Thứ 6, 05/07/2024, 09:22[GMT+7]

Tân Học tiếp bước truyền thống hào hùng

Thứ 4, 02/09/2020 | 08:27:32
14,935 lượt xem
Xã Thái Tân và xã Thái Học trước đây được biết đến là những địa phương đi đầu tham gia khởi nghĩa giành chính quyền trong cao trào cách mạng 1944 - 1945 của huyện Thái Ninh cũ (nay là huyện Thái Thụy). Vì thế, việc hai xã Thái Tân và Thái Học được sáp nhập thành xã Tân Học càng tô thắm hơn truyền thống cách mạng và mở rộng không gian phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.

Diện mạo nông thôn mới xã Tân Học.

Truyền thống cách mạng hào hùng 

Theo lịch sử Đảng bộ xã Thái Tân trước đây thì Thái Tân gồm 2 xã Thần Đầu và Phú Uyên, huyện Thái Ninh xưa. Đây là địa phương có truyền thống yêu nước, phong trào cách mạng từ rất sớm. Ngay từ năm 1929, trong xã đã có tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí Hội. Đến năm 1930, Chi bộ đảng được thành lập do đồng chí Vũ Văn Vịnh làm Bí thư tích cực tuyên truyền, vận động giác ngộ quần chúng đứng lên đấu tranh chống thực dân, phong kiến và cường hào áp bức ở địa phương. Sau khi được thành lập, Chi bộ đã tổ chức phong trào cách mạng, lãnh đạo quần chúng nhân dân đấu tranh đòi một số quyền lợi về thuế, sửa chữa công trình thủy lợi bị hư hỏng tại địa phương. Giai đoạn từ năm 1932 đến năm 1939, mặc dù tình hình có nhiều biến động, nhiều đảng viên bị địch bắt tù đày nhưng phong trào cách mạng ở Thần Đầu vẫn có những hoạt động tích cực, tiêu biểu nhất là cuộc đấu tranh giữ bãi biển Tân Bồi (1938 - 1939). Phong trào cách mạng tại Thần Đầu tiếp tục được duy trì đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công. 

Với xã Thái Học trước đây thuộc đất Thần Huống xưa. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nơi đây được biết đến không chỉ là làng kháng chiến kiểu mẫu của huyện Thái Ninh xưa mà còn của cả tỉnh Thái Bình. Ngoài ra, Thần Huống là khu căn cứ, nơi nuôi giấu và hoạt động của nhiều cán bộ cách mạng tỉnh, huyện. Do trong làng có hệ thống giao thông hào chằng chịt, nhà nối nhà, xóm nối xóm, ra vào làng có 40 cổng xóm và 4 cổng chính. Ðường làng có hố cá nhân để phòng khi địch bắn bất ngờ có chỗ ẩn nấp ngay. Nhà nào cũng đào hầm bí mật phục vụ bộ đội, du kích chiến đấu. Vì vậy, nơi đây thực sự trở thành “thiên la, địa võng”, nỗi kinh hoàng khiếp vía đối với quân địch. Giai đoạn 1950 - 1954, phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp tại Thần Huống diễn ra rất mạnh mẽ. Trong 4 năm này, quân và dân Thần Huống với tinh thần dũng cảm, kiên cường, vừa độc lập tác chiến vừa phối hợp với quân dân trong tỉnh đánh địch trên 50 trận lớn nhỏ, trong đó 7 trận càn quét, đánh phá quy mô lớn; loại khỏi vòng chiến đấu 342 tên địch, làm bị thương 150 tên, bắt sống và gọi ra hàng 221 tên, thu 1 súng đại bác 105 ly cùng 300 viên đạn, 10 đại liên, 11 trung liên, 20 tiểu liên, 250 súng trường, phá hủy 20 trung - đại liên; cắt phá 5km đường giao thông, dựng 25 vật chướng ngại trên đê, đường để ngăn chặn xe cơ giới của địch… 

Mô hình trồng cây sachi cho hiệu quả kinh tế cao tại xã Tân Học 

Khởi đầu mới trên quê hương cách mạng

Với bề dày lịch sử và truyền thống đấu tranh chống thực dân Pháp, hai xã Thái Tân và Thái Học đều được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp, khu căn cứ du kích Thần Đầu - Thần Huống được công nhận là di tích lịch sử cách mạng. Phát huy truyền thống của quê hương, những năm qua, cán bộ, đảng viên, nhân dân xã Thái Học và xã Thái Tân không ngừng học tập, lao động sản xuất, thi đua phát triển kinh tế, xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Đặc biệt, Thái Tân và Thái Học đã được công nhận xã đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới trong các năm 2014, 2016. Thực hiện kế hoạch sáp nhập hai xã Thái Tân và Thái Học thành xã Tân Học nhận được sự ủng hộ, đồng thuận cao của nhân dân cả hai xã với tỷ lệ hơn 98%. Tháng 3/2020, xã Tân Học được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 2 xã Thái Tân và Thái Học trước đây. Xã Tân Học có tổng diện tích tự nhiên 7,8km2 , dân số 8.000 người. 

Ngay sau sáp nhập, xã Tân Học đã công bố quyết định thành lập Đảng bộ xã đồng thời tiến hành kỳ họp HĐND để bầu các chức danh chủ chốt của HĐND, UBND xã; thực hiện sắp xếp lại tổ chức, nhanh chóng ban hành các cơ chế sát thực tế địa phương để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ xã lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đại hội đã đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để phát triển kinh tế - xã hội của xã trong 5 năm tới, nhất là phấn đấu trở thành xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2024. Theo ông Đỗ Thanh Hà, Chủ tịch UBND xã: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ nhất, UBND xã đang từng bước cụ thể hóa mục tiêu của Đại hội đề ra. Trong đó, xã đã đăng ký tiếp nhận trên 200.000 tấn xi măng để thực hiện nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn. Huy động con em xa quê xây dựng tường bao, cổng dậu các nghĩa trang trong xã để bảo đảm tiêu chí môi trường; tu bổ nhà văn hóa thôn. Trong phát triển kinh tế, UBND xã tập trung chỉ đạo nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tiếp tục mở rộng các diện tích cây màu vụ đông cho giá trị kinh tế cao, phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học với quy mô trang trại, gia trại. Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, xã tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội cho các doanh nghiệp đóng trên địa bàn hoạt động ổn định; ban hành cơ chế hỗ trợ, khuyến khích tạo điều kiện cho các hộ phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh dịch vụ, xuất khẩu lao động. Từ đó, tạo thêm nhiều việc làm cũng như nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. 

Trần Tuấn