Thứ 2, 08/07/2024, 04:32[GMT+7]

Chuyện nơi tuyến đầu phòng, chống dịch

Thứ 3, 09/02/2021 | 16:50:24
2,147 lượt xem
Hơn 1 năm đại dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam cũng là bằng ấy thời gian, các cấp, ngành, địa phương, đặc biệt là cán bộ, nhân viên ngành Y tế, lực lượng quân đội bắt tay vào công cuộc phòng, chống dịch. Lần đầu tiên đối mặt với một đại dịch chưa từng có, những người xung phong nơi tuyến đầu gặp nhiều khó khăn, vất vả, thậm chí là sự nguy hiểm tới tính mạng. Tuy nhiên, cũng có những nụ cười, niềm vui, hạnh phúc.

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh lấy mẫu bệnh phẩm của người từ nước ngoài về.

Những điều chưa kể

Đến hết tháng 12/2020, Trung đoàn 568 đã tiếp nhận hơn 3.000 người từ vùng có dịch và người ở nước ngoài về cách ly tập trung. 14 đợt quản lý cách ly cũng là bằng ấy thời gian lực lượng quân đội, cán bộ quân y, y tế phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao.

Trung tá, Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 568 Bùi Nam Thái chia sẻ: Tiếp nhận người cách ly, đây là nhiệm vụ lần đầu thực hiện cũng là nhiệm vụ đặc biệt nguy hiểm khi trực tiếp tiếp xúc với người từ vùng có dịch về. Công việc vất vả bởi người từ vùng dịch, người nhập cảnh về đa dạng lứa tuổi, thành phần, trong đó có nhiều người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ có thai, người có bệnh mạn tính... Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ có rất nhiều kỷ niệm. Có đợt Trung đoàn tiếp nhận tới 50 phụ nữ mang thai, có người vừa mang thai lại kèm con nhỏ bị ốm, lực lượng quân y, y tế phải thường xuyên túc trực, thăm khám. Bên cạnh đó, có những trường hợp từ Nga về bị ung thư dạ dày mới phẫu thuật, dưới sự chỉ định của cán bộ y tế, quân y, chúng tôi phải bố trí chế độ ăn đặc biệt, bảo đảm đủ dinh dưỡng; có trường hợp bị tai nạn ở nước ngoài khi lên máy bay mới được sơ cứu, về khu cách ly bị sưng phù nề, cán bộ phục vụ cách ly đã đề xuất đưa lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị.

Tham gia phục vụ cách ly có những cán bộ y tế cả tháng không được về nhà, có chiến sĩ nhà chỉ cách khu cách ly vài trăm mét nhưng cũng phải tạm xa gia đình. Đặc biệt, có chiến sĩ bị ốm, vợ con đến thăm cũng chỉ đứng ngoài cổng, không được vào, nhìn nhau là những giọt nước mắt xen lẫn nụ cười. Ngoài ra, còn có trường hợp hai bố mẹ tham gia phục vụ trong khu cách ly, con phải gửi nhờ nhà người thân, sau mỗi đợt kết thúc cách ly gia đình mới được đoàn tụ. Công việc áp lực, thường xuyên tiếp xúc với hóa chất, trang phục bảo hộ nóng bức và luôn trong tư thế trực chờ đón người cách ly song những người phục vụ cách ly vẫn luôn sẵn sàng không quản ngại khó khăn. Đó là những câu chuyện tại khu cách ly tập trung của tỉnh còn đối với những cán bộ làm công tác rà soát, xử lý ổ dịch, xét nghiệm, điều trị... lại là câu chuyện khác - những câu chuyện thầm lặng nhiều vất vả, hiểm nguy.

Ngày 30 tết năm Canh Tý, khi người người, nhà nhà sum vầy, chuẩn bị quây quần chào đón năm mới thì cũng là lúc cán bộ Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh được huy động, điều tra trường hợp về từ Vũ Hán (Trung Quốc). Nhận thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh, mỗi người một nhiệm vụ, nhanh chóng điều tra dịch tễ, rà soát trường hợp tiếp xúc gần, khử khuẩn..., công việc kết thúc khi giao thừa gần đến. Tiếp sau đó là những ngày sẵn sàng được huy động tham gia phòng, chống dịch. Khi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thiết lập đường dây nóng, tiếp nhận thông tin về các trường hợp từ vùng dịch về đồng thời giải đáp những câu hỏi liên quan dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp thì cũng là lúc cán bộ Trung tâm phải tiếp nhận rất nhiều cuộc điện thoại... Khối lượng công việc nhiều, áp lực nhưng cán bộ y tế vẫn luôn bình tĩnh, nhẹ nhàng giải thích để người dân hiểu.

Với cán bộ lấy mẫu xét nghiệm, điều trị, có những cán bộ y tế con mới vài tháng tuổi vẫn xung phong lên tuyến đầu phòng, chống dịch. Dù là ban ngày hay đêm muộn, bất kể thời điểm nào khi có lệnh gọi, họ lại lên đường bởi đó là nhiệm vụ không thể trì hoãn, nhanh phút nào tốt phút ấy. Bác sĩ Phạm Thị Mận, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chia sẻ: Việc lấy mẫu phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao bởi phản ứng của người được lấy mẫu thường là ho, hắt hơi. Có cụ bà hơn 80 tuổi, bị tai biến, việc lấy mẫu gặp khó khăn, mất nhiều thời gian. Nhiều lần vừa lấy mẫu về, tắm gội xong tóc chưa kịp khô lại được huy động lên đường.

Đối diện với khó khăn, vất vả nhưng lời cảm ơn của người từ vùng dịch về hay người bệnh được điều trị khỏi khiến các bác sĩ, nhân viên y tế quên hết mệt mỏi để hôm sau họ lại tiếp tục những công việc lặng thầm nơi tuyến đầu.

Niềm vui từ những câu chuyện đặc biệt

Trong trận chiến chống dịch Covid-19 không chỉ có khó khăn, vất vả mà cũng có những câu chuyện vui, đầy cảm xúc về tình người. Lật giở từng trang trong cuốn sổ lưu bút, Trung tá, Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 568 Bùi Nam Thái không giấu được niềm vui. Anh chia sẻ: 35 cuốn lưu bút, hàng nghìn dòng tâm sự, lời cảm ơn cũng khiến những người phục vụ công tác cách ly chúng tôi thêm ấm lòng. Những dòng tâm sự ấy là tình cảm, lòng biết ơn với Đảng, Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương đã quan tâm, bao bọc, sẵn sàng dang rộng cánh tay đón những người con xa quê hương trở về trong lúc khó khăn, hoạn nạn. Trong những dòng thư cảm ơn ấy có cả những dòng của các em bé mới biết viết chữ bày tỏ tình cảm khi được chăm sóc, phục vụ tận tình trong những ngày cách ly. Mỗi người một cách thể hiện, có người làm tranh, có người thổi sáo tặng, có người còn vận động quyên góp ủng hộ tiền khi thấy cơ sở vật chất phục vụ cách ly còn khó khăn... Dù chỉ là những hành động nhỏ nhưng ý nghĩa lại vô cùng lớn, là động lực để những người trực tiếp tham gia vào cuộc chiến vượt qua khó khăn trong những ngày chống dịch.  

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh xử lý mẫu bệnh phẩm của người nghi nhiễm Covid-19.

Tỏa sáng tinh thần tương thân tương ái, các cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế vẫn luôn tiếp đón, phục vụ đồng bào sao cho trọn vẹn nhất. Thương những đứa trẻ không quen nằm giường phản quấy khóc cả đêm, nhân viên y tế đã nhường chăn làm đệm cho trẻ. Thương phụ nữ có thai ở phòng chật chội, nhiều chiến sĩ đã dồn phòng nhường chỗ ở. Chia sẻ khó khăn với 2 mẹ con từ Đức về không có tiền ăn, tiền xét nghiệm, cán bộ Trung đoàn 568 và cán bộ, nhân viên y tế đã đóng góp kinh phí, kêu gọi những người cách ly chung tay giúp đỡ... Còn nhiều, rất nhiều những câu chuyện nhân văn trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 khó có thể kể hết được.

Xuân đã về trên khắp đường làng, ngõ phố, cũng như nhiều người dân trên dải đất hình chữ S, ai cũng mong được đoàn tụ với người thân, gia đình và những cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế cũng vậy. Mong ước của họ là nhìn thấy người được cách ly về với gia đình, người bệnh được điều trị khỏi và hơn hết là dịch sẽ sớm được đẩy lùi để cuộc sống sớm trở lại bình thường như trước, mọi nhà, mọi người được đón một năm mới an lành.

Những vần thơ cảm ơn đầy cảm xúc của người cách ly dành tặng cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế phục vụ tại khu cách ly tập trung của tỉnh.

Hoàng Lanh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày