Thứ 2, 08/07/2024, 23:05[GMT+7]

Tập sách “Nỗi đau sau chiến tranh”

Thứ 6, 18/12/2020 | 08:32:06
2,593 lượt xem
"Nỗi đau sau chiến tranh” là tên tập sách đầu tiên do Bảo tàng Tác phẩm hậu chiến tranh - Minh Chuyên và Câu lạc bộ thơ lục bát tỉnh Thái Bình phát động cuộc sáng tác văn học năm 2019 - 2020 về đề tài hậu chiến tranh Việt Nam.

Gần 1.000 lượt tác giả gồm các nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch bản, các văn nghệ sĩ cùng bạn viết trong và ngoài nước tham gia. Đến nay, Ban Vận động đã nhận được trên 20.000 trang bản thảo gồm các thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản văn học, thơ ca, trường ca... Các tác phẩm được tập hợp in trong 10 tập sách mang tựa đề “Nỗi đau sau chiến tranh” do Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam tài trợ xuất bản từ tập 1 đến tập 9.

Nội dung mô tả xuyên suốt trong các tác phẩm là hình tượng người chiến sĩ quân đội, những anh hùng liệt sĩ dấn thân trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược. Cuộc kháng chiến thành công đã đem lại cho nhân dân ta cuộc sống hòa bình yên vui, nhưng hậu họa để lại cho người Việt Nam, trong đó có các chiến sĩ tham gia cuộc kháng chiến nỗi đau thương tang tóc khôn cùng. Một nỗi đau hàng triệu người phải gánh chịu, đau cả thể xác lẫn tâm hồn suốt gần nửa thế kỷ qua. Khủng khiếp nhất là hậu quả của cuộc chiến tranh hóa học do quân đội Mỹ rải thảm chất độc da cam/Điôxin xuống chiến trường miền Nam Việt Nam thời kỳ 1961 - 1972. Gần 5 triệu người bị di nhiễm đã phải sống khắc khoải chết dần, chết mòn, chết thảm. Chất độc đã di truyền, hành hạ, đau đớn từ đời ông, đời cha rồi thế hệ con cháu của họ và còn kéo dài sự đau thương, chết chóc không biết đến bao giờ.

Các văn nghệ sĩ với lương tri của người cầm bút đã nhiệt tình hưởng ứng cuộc vận động, dùng văn chương của mình để làm việc nghĩa với cuộc đời, tri ân những người có công đang phải gánh chịu hậu quả tàn khốc của cuộc chiến tranh. Các tác phẩm không chỉ ghi nhận, ngợi ca lòng quả cảm hy sinh của các anh hùng liệt sĩ, mà qua ngòi bút còn kịch liệt lên án cuộc chiến tranh tàn sát con người. Nhiều tác phẩm với phương pháp thể hiện rất sâu sắc, nội dung phong phú, ẩn chứa ý tưởng mới lạ, văn phong trong sáng, cốt truyện nhân văn, thấu động trái tim người đọc.    

Từ tập 1 đến tập 6 chủ yếu là sự tập hợp các văn bản, bản thảo. Từ tập 7 đến tập 9 được xuất bản theo tiêu chí: chọn lọc tinh tế, cô đọng. Tập 10 tuyển chọn, hội tụ phần lớn các gương mặt tác giả, tác phẩm tiêu biểu hưởng ứng cuộc vận động. Với trên dưới 1.000 trang có thể coi là sự lựa chọn tổng hợp của vòng sơ khảo để làm cơ sở cho các hội đồng xem xét các tác phẩm xuất sắc để trao giải thưởng trong dịp tổng kết cuộc vận động viết về đề tài hậu chiến tranh Việt Nam.

Nội dung 10 tập “Nỗi đau sau chiến tranh” cùng chung một âm hưởng vừa bi tráng vừa kiên cường, cùng cất lên tiếng nói đồng cảm, chia sẻ sự mất mát, đau thương và tỏ lòng biết ơn, tri ân những con người vì dân vì nước, những người đang từng ngày nén chịu nỗi đau sau cuộc chiến tranh. Ngoài tác phẩm tuyển chọn của tác giả qua 9 tập đã xuất bản, tập 10 xuất hiện thêm những tác giả nổi tiếng tiếp sức cho bộ sách, gửi tặng những tác phẩm rất ấn tượng về vẻ đẹp tâm hồn, ấn tượng cả về phương pháp nghệ thuật thể hiện.

Ban Vận động sáng tác về đề tài hậu chiến tranh với ý tưởng muốn gửi mai sau một thông điệp: Thời gian dần dần sẽ lùi xa, người ta có thể quên quá khứ của cuộc chiến tranh, nhưng tác phẩm hậu chiến này sẽ ngân lên tiếng chuông thức tỉnh để mọi người nhớ rằng, để có cuộc sống hòa bình, hạnh phúc hôm nay, có một thời một thế hệ người Việt đã phải chiến đấu, đổ máu, hy sinh và gánh chịu hậu quả của chiến tranh tàn khốc như thế nào!

Xúc động trước thân phận cuộc đời các anh hùng liệt sĩ xả thân vì nước và nỗi đau khôn cùng của người lính trở về sau cuộc chiến tranh, bằng những dòng hồi ức văn chương tả thực và lối viết chân thành, rung động từ trái tim các tác giả đã tạo nên huyền thoại đẹp trong các nhân vật. Cái đẹp của văn chương, cái đẹp của cuộc đời nhân vật đã làm nên vẻ đẹp tâm hồn của những cuốn sách.

Minh Chuyên
(Trưởng ban Vận động sáng tác văn học về đề tài hậu chiến tranh)