Thứ 6, 05/07/2024, 01:50[GMT+7]

Thực hiện tốt chương trình giảm nghèo bền vững góp phần bảo đảm an sinh xã hội

Thứ 4, 30/12/2020 | 08:40:02
3,441 lượt xem
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước. Giai đoạn 2016 - 2020, mục tiêu giảm nghèo của tỉnh đã thu được những kết quả quan trọng. Nhân dịp tổng kết 5 năm thực hiện chương trình giảm nghèo, phóng viên Báo Thái Bình phỏng vấn ông Bùi Văn Huân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về kết quả chương trình giảm nghèo của tỉnh.

Hộ nghèo xã Việt Hùng (Vũ Thư) được hỗ trợ kinh phí từ nguồn xã hội hóa để cải thiện nhà ở.

Phóng viên: Xin ông cho biết công tác chỉ đạo thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững ở tỉnh ta thời gian qua?

Ông Bùi Văn Huân: Xác định vai trò quan trọng của chương trình giảm nghèo bền vững, ngay sau khi chương trình giảm nghèo quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 được phê duyệt, tỉnh ta đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình giảm nghèo và tổ chức hội nghị triển khai đến các ban, ngành, đoàn thể và các huyện, thành phố, đồng thời hướng dẫn và chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch và cụ thể hóa bằng việc giao chỉ tiêu kế hoạch cho các huyện, thành phố; tạo điều kiện thuận lợi để các cấp, các ngành làm căn cứ bố trí ngân sách, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ với mục tiêu chung là xã hội hóa công tác giảm nghèo. Đối với các huyện, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện, tổ chức thực hiện đồng bộ công tác giảm nghèo đến các xã, phường, thị trấn và các hộ nghèo với những giải pháp cụ thể phù hợp với địa phương để thống nhất chỉ đạo và huy động nguồn lực thực hiện công tác giảm nghèo đạt hiệu quả.

Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, tỉnh ta đã ban hành các nghị quyết và nhiều quyết định, văn bản chỉ đạo thực hiện chính sách giảm nghèo. Ngoài ra, các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể liên quan trên địa bàn tỉnh đã ban hành văn bản thực hiện công tác giảm nghèo thuộc lĩnh vực ngành, đơn vị chỉ đạo các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở (xã, phường) tổ chức triển khai các hoạt động trong chương trình giảm nghèo, hoặc liên quan trực tiếp đến giảm nghèo. Ban chỉ đạo thực hiện chương trình giảm nghèo các huyện, thành phố đều căn cứ vào mục tiêu giảm nghèo của địa phương và hướng dẫn của các ngành chuyên môn cấp trên xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các xã, phường, thị trấn triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao thu nhập của người dân nói chung và bảo đảm ổn định cuộc sống của các hộ nghèo, cận nghèo nói riêng, bảo đảm phù hợp với điều kiện, đặc thù, khả năng huy động nguồn lực của tỉnh, trong đó chú trọng hỗ trợ giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, thực hiện kịp thời, đúng chế độ, chính sách đối với hộ nghèo, cận nghèo.

Phóng viên: Ông có thể cho biết những kết quả cụ thể công tác giảm nghèo của tỉnh trong thời gian qua?

Ông Bùi Văn Huân: Với sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở, công tác giảm nghèo đã được triển khai đồng bộ và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm từ 5,27% (năm 2016) xuống còn 2,66% (năm 2019) và 2,35% (năm 2020). Như vậy, trong 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,92%, bình quân mỗi năm giảm 0,58%. Hầu hết hộ nghèo được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như: vay vốn tín dụng, chăm sóc sức khỏe, nhà ở, đào tạo nghề và giải quyết việc làm... Thống kê trong 5 năm, toàn tỉnh đã có 8.725 lượt hộ nghèo được hỗ trợ chính sách ưu đãi với tổng kinh phí gần 336 tỷ đồng; 133.420 người được đào tạo nghề và giải quyết việc làm; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 355.984  người nghèo, người cận nghèo, người thuộc gia đình có mức sống trung bình với tổng kinh phí hỗ trợ gần 262 tỷ đồng; hỗ trợ miễn, giảm học phí cho 62.392 lượt học sinh thuộc hộ nghèo với kinh phí trên 11,3 tỷ đồng và giảm học phí cho 42.737 lượt học sinh hộ cận nghèo, với kinh phí trên 3,8 tỷ đồng; 455 hộ nghèo trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa nhà ở với tổng kinh phí trên 12,7 tỷ đồng. Đặc biệt, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương cùng với nguồn vốn đầu tư của nhà nước đã huy động nguồn lực rất lớn trong nhân dân. Đến nay, 100% số xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương đã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Cùng với đó, để hỗ trợ hộ nghèo thoát nghèo bền vững, tỉnh đã triển khai thực hiện các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. 5 năm qua, tỉnh đã hỗ trợ cho 891 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tổng số tiền trên 19 tỷ đồng thực hiện dự án nuôi bò sinh sản và trồng cây đinh lăng lá nhỏ... Bên cạnh đó, nhiều mô hình giảm nghèo đã và đang được triển khai, nhân rộng.

Phóng viên: Giai đoạn 2016 - 2020, công tác giảm nghèo của tỉnh đã đạt được kết quả tích cực, tuy nhiên trong quá trình thực hiện vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Xin ông cho biết cụ thể những khó khăn, hạn chế?

Ông Bùi Văn Huân: Giai đoạn 2016 - 2020, hộ nghèo thuộc nhóm đối tượng bảo trợ xã hội chiếm tỷ lệ cao (57,76%), trong khi đó lại chưa có chính sách hỗ trợ riêng, nên hầu như tỷ lệ hộ nghèo ở nhóm này không giảm, do vậy ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh. Bên cạnh đó, vấn đề giải quyết việc làm và hỗ trợ dự án về sinh kế cho hộ nghèo còn gặp nhiều khó khăn, phần lớn các hộ nghèo thuộc nhóm đối tượng bảo trợ xã hội (già cả, cô đơn, bệnh tật, khuyết tật...) không có sức lao động để tham gia dự án, do đó khó có khả năng thoát nghèo. Công tác tuyên truyền về phương pháp tiếp cận đa chiều tại cơ sở còn hạn chế nên nhiều người dân chưa biết hoặc chưa nắm rõ phương pháp điều tra, rà soát, dẫn đến thắc mắc và mong muốn được vào danh sách hộ nghèo. Nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước và của tỉnh, không nỗ lực vươn lên dẫn đến hiệu quả của chương trình giảm nghèo còn thiếu tính bền vững. Một số địa phương còn chưa quan tâm xây dựng kế hoạch hỗ trợ theo nhóm hộ nghèo với từng nguyên nhân nghèo để có giải pháp cụ thể hiệu quả.

Nhiều hộ nghèo tại xã Quang Trung (Kiến Xương) được hỗ trợ bò giống đã vươn lên thoát nghèo.

Phóng viên: Để khắc phục những hạn chế nêu trên và thực hiện tốt công tác giảm nghèo, thời gian tới Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có những giải pháp cụ thể gì để công tác giảm nghèo đạt hiệu quả cao hơn, thưa ông?

Ông Bùi Văn Huân: Trước tiên, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và trong các tầng lớp nhân dân về tiêu chí tiếp cận nghèo đa chiều, mục tiêu giảm nghèo bền vững; triển khai đồng bộ và có hiệu quả nghị quyết của HĐND tỉnh về giảm nghèo bền vững. Tích cực huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện công tác giảm nghèo. Đổi mới cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ người nghèo phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo. Chú trọng công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người nghèo. Cùng với đó, tiếp tục triển khai các chính sách giảm nghèo, trong đó tập trung vào 3 nhóm chính sách: hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, tạo điều kiện cho hộ nghèo tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên các dịch vụ gắn với tiêu chí nghèo đa chiều như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh; phát triển hạ tầng các vùng khó khăn, vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao. Đồng thời tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cấp cơ sở, nhất là các xã nghèo và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách, dự án, chương trình giảm nghèo, bảo đảm tính minh bạch, công khai.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ông Phí Anh Tuấn, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh
Giai đoạn 2016 - 2020, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh cho vay tín dụng ưu đãi 8.725 lượt hộ nghèo  toàn tỉnh với tổng kinh phí gần 336 tỷ đồng; 7.193 lượt hộ cận nghèo với tổng kinh phí trên 295,3 tỷ đồng và 72.593 lượt hộ mới thoát nghèo với tổng kinh phí hơn 2.758,1 tỷ đồng cùng các chương trình cho vay làm nhà ở; vay tín dụng học sinh, sinh viên; vay phát triển sản xuất, kinh doanh... Nhìn chung, các nguồn vốn vay được các gia đình sử dụng đúng mục đích, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có điều kiện vươn lên, tạo việc làm nâng cao đời sống, thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn, xây dựng nông thôn mới, góp phần làm thay đổi cơ bản nhận thức từ việc cấp không, cho không sang vay vốn có hoàn trả, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc sử dụng vốn.
Ông Bùi Bá Vường, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng
Giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, huyện Đông Hưng tiếp tục triển khai các văn bản của trung ương, của tỉnh; chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức thực hiện theo kế hoạch của huyện về chương trình thực hiện chính sách giảm nghèo, trong đó tập trung tuyên truyền, phổ biến về mục tiêu giảm nghèo với nhiều hình thức đa dạng, thiết thực. Cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã thể hiện rõ nhận thức và trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng thời yêu cầu các thôn, tổ dân phố trong quá trình rà soát phải xét duyệt chính xác, bảo đảm dân chủ, công bằng, công khai, không để xảy ra khiếu kiện. Việc thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội phải đúng đối tượng. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giai đoạn 2016 - 2020 đã giảm 2,97%, từ 5,17% (năm 2016) xuống còn 2,20% (năm 2020).

Ông Hà Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Thọ, thành phố Thái Bình
Cùng với triển khai các chương trình hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, những năm qua, xã Đông Thọ luôn chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác giảm nghèo, tự lực vươn lên không ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của nhà nước, của tỉnh. Đối với những hộ nghèo, hộ cận nghèo trong xã còn sức khỏe chúng tôi thường lấy những cách làm hay, gương thoát nghèo tiêu biểu trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền trên loa phát thanh của xã để khuyến khích, động viên học tập; đồng thời chỉ đạo ban giảm nghèo của xã trực tiếp là các tổ chức đoàn thể cho hộ nghèo vay vốn ưu đãi để tập trung phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo. Trong năm 2019, toàn xã có 3 hộ xin thoát cận nghèo, có 2 hộ được đề nghị đưa vào danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo nhưng cũng đều xin rút nhường cho những hộ khó khăn hơn. Nhờ triển khai đồng bộ các chính sách giảm nghèo và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, số hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã giảm dần qua từng năm.

Ông Trương Công Tuân, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hưng Hà, huyện Hưng Hà
rong công tác giảm nghèo, thị trấn Hưng Hà luôn coi trọng công tác kiểm tra, giám sát. Hàng năm, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và nhân dân tham gia thực hiện và giám sát quá trình điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các khu dân cư; tổ chức giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội bảo đảm công khai, khách quan, dân chủ, kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy định. Công tác tiếp nhận và giải quyết ý kiến, kiến nghị của nhân dân trong quá trình điều tra, rà soát và giải quyết chế độ, chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời theo quy định, vì vậy trong giai đoạn 2016 - 2020 thị trấn Hưng Hà không có đơn thư khiếu nại, tố cáo.


Nguyễn Cường
             (thực hiện)