Thứ 4, 03/07/2024, 04:54[GMT+7]

Quốc hội thảo luận về một số dự án Luật

Thứ 2, 16/11/2020 | 14:57:54
5,021 lượt xem
Tiếp tục kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, sáng 16/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Đại biểu Bùi Văn Xuyền, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình phát biểu thảo luận tại phiên họp.

Phiên thảo luận tại hội trường đã có 26 ý kiến và 4 tranh luận về dự án luật này, đa số các đại biểu tập trung nêu các dẫn chứng, lý lẽ về sự cần thiết sửa đổi Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) năm 2008 để đảm bảo an toàn giao thông, cơ sở hạ tầng và kết cấu giao thông hiện hành; việc sửa luật phải đảm bảo hệ thống giao thông Việt Nam, trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành; đồng thời cần rà soát kỹ về thủ tục hành chính, cấp giấy phép lái xe, sát hạch lái xe... sao cho phù hợp với thực tiễn của Việt Nam so với thế giới. Ngoài ra, các đại biểu còn cho ý kiến về thẩm quyền cấp giấy phép mô tô, ô tô từ Bộ Giao thông Vận tải sang Bộ Công an; đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh: Các nội dung về giao thông đường bộ cũng như vấn đề sát hạch giấy phép lái xe cũng sẽ được Quốc hội tiếp tục cho ý kiến đối với Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trước khi xem xét lại các dự án Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra, soạn thảo dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội để chỉnh sửa, bổ sung trước khi Quốc hội tiếp tục xem xét.

Trước đó đầu giờ buổi sáng, sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết, với 87,14% đại biểu tán thành. 

Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh, gồm 11 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021. Nghị quyết quy định chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh gồm: Chính quyền địa phương ở TP. Hồ Chí Minh có Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân. Ở quận và phường không có Hội đồng nhân dân mà chỉ có Uỷ ban nhân dân. Còn việc tổ chức chính quyền địa phương ở các huyện, thành phố, xã, thị trấn của TP. Hồ Chí Minh được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Buổi chiều, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) và thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Vũ Sơn Tùng

(Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh)


Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày