Thứ 4, 03/07/2024, 04:24[GMT+7]

'Lựa chọn công nghệ phù hợp là việc khó với doanh nghiệp nhỏ'

Thứ 5, 13/06/2024 | 13:17:39
731 lượt xem
Với doanh nghiệp nhỏ, thiếu tiềm lực tài chính, việc lựa chọn công nghệ cho mục đích chuyển đổi xanh là việc khó, cần theo lộ trình, đầu tư vào những khâu có thế mạnh, theo chuyên gia.

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại IIBF 2024 tại TP HCM.

Quan điểm được các chuyên gia, doanh nghiệp nói tại tại Diễn đàn quốc tế về kinh doanh sáng tạo (IIBF) do Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức tại TP HCM, sáng 12/6. Diễn đàn là nơi các chuyên gia chia sẻ về các vấn đề kinh doanh thông qua ứng dụng công nghệ mới.

Theo ông Bùi Văn Trịnh, Phó tổng Giám đốc công ty tư vấn Deloitte, các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu đều đặt yêu cầu khắt khe với các nhà cung ứng phải đạt các tiêu chí xanh. Điều này bắt buộc các doanh nghiệp Việt phải ứng dụng công nghệ chuyển đổi nhằm giữ vững thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên theo ông Trịnh, việc lựa chọn công nghệ phù hợp luôn là vấn đề khó khăn vì các doanh nghiệp đa phần quy mô nhỏ, thiếu nguồn lực. Họ cần sự nghiên cứu, đánh giá công nghệ để quyết định chuyển đổi, là yêu cầu sống còn quyết định thành bại.

Ông Trịnh gợi mở doanh nghiệp cần chiến lược kinh doanh, chuyển đổi số rõ ràng với với lộ trình từng bước. Với công nghệ được chọn, doanh nghiệp cần có mục tiêu rõ ràng mang lại lợi ích gì, trong bao lâu. Ông cho rằng, công nghệ tốt sẽ không bao giờ rẻ tiền. Doanh nghiệp cần nhìn nhận công nghệ phù hợp với mục tiêu, con đường của mình.

ông Bùi Văn Trịnh, Phó tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam chia sẻ về chuyển đổi xanh tại diễn đàn, sáng 12/6. Ảnh: BTC

Ông Bùi Văn Trịnh, Phó tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam chia sẻ về chuyển đổi xanh tại diễn đàn, sáng 12/6. Ảnh: BTC

Đồng tình, ông Trần Duy Khiêm, Giám đốc Trung tâm điều hành thông minh Becamex IOC nói, các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam rất cần các chứng chỉ xanh. Điều này khiến các nhà đầu tư như Becamex phải hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện mục tiêu bằng việc phát triển các khu công nghiệp xanh, thông minh. Trong quá trình triển khai, đơn vị đã thành lập IOC như một trung tâm điều hành, quản trị, giám sát mọi hoạt động trong khu công nghiệp. Để vận hành IOC, đơn vị ông Khiêm cần lựa chọn một số hạ tầng trong khu công nghiệp đã có những điều kiện cơ bản về công nghệ, tính năng tự động hóa, sẵn sàng kết nối với IOC.

Mới đây, đơn vị đã kết nối tín hiệu thiết bị camera từ 11 máy xử lý nước thải trong khu công nghiệp, để giám sát hoạt động, quản trị chi phí... Cùng với đó, IOC kết nối tín hiệu camera quản lý về giao thông, an ninh trật tự trong khu công nghiệp. Từ kinh nghiệm kết nối dữ liệu các hạ tầng này, IOC dự kiến số hóa dữ liệu cây xanh, chiếu sáng... phục vụ quản lý. Theo ông Khiêm, chuyển đổi số cần đi theo lộ trình từng bước và tìm kiếm các hạ tầng công nghệ đã có, phù hợp với điều kiện doanh nghiệp để triển khai.

Ông Trần Bằng Việt, Giám đốc điều hành Đông A Solutions cho rằng, động lực để chuyển đổi số, chuyển đổi xanh của doanh nghiệp xuất phát từ yêu cầu khách hàng. Trong kế hoạch chuyển đổi, doanh nghiệp cần xác định công đoạn thực hiện trước, lựa chọn công nghệ chi phí vừa phải, phù hợp với nhân sự hiện có. Quá trình này giúp doanh nghiệp hiểu công nghệ, có các đối tác cung cấp và nhân sự triển khai để tiếp tục các bước tiếp theo.

Tại diễn đàn Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đánh giá, trình độ và năng lực công nghệ là yếu tố then chốt để doanh nghiệp tạo ra được sản phẩm, dịch vụ có tính cạnh tranh, vượt trội, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Ông mong muốn Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ kết nối, tiếp cận các thành tựu, xu hướng công nghệ mới nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước ứng dụng, cải tiến công nghệ. Doanh nghiệp cần mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng sản xuất xanh, sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm, giảm thiểu phát thải nhà kính.

Theo vnexpress.net