Thứ 6, 05/07/2024, 02:07[GMT+7]

Hiệu quả từ mô hình quản lý, điều trị bệnh nhân trầm cảm tại cộng đồng

Thứ 3, 01/09/2020 | 09:13:31
2,032 lượt xem
Triển khai từ tháng 9/2019, mô hình điểm quản lý bệnh nhân trầm cảm do Bệnh viện Tâm thần tỉnh thực hiện đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần phát hiện kịp thời, quản lý, chăm sóc, điều trị, phục hồi chức năng cho bệnh nhân trầm cảm tại cộng đồng. Nhờ đó, nhiều bệnh nhân trầm cảm đã giảm triệu chứng hoặc khỏi bệnh, sớm ổn định cuộc sống.

Bác sĩ Bệnh viện Tâm thần tỉnh khám, tư vấn cho người dân tại xã Duy Nhất (Vũ Thư).

Bác sĩ Lê Minh Ngọc, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh cho biết: Theo nghiên cứu của PGS, TS Bùi Quang Huy, Chủ nhiệm Khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103, có khoảng 25% dân số có một triệu chứng hoặc một giai đoạn hoặc một biểu hiện mắc bệnh trầm cảm. Tỷ lệ mắc bệnh chiếm từ 1 - 2,5% dân số. Bên cạnh đó, theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới có hơn 400.000 người tự tử mỗi năm do trầm cảm. Do đó, việc phát hiện sớm để điều trị kịp thời cho bệnh nhân trầm cảm có ý nghĩa rất quan trọng. Trước thực trạng trên, Bệnh viện Tâm thần tỉnh đã triển khai mô hình điểm quản lý bệnh nhân trầm cảm ở 6 xã: Hòa Bình (Vũ Thư), An Vinh (Quỳnh Phụ), Hồng Minh (Hưng Hà), Đông La (Đông Hưng), An Ninh (Tiền Hải) và Dương Hồng Thủy (Thái Thụy). Tham gia mô hình, người dân các xã được khám sàng lọc và điều trị trầm cảm miễn phí. Từ đó, giúp người bệnh vượt qua rào cản tâm lý và tránh những hành động làm hại bản thân cũng như ảnh hưởng đến gia đình và xã hội.

Việc triển khai thực hiện mô hình được thực hiện qua nhiều bước. Sau khi hướng dẫn cho cộng tác viên y tế, thôn sàng lọc toàn bộ người dân (trừ người dưới 18 tuổi, người vắng mặt tại địa phương) thông qua 21.000 phiếu test câu hỏi được phát ra tại 6 xã. Dựa trên câu trả lời từ phiếu test, các bác sĩ Bệnh viện Tâm thần tỉnh sẽ tổ chức các bàn khám, khám sàng lọc những người có biểu hiện của bệnh trầm cảm. Qua thăm khám đã phát hiện 317 bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm. Các bệnh nhân có bệnh được lập hồ sơ bệnh án để điều trị ngoại trú. Mỗi tháng một lần, người bệnh sẽ nhận thuốc tại trạm y tế xã. Từ kết quả này cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm tại 6 xã triển khai điểm chiếm 1,5% tổng dân số.

Bác sĩ Lê Minh Ngọc, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh cho biết thêm: Qua khám sàng lọc, các bệnh nhân chủ yếu mắc các dạng trầm cảm như: trầm cảm nội sinh, trầm cảm cơ thể và trầm cảm sau bệnh. Cụ thể, trầm cảm nội sinh có biểu hiện buồn chán, bi quan, chán sống và tự sát. Tỷ lệ tự sát ở dạng trầm cảm nội sinh cao, chiếm khoảng 2,5 - 3% bệnh nhân mắc bệnh trầm cảm. Đối với trầm cảm cơ thể, người bệnh có triệu chứng: lo lắng, hồi hộp, bồn chồn, run tay chân, nghẹn... Bên cạnh đó, cũng có một số trường hợp trầm cảm sau bệnh. Sau 3 tháng điều trị, đánh giá lại tình hình bệnh nhân đã đạt được những kết quả tích cực. 100% bệnh nhân được điều trị, các triệu chứng bệnh giảm; 20% bệnh nhân điều chỉnh lại liều lượng thuốc; chỉ còn 1 - 2% bệnh nhân không khỏi, tiếp tục lên Bệnh viện điều trị. Trong số các bệnh nhân được điều trị có bệnh nhân B.T.T, sinh năm 1988, xã Dương Hồng Thủy (Thái Thụy). Bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn trầm cảm vừa với các triệu chứng ban đầu là đau đầu, mất ngủ, bi quan, làm việc không hiệu quả và không muốn làm việc. Bệnh nhân được điều trị bằng thuốc trong 6 tháng. Kết quả, đến nay bệnh nhân đã giảm các triệu chứng của bệnh, đi làm trở lại bình thường.

Hiệu quả của mô hình đã được khẳng định, năm 2020 mô hình tiếp tục mở rộng thêm 6 xã mới là: Duy Nhất (Vũ Thư), Thụy Trường (Thái Thụy), thị trấn Kiến Xương (Kiến Xương), Trà Giang (Kiến Xương), Văn Lang (Hưng Hà) và Đông Hải (Quỳnh Phụ). Để nâng cao hiệu quả của mô hình quản lý điều trị bệnh nhân trầm cảm tại 6 xã mới triển khai, Bệnh viện Tâm thần tỉnh đã có những điều chỉnh mới. Cụ thể là việc nâng cao nhận thức của người dân về bệnh trầm cảm thông qua việc đẩy mạnh tuyên truyền, mở rộng đối tượng tuyên truyền. Bởi từ trước đến nay, nhiều người dân vẫn nghĩ Bệnh viện Tâm thần chỉ khám và điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh tâm thần, động kinh, thiểu năng trí tuệ mà không biết rằng ngoài các bệnh trên, Bệnh viện còn khám, điều trị khoảng 300 bệnh, trong đó có bệnh trầm cảm. Bên cạnh đó, Bệnh viện cũng thực hiện giảm thời gian đánh giá kết quả điều trị xuống còn 1 - 2 tuần thay vì sau 3 tháng như trước. Ngày khám sàng lọc bệnh nhân trầm cảm cũng được tổ chức vào thứ bảy, chủ nhật nhằm giúp người lao động làm việc tại các công ty, đơn vị, doanh nghiệp có thể tiếp cận với việc khám bệnh miễn phí.

Như Hoàng

Dao van nhat - 2 năm trước

Cháu mong được chữa bệnh trầm cảm và tâm thần phân liệt tại tỉnh thái bình

Tải thêm

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày