Chủ nhật, 07/07/2024, 19:41[GMT+7]

Bài học sau sự cố sạt lở bờ bao đê hữu Hóa tại huyện Quỳnh Phụ

Thứ 5, 27/08/2020 | 09:03:19
1,804 lượt xem
Huyện Quỳnh Phụ phải huy động khẩn cấp lực lượng lớn quân sự, công an phối hợp với lực lượng địa phương cùng máy móc, phương tiện khắc phục sự cố sạt lở bờ bao đê hữu Hóa thuộc địa phận xã An Ninh với tổng kinh phí xử lý thiệt hại gần 200 triệu đồng. Qua đây cho thấy bài học về thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” chưa bao giờ thừa với các địa phương trong mùa mưa bão.

Khắc phục sự cố sạt lở bờ bao đê hữu Hóa thuộc địa phận xã An Ninh (Quỳnh Phụ).

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 gây mưa lớn trên diện rộng, kết hợp triều cường (đỉnh triều), mực nước trên sông Luộc, sông Hóa thuộc địa phận huyện Quỳnh Phụ dâng cao, một số đoạn bờ bao thấp xung yếu thuộc K5 đê hữu Hóa của các hộ nuôi trồng thủy sản xã An Ninh, An Thanh bị tràn dẫn đến sạt lở vào khoảng 19 giờ ngày 2/8. Tại xã An Thanh, ngay khi phát hiện đoạn bờ bao dài 10m, rộng 1m, sâu 2m bị sạt lở, người dân đã chủ động thuê máy, đóng cọc tre và dùng bao đất để kịp thời xử lý sự cố. Khu nuôi trồng thủy sản xã An Ninh có diện tích 37ha, 17 hộ nuôi trồng với chiều dài bờ bao 2,9km giáp sông Hóa đã xảy ra sự cố làm 10 điểm bị sạt lở, có lỗ rò rỉ thân bờ cao, đoạn dài nhất gần 20m, rộng 10m gây tràn bờ, cá thoát ra ngoài sông.

Ngay sau khi nhận được báo cáo từ xã An Ninh, lãnh đạo huyện, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Quỳnh Phụ đã có mặt kịp thời chỉ đạo khắc phục sự cố. Trước thực trạng đường dẫn từ đê hữu Hóa xuống điểm sạt lở nhỏ hẹp, thiếu vật tư, phương tiện tại chỗ để xử lý sự cố, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã nhanh chóng thống nhất phương án yêu cầu Ban CHQS huyện tăng cường lực lượng, sử dụng máy phát điện phục vụ hiện trường, dùng tàu vận tải chở trên 300 khối cát từ bến Dằm chở về địa điểm sạt lở. Dưới sự chỉ đạo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện, 60 cán bộ, chiến sĩ quân đội cùng lực lượng địa phương khẩn trương thực hiện nhiệm vụ trong đêm. Sáng ngày 3/8, Công an huyện Quỳnh Phụ huy động thêm 50 cán bộ, chiến sĩ cùng phương tiện tiếp tục phối hợp với lực lượng tại hiện trường xử lý sự cố. Đến cuối giờ chiều ngày 3/8, toàn bộ 10 điểm sạt lở tại xã An Ninh đã được gia cố, đắp cao qua trình mực nước triều, bảo đảm an toàn.

Ngay sau khi khắc phục sự cố, UBND huyện Quỳnh Phụ đã tổ chức họp với các xã, thị trấn đánh giá lại công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó với sự cố sạt lở đê. Bên cạnh sự chủ động, tích cực, quyết liệt trong chỉ đạo của huyện, các địa phương, còn tồn tại một số hạn chế trong công tác PCTT&TKCN, đặc biệt ở một số xã duyên giang. 

Ông Nguyễn Văn Phát, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trước ảnh hưởng bất thường, diễn biến phức tạp của thiên tai đã xuất hiện tình trạng chủ quan của một bộ phận nhân dân và lãnh đạo một số địa phương. Mặc dù huyện vừa tổ chức họp cụm phòng, chống thiên tai và triển khai các nhiệm vụ ứng phó với bão số 2 song qua thực tế chỉ đạo khắc phục sự cố sạt lở bờ bao đê hữu Hóa tại xã An Ninh cho thấy trước khi bão đổ bộ, lãnh đạo địa phương đã không thực hiện công tác kiểm tra, rà soát các ẩn họa thân đê, bờ bao. Đặc biệt, trong điều kiện giai đoạn nắng nóng kéo dài, thời điểm mưa gắn với triều cường, một số bờ bao đã bị ảnh hưởng từ những năm trước. Toàn bộ các địa điểm bị sạt lở đều trồng cây lâu năm, không được cắt tỉa, khi bão vào, gió to kết hợp triều cường lớn làm lay gốc cây là nguyên nhân chính dẫn đến sự cố. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo địa phương lúng túng, thiếu quyết liệt, nhất là công tác huy động nhân lực và vật tư thiết yếu như đèn pin, bao, cuốc, xẻng... cùng phương tiện thiếu và không kịp thời.

Thực tế cho thấy, những địa phương duyên giang nếu phát huy tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” chắc chắn sẽ chủ động và giảm thiểu đến mức thấp nhất những ảnh hưởng do thiên tai gây ra. An Khê là xã có địa bàn phức tạp giáp sông Luộc và sông Hóa với hơn 12km đê bao quanh, trong đó 5km đê quốc gia và 7,3km đê bối. 

Ông Ngô Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã An Khê cho biết: Năm 2017, trước ảnh hưởng của mưa bão, 2km bờ vùng bãi sông thuộc đê bao hữu Luộc do xã quản lý đã bị nước tràn. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN xã đã huy động lực lượng tại chỗ, chủ lực là các hộ trồng màu và nuôi trồng thủy sản đã vận chuyển, đắp trên 1.000 bao tải đất. Ngay sau khi nước rút, địa phương đã tiến hành tu sửa hệ thống bờ bao với kinh phí gần 100 triệu đồng. Với kinh phí từ ngân sách phòng, chống thiên tai của xã, năm 2019 An Khê tiếp tục sử dụng cơ giới phát quang trong và ngoài mái đê quốc gia hữu Luộc đoạn từ Km34 đến Km35+5. Phối hợp với cơ quan chức năng xử lý vi phạm hành chính, tháo dỡ vật cản của một số hộ vi phạm hành lang đê. Ứng phó với mùa mưa bão năm nay, địa phương đã chủ động phát quang 3,5km chân đê, cơ quan chức năng cũng đã khảo sát, dự kiến tháng 10/2020 sẽ thi công 1,1km kè sông Luộc.

Rút kinh nghiệm sau sự cố, để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, huyện Quỳnh Phụ đã yêu cầu các địa phương, đơn vị, đặc biệt là 14 xã, thị trấn duyên giang cần tập trung rà soát lại các điểm xung yếu, thực hiện phát quang trên hệ thống bờ đầm, đê bao, đê bối. Phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm của cán bộ các cấp, tăng cường kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện ở cơ sở, trong đó, chú trọng việc chuẩn bị vật tư dự trữ của nhân dân và khâu tổ chức lực lượng tại chỗ để xử lý kịp thời khi sự cố xảy ra. Chú trọng công tác tuần tra, canh gác, bảo vệ, khi phát hiện sự cố, hư hỏng của công trình phải báo cáo kịp thời, đồng thời chủ động xử lý, ngăn chặn không cho sự cố phát triển xấu thêm. Cùng với đó, huyện yêu cầu các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức phòng, chống thiên tai, huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp chính quyền, sự tham gia đông đảo và tích cực của nhân dân nhằm ứng cứu, bảo vệ đê điều an toàn trong mùa mưa bão.

Trịnh Cường