Thứ 2, 08/07/2024, 01:32[GMT+7]

Đạo đức nhà báo

Thứ 2, 14/09/2020 | 09:10:48
778 lượt xem

Báo Thái Bình tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến “Tư vấn mùa thi - Định hướng nghề nghiệp” năm 2020.

Xã hội đang sống ở thời đại công nghiệp 4.0 song ở bất cứ giai đoạn nào của lịch sử và với bất cứ ai để sống và tồn tại được nhất định phải có đạo đức, đạo đức là một phạm trù rất chung và cũng rất riêng. Trong xã hội có đạo đức xã hội và từng ngành nghề để tồn tại và phát triển được thì cũng phải có đạo đức của ngành nghề mình. Trong cuộc sống, mỗi cá nhân cũng phải có đạo đức của riêng mình và đạo đức đó phải được gắn với với truyền thống gia đình, truyền thống quê hương và bên cạnh đó là gắn với đạo đức nghề nghiệp của mỗi con người.

Với những người làm báo, đạo đức nghề nghiệp quan trọng hơn cả, vì nếu không có đạo đức nghề nghiệp thì người làm báo chắc chắn sẽ mang tư tưởng cá nhân của mình mà lấn át những quy chuẩn đạo đức chung của nghề nghiệp đã được quy định. Với một cá nhân phóng viên là vậy nhưng nếu lãnh đạo một cơ quan báo chí mà quên mất đạo đức nghề nghiệp thì sự sa ngã còn ảnh hưởng lớn hơn nhiều. Chúng ta luôn có niềm vui khi thấy các nhà báo luôn tôn trọng đạo đức nghề nghiệp và thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí. Ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, chuyện các nhà báo bị sa ngã vào những cám dỗ vật chất thông thường mà bị kỷ luật, bị dư luận xã hội lên án ở báo này, báo khác đã có nhưng cũng rất ít, hoặc mới chỉ là những chuyện nhỏ. Nhưng ở không ít tờ báo, tạp chí điện tử của ngành này, ngành khác, chuyện những nhà báo “mắt cú, lòng đen, bút chém, túi đầy” bị sa ngã, rơi vào vòng lao lý không phải ít. Chính họ chứ không ai khác, không thể đổ lỗi cho cơ chế thị trường, những việc làm sai trái đó đã làm cho các cơ quan quản lý báo chí đau đầu vì chưa tìm ra cách xử lý sao cho “thuận chèo mát mái”.

Phóng viên Báo Thái Bình tác nghiệp tại đảo Trường Sa Đông.

Để góp tiếng nói chung trong thực hiện Luật Báo chí, đặc biệt là thực hiện 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, Hội Nhà báo Thái Bình tổ chức hội thảo với chủ đề “Đạo đức người làm báo trong thời đại công nghiệp 4.0”. Tham dự hội thảo có các đồng chí lãnh đạo hội nhà báo, các cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương, trung tâm truyền thông các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình, Hải Dương. Cùng với hội thảo, tháng 10/2020 các tỉnh, thành phố trong khu vực sẽ cùng với cả nước tiến hành đại hội đảng bộ tỉnh, thành phố, thông qua cuộc hội thảo lần này cũng nhằm góp phần để các nhà báo và từng cơ quan báo chí tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn của mình và đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng của mỗi địa phương.

Hội báo toàn quốc năm 2019.

Nhà báo Nguyễn Công Đán, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Hưng Yên

Nhìn chung, phóng viên hệ thống báo Đảng địa phương ít và không có những vi phạm đạo đức trầm trọng để phải thu thẻ nhà báo như các lỗi: tống tiền, viết thuê, “đánh hội đồng”... Nhưng các nhà báo chúng ta thường mắc một số lỗi như: không tìm hiểu kỹ, thường đưa tin một chiều mặt tốt; có hiện tượng khai thác tin, bài qua báo cáo, viết như báo cáo; có hiện tượng vòi vĩnh cơ sở, sai hẹn với cơ sở; không dám hoặc ít đưa tin, bài mặt trái; không yêu nghề, dẫn đến không học tập nâng cao trình độ, không thành thạo các thể tài báo chí, không có khả năng bình luận, hoặc gặp nhiều hạn chế, khó khăn khi làm phóng sự, phim tài liệu, ký báo chí…

Nhà báo Mai Vũ Tuấn, Giám đốc Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ninh

Khi thực hiện tác phẩm báo chí, những yêu cầu về năng lực chuyên môn của nhà báo luôn phải gắn với những chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp. Điều này phải được thể hiện trong từng khâu tác nghiệp, trong đó có việc khai thác nguồn tin. Có như vậy tác phẩm báo chí mới đem lại những giá trị đích thực cho công chúng. Để có thông tin, nhà báo phải đi thực tế, tiếp cận sự việc, gặp gỡ nhân vật. Mỗi chuyến đi là một dịp nhen nhóm, ấp ủ đề tài. Nếu nhà báo đã say mê, tâm huyết với nghề, lăn xả với những chuyến đi thực tế thì họ sẽ hiểu thấu đáo vấn đề và công chúng sẽ có được những tác phẩm trung thực “mang đậm hơi thở cuộc sống”. Nhà báo có động cơ trong sáng, cách nhìn nhận, đánh giá khách quan thì họ sẽ xử lý đúng đắn, trung thực về nguồn tin. Còn nếu xuất phát điểm của nhà báo không tốt, ngay từ đầu đã có động cơ xấu thì chắc chắn khi khai thác nguồn tin cũng khó có thể khách quan, nếu không nói là bị bóp méo.

Nhà báo Trần Đức Long, Phó Tổng biên tập phụ trách Báo Nam Định, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Nam Định

Các cơ quan báo chí ở Nam Định đã thường xuyên rèn luyện đội ngũ phóng viên về bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp, xứng đáng là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hoá của Đảng. Ngày nay, với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, trực tiếp tiếp cận vào cuộc sống của đông đảo công chúng; vì vậy người làm báo cần phải làm chủ công nghệ để truyền tải thông tin thật nhanh và thật chính xác. Nhà báo phải rèn tâm, luyện đức, phải lấy cái đức làm gốc của nghề nghiệp, cái tâm nhất quán phải soi sáng trong từng tác phẩm báo chí để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng; phục vụ công cuộc phát triển đất nước, bảo vệ “bình yên xã hội”, an yên trong lòng người.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Ánh, Tổng biên tập Báo Hải Phòng, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hải Phòng

Báo Hải Phòng đang tập trung mũi nhọn phát triển báo điện tử để thông tin trên báo Đảng đến được nhiều hơn, đa dạng hơn các tầng lớp nhân dân và bạn đọc trong xu thế truyền thông đa phương tiện hiện nay. Mỗi người làm báo của Báo Hải Phòng luôn ý thức rằng, trước những thông tin bịa đặt, sai trái tràn lan trên mạng internet hiện nay, báo Đảng cần tỉnh táo, xác định nguồn gốc, kiểm chứng chuẩn xác thông tin trước khi đưa nội dung tới bạn đọc. Trước một vấn đề nóng, cần cân nhắc kỹ trước khi đưa lên mặt báo, tránh những tác động tiêu cực tới xã hội. Vì vậy, đội ngũ những người làm báo Đảng cần bản lĩnh chính trị về chuyên môn, nghiệp vụ. Báo Đảng địa phương không chỉ là phương tiện tuyên truyền mà còn là “vũ khí phản ứng nhanh” của Đảng bộ địa phương. Điều đó giúp dư luận nhận rõ thông tin chưa chuẩn xác. Đặc biệt, khi xảy ra những sự cố thông tin, hệ thống báo Đảng cần tích cực, sử dụng các phương tiện truyền thông với mục đích lành mạnh hóa để giải quyết sự việc.

Nhà báo Trần Xuân Quyết, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh Hà Nam

Để nâng cao đạo đức nghề nghiệp, trước hết ý thức tự tu dưỡng đạo đức, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của người làm báo hết sức quan trọng, có tính quyết định. Đồng thời, cơ quan báo chí phải là môi trường lành mạnh, làm việc chuyên nghiệp, có kỷ cương. Lãnh đạo cơ quan báo chí phải là những đầu tàu gương mẫu, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm; luôn đồng hành và tạo điều kiện tốt nhất để các nhà báo dám dấn thân vào những nơi, những việc khó khăn nhất, khai thác, xử lý các thông tin đắt giá phục vụ thông tin tuyên truyền vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc, vì cuộc sống hạnh phúc của nhân dân.

Nhà báo Phạm Kim Huệ, Phó Giám đốc Đài PTTH  Ninh Bình,  Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Ninh Bình

Trong thời đại số và xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, quyền thông tin, tự do thông tin là không thể ngăn cấm. Các nhà báo cần thu thập thông tin trên mạng xã hội bởi đây là nơi tương tác và quảng bá các bài báo của mình tới công chúng để tạo hiệu ứng, lan truyền những vấn đề tích cực. Mạng xã hội cũng là nơi mở rộng dư luận và góp ý vào thực hiện chính sách, pháp luật nhà nước... Tuy nhiên với tư cách nhà báo, với vai trò, chức năng, nhiệm vụ xã hội và đặc thù nghề nghiệp của mình, càng cần phải giữ gìn đạo đức, vững vàng quan điểm trong việc tiếp nhận, xử lý thông tin và tham gia thông tin. Với người làm báo, cần nắm vững, thấm nhuần đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để tuyên truyền đúng, không chỉ qua bài viết mà còn cả khi tham gia mạng xã hội.

Nhà báo Vũ Văn Mạnh, Phó Giám đốc Đài PTTH Thái Bình, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo tỉnh Thái Bình

Đài PTTH Thái Bình đã xây dựng và áp dụng đề án tòa soạn hội tụ, thành lập hội đồng biên tập duy trì hoạt động hàng ngày để điều hành mọi hoạt động nội dung trên tất cả các kênh sóng. Hội đồng biên tập định hướng nội dung, thống nhất kế hoạch tuyên truyền của các phòng nội dung; quyết định nội dung tuyên truyền tất cả các chương trình hàng ngày. Tuyên truyền cái gì, tuyên truyền như thế nào và có phát sóng không đều do hội đồng biên tập quyết định chứ không do phóng viên quyết định. Việc giữ gìn đạo đức người làm báo không chỉ liên quan đến cá nhân phóng viên, biên tập viên mà còn là thương hiệu, uy tín của cơ quan báo chí nói riêng và giới báo chí nói chung.

Nhà báo Trần Kim Thoa, Phó Tổng biên tập Báo Thái Bình, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo tỉnh Thái Bình

Các phóng viên, hội viên Chi hội Báo Thái Bình luôn được tạo điều kiện tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ. Đặc biệt, mỗi phóng viên, hội viên đều xác định phải tự học, tự rèn, nhất là về bản lĩnh chính trị, tính khách quan. Đến nay, Báo Thái Bình đã xây dựng đội ngũ những người làm báo báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao. Cụ thể: gần 90% cán bộ, phóng viên, hội viên đã có trình độ trung cấp lý luận chính trị, trong đó gần 30% phóng viên, nhà báo có trình độ cao cấp lý luận chính trị; 100% phóng viên, nhà báo có trình độ chuyên môn đại học và trên đại học. Nhiều năm qua, Báo Thái Bình luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.


Phóng viên Báo Thái Bình, Đài PTTH Thái Bình tác nghiệp tại cơ sở.

Phóng viên Báo Thái Bình, các cơ quan báo chí trung ương và địa phương tác nghiệp tại khu cách ly tập trung phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh.

Nhà báo Vũ Anh Thao 
Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thái Bình