Thứ 4, 03/07/2024, 04:00[GMT+7]

Chế tạo vật liệu hấp phụ ion kim loại nặng từ xỉ than

Thứ 6, 14/06/2024 | 08:59:33
920 lượt xem
Những năm gần đây, tình trạng kim loại nặng gây ô nhiễm môi trường nước diễn ra ngày càng phổ biến, trở thành vấn đề phức tạp, khó xử lý triệt để, tác động tiêu cực tới môi trường sống của sinh vật và con người. Mong muốn góp phần khắc phục vấn đề này, công trình sáng tạo kỹ thuật “chế tạo vật liệu hấp phụ ion kim loại nặng trong nước từ xỉ than của Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2” được Thạc sĩ Vũ Thị Huệ và các cộng sự tại Trường Đại học Y Dược Thái Bình nghiên cứu, có khả năng ứng dụng thực tiễn cao. Đề tài đã đạt giải khuyến khích hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17, năm 2022 - 2023.

Thạc sĩ Vũ Thị Huệ (người thứ hai từ trái sang) cùng các cộng sự tại Trường Đại học Y Dược Thái Bình chế tạo thành công vật liệu hấp phụ ion kim loại nặng trong nước từ xỉ than.

Trong quá trình nghiên cứu và giảng dạy bộ môn Hóa học, Thạc sĩ Vũ Thị Huệ từng nhiều lần trăn trở bởi chị nhận thấy hiện nay, các bệnh như rối loạn thần kinh, tiêu hóa, thiếu máu, ung thư ngày càng gia tăng. Chị phát hiện ra, một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh trên là do kim loại nặng tích lũy theo thức ăn, nước uống đã thâm nhập vào cơ thể con người. Từ đó, chị quyết tâm nghiên cứu, tìm giải pháp xử lý nước bị ô nhiễm kim loại nặng.

Nhận thấy lượng xỉ than từ Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 mỗi năm rất lớn, việc chế tạo vật liệu cho công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường ion kim loại nặng từ phế thải này sẽ mang lại hiệu quả cao nhưng chưa được thực hiện ở bất kỳ cơ sở nào, chị Huệ cùng đồng nghiệp bắt tay vào thực hiện. 

“Bản thân mẫu xỉ than không bền trong nước, vì thế nhóm nghiên cứu phải tìm ra một chất phụ gia để kết hợp với xỉ than tạo ra hạt vật liệu vừa bền trong nước vừa có khả năng hấp phụ cao. Tôi và các cộng sự phải tìm hiểu rất nhiều tài liệu, làm thực nghiệm rất nhiều lần với các loại phụ gia khác nhau thì mới tìm ra được chất phụ gia thích hợp” - Thạc sĩ Vũ Thị Huệ chia sẻ.

Đây là lần đầu tiên kết quả nghiên cứu về khả năng hấp phụ kim loại nặng của hạt vật liệu làm từ xỉ than được công bố tại Việt Nam. Giải pháp mang tính đột phá này đã tạo cơ sở để xây dựng quy trình công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường với nguyên liệu sẵn có, giá thành thấp. Hạt vật liệu sau hấp phụ có thể tái sử dụng, tạo giá trị kinh tế cho nhiều ngành như xây dựng, giao thông.

Thạc sĩ Vũ Thị Huệ cho biết, khi chế tạo hạt vật liệu từ xỉ than thành công sẽ tạo ra hiệu quả xã hội ưu việt, bởi giải pháp này sẽ góp phần xử lý lượng lớn xỉ than thải ra của Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 từ đó tạo ra hạt vật liệu thân thiện với môi trường, có khả năng hấp phụ ion kim loại nặng rất tốt. Khả năng hấp phụ của hạt vật liệu mà chị Huệ và các cộng sự nghiên cứu, tạo ra tương đương với khả năng hấp phụ của than hoạt tính nhưng chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm rẻ hơn, chỉ bằng 30% so với than hoạt tính. Ước tính giải pháp “chế tạo vật liệu hấp phụ ion kim loại nặng trong nước từ xỉ than” của Thạc sĩ Vũ Thị Huệ và cộng sự giúp Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 tăng doanh thu khoảng 3,5 tỷ đồng/năm, giảm chi phí xử lý nước thải khoảng 1 tỷ đồng/năm.

PGS, TS Nguyễn Duy Cường, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Thái Bình nhận xét: Nhờ sự sáng tạo, say mê nghiên cứu khoa học, Thạc sĩ Vũ Thị Huệ và cán bộ, giảng viên Trường Đại học Y Dược Thái Bình đã biến một loại vật liệu phế thải trở thành sản phẩm có giá trị, có khả năng xử lý tình trạng ô nhiễm kim loại nặng trong môi trường nước, góp phần bảo vệ môi trường sống và sức khỏe con người. Nhà trường đánh giá rất cao trách nhiệm, tâm huyết và thành công của nhóm nghiên cứu. Chúng tôi rất mong có sự ủng hộ, phối hợp của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh và đặc biệt các doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư nguồn lực để có thể ứng dụng, phát triển kết quả nghiên cứu, sản xuất hạt vật liệu từ xỉ than có khả năng hấp phụ ion kim loại nặng với số lượng, quy mô lớn phục vụ thị trường, người tiêu dùng. Đặc biệt, các hạt vật liệu này rất có ích, cần thiết để xử lý nước thải chứa ion kim loại nặng ở các khu công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh Thái Bình.


Quỳnh Lưu

  • Từ khóa