chuyên Văn, hẳn không thể không "thẩm thấu" nghệ thuật nhân cách hóa tài tình trong thơ Trần Đăng Khoa. Từ chiếc máy cày (Máy cày xình xịch/Về đồng làng em/Máy hát cả đêm/Mắt không chịu ngủ/Mắt máy vẫn mở/Sáng hai vệt dài… - Máy cày xình xịch), đến cây dừa (Cây dừa xanh tỏa nhiều tàu/Dang tay đón gió, gật đầu gọi trăng/Thân dừa bạc phếch tháng năm/Quả dừa - đàn lợn con nằm trên cao. - Cây dừa), chiếc ngõ nhỏ (Chiếc ngõ nhỏ/Thở sương đêm/Ông trăng lên/Cười trong lá… - Chiếc ngõ nhỏ) … đều được Khoa khéo léo thổi hồn vào trong đó để tất cả trở nên sinh động hơn, đáng yêu hơn.

 

Thật tiếc nếu như đến với tập thơ Góc sân và khoảng trời của Trần Đăng Khoa lại bỏ qua bài Đám ma bác Giun. Với những đứa trẻ khác, trước hình ảnh một con giun đất chết bị cả đàn kiến tha đi, có thể chỉ nhìn lướt qua một cách vô tình. Nhưng với Khoa thì hoàn toàn khác, em quan sát rất kỹ và tưởng tượng hình ảnh ấy như một "đám ma", mà mỗi chú kiến được nhân cách hóa như một con người với những "vị trí" rất riêng: Cầm hương Kiến Đất bạc đầu/Khóc than Kiến Cánh khoác màu áo tang/Kiến Lửa đốt đuốc đỏ làng/Kiến Kim chống gậy, Kiến Càng nặng vai… Và cũng chỉ với Khoa, chỉ miêu tả một buổi sáng,  nhưng cậu bé đã vẽ bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp với những nét chấm phá độc đáo nhưng rất đỗi quen thuộc, gần gũi với cuộc sống của những người dân ở làng quê Bắc Bộ: Ông trời nổi lửa đằng đông/Bà sân vấn chiếc khăn hồng đẹp thay/… Chị tre chải tóc bên ao/Nàng mây áo trắng ghé vào soi gương…(Buổi sáng nhà em).

 

Nhận xét về thơ Trần Đăng Khoa trong tập Góc sân và khoảng trời, nhiều người cho rằng bên cạnh sự hồn nhiên của trẻ thơ, còn ẩn chứa cả sự già dặn của một người lớn tuổi. Bởi vậy mà độc giả không chỉ sửng sốt với cảnh vật, cây cối, thiên nhiên trong "bức vẽ" của Khoa, mà còn phải lặng thầm giấu mọi cảm xúc trước tình yêu thương vô bờ bến của cậu bé này với Bác Hồ. Cũng lại trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, những cô cậu học trò bỡ ngỡ buổi đầu đến trường vẫn đọc thuộc lòng bài thơ Ảnh Bác của Trần Đăng Khoa: Nhà em treo ảnh Bác Hồ/Bên trên là một lá cờ đỏ tươi/Ngày ngày Bác vẫn mỉm cười/Bác nhìn chúng cháu vui chơi trong nhà… Ngày 15/6/1967, nghe đài đưa tin giặc Mỹ ném bom xuống Hà Nội, Khoa làm thơ mà như đang kêu lên thảng thốt: - Các chú bộ đội ơ!i/- Các chú bộ đội ơi!/Thằng giặc Mỹ nó ném bom Hà Nội rồi!/Hà Nội có Bác Hồ đang ở… (Hà Nội có Bác Hồ). Còn nữa, hai bài thơ Đất trời sáng lắm hôm nay Em gặp Bác Hồ cũng đã được rất nhiều người say mê đọc và trân trọng tình cảm của em.

 

Đối với những người sống xung quanh mình, từ bà, mẹ, em… đến thầy giáo, chú bộ đội, bạn bè cùng trang lứa…, Khoa đều bày tỏ tình yêu thương chân thành của mình qua những bài thơ xúc động như: Bà và cháu, Khi mẹ vắng nhà, Mẹ ốm, Bàn chân thầy giáo, Thầy đi bộ đội, Gửi theo chú bộ đội, Em dâng cô một vòng hoa… Và với cả một chú chó nhỏ Khoa cũng coi như một người bạn, để rồi khi người bạn ấy rời xa, Khoa gọi bạn thống thiết bằng cả một bài thơ dài: …Sao không về hả chó?/Nghe bom thằng Mỹ nổ/Mày bỏ chạy đi đâu?Tao chờ mày đã lâu/Cơm phần mày để cửa/Sao không về hả chó?/Tao nhớ mày lắm đó?Vàng ơi là Vàng ơi!... (Sao không về Vàng ơi?)

 

Năm 1968, tròn 10 tuổi, tập thơ riêng đầu tay Góc sân và khoảng trời của Trần Đăng Khoa gồm 52 bài được Ty Giáo dục tỉnh Hải Dương xuất bản với số lượng 10.000 cuốn. Năm 1973, tập thơ được bổ sung thành 66 bài in ở NXB Kim Đồng với số lượng 50.000 bản. Chỉ tính đến năm 2002, tập thơ đã được tái bản đến lần thứ 50. Cũng trong năm này, Góc sân và khoảng trời là một trong ba tập thơ của Trần Đăng Khoa được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Điểm qua những con số và sự kiện này không nhằm mục đích quảng bá tập thơ, bởi nó đã và mãi gắn liền với tên tuổi "thần đồng" Trần Đăng Khoa.

 

Chỉ có một điều buồn là một tập thơ nổi tiếng một thời khói lửa đạn bom, và còn vẹn nguyên giá trị với cả ngày nay, lại có nhiều người vô tình không quan tâm đến thế. Lâu nay, học sinh ngại làm văn, thậm chí không ít em phải "đánh vật" với từng dòng để miêu tả cảnh, các loài vật, cây cối… - những thứ thân quen hiện hữu hàng ngày, hàng giờ ngay trong chính cuộc sống của các em. Dẫu biết các em thiếu vốn sống thực tế, nhưng không phải vì thế mà có thể đổ hết cho nguyên nhân khách quan. Biết quan sát, biết lắng nghe, biết yêu thương, các em sẽ tự tạo cho mình sự nhạy cảm tinh tế để có những cung bậc cảm xúc không thể thiếu trong tâm hồn thơ trẻ. Góc sân và khoảng trời của nhà thơ Trần Đăng Khoa có lẽ sẽ giúp các em trong suốt hành trình sống để làm người ấy. 

 

Thế An

 

  • Từ khóa