Thứ 6, 05/07/2024, 04:13[GMT+7]

Thanh niên Kiến Xương: Thi đua phát triển kinh tế

Thứ 2, 22/03/2021 | 09:25:37
3,371 lượt xem
Với tinh thần xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ, thời gian qua, đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) huyện Kiến Xương thi đua phát triển kinh tế với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Mô hình nuôi ong lấy mật của anh Bùi Quang Triều, xã Vũ Quý (Kiến Xương) cho hiệu quả kinh tế cao.

Tới thăm mô hình tích tụ ruộng đất của anh Nguyễn Duy Phiên, thôn Nam Lâu, xã Thanh Tân, ít ai nghĩ rằng cánh đồng lúa xanh mướt bạt ngàn này trước đây từng bị bỏ hoang, nhiều chỗ cỏ mọc cao hơn đầu người, là nỗi trăn trở trong nhiều năm của chính quyền địa phương. Nhưng với đức tính cần cù, chịu khó, tinh thần dám nghĩ dám làm, năm 2018, anh Phiên đã biến vùng đất khó thành vùng trồng lúa cho hiệu quả kinh tế cao. Anh Phiên cho biết: Xuất phát từ thực tế nhiều đồng ruộng ở địa phương bị bỏ hoang, tôi đã vận động bà con cho thuê lại ruộng. Thời kỳ đầu có nhiều khó khăn, nhất là nguồn vốn và những bất lợi về thời tiết nhưng với quyết tâm vượt khó vươn lên tôi đã tích tụ được diện tích đất nông nghiệp ngày càng lớn. Mới đầu 10ha, sau lên 18ha và đến nay tôi đã tích tụ được 39ha. Tôi đã đầu tư hàng tỷ đồng mua máy móc phục vụ sản xuất, duy trì cấy 2 vụ lúa và trồng vụ đông, đồng thời liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm, thu nhập mỗi năm trên 300 triệu đồng. Điều làm tôi mừng nhất là năng suất và thu nhập cao hơn nhiều so với làm nhỏ lẻ trước đây, góp phần giảm diện tích ruộng bỏ hoang ở địa phương, tạo việc làm thời vụ cho 12 - 15 người. Với mô hình này, anh Phiên trở thành một trong những người đi đầu ở Thanh Tân và cũng là thanh niên đầu tiên của huyện Kiến Xương thực hiện tích tụ ruộng đất quy mô lớn để sản xuất nông nghiệp.

Cũng đam mê làm giàu nhưng anh Bùi Quang Triều, thôn 4, xã Vũ Quý lại có hướng đi khác. Với bản tính ham học hỏi cái mới, anh Triều đã học được nghề nuôi ong lấy mật. Theo anh, nuôi ong không đòi hỏi vốn đầu tư lớn, không vất vả nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Loại cây để ong lấy mật tốt nhất là nhãn, vải, táo nên anh đã trồng hàng trăm cây nhãn, cây vải trên diện tích gần 5ha và còn gửi ong ở vườn nhà người quen để lấy mật. Qua thời gian gây dựng, đến nay anh Triều đã có 70 đàn ong, mỗi năm cho thu trên 1.200 lít mật ong tự nhiên, mang lại thu nhập khoảng 300 triệu đồng. Anh Triều cho biết: Thời kỳ đầu chưa nắm được kỹ thuật nên tôi nuôi số lượng ít, dần dần có kinh nghiệm tôi đã tự nhân giống để phát triển thêm số lượng đàn ong. Đến nay, sản phẩm ra đến đâu đều được khách hàng đặt mua hết đến đó. Thời gian tới tôi sẽ tiếp tục tìm một số nơi có nguồn mật và phát triển thêm nhiều đàn ong mới.

Chị Bùi Thị Hòa, Bí thư Huyện đoàn Kiến Xương cho biết: Nhằm khuyến khích thanh niên thi đua lập nghiệp, vươn lên làm giàu chính đáng, ban chấp hành đoàn từ huyện đến cơ sở tổ chức quán triệt sâu sắc trong cán bộ, ĐVTN các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện và từng địa phương. Đoàn thanh niên các xã, thị trấn đã tích cực vận động ĐVTN tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng chuyên canh và thành lập các trang trại, gia trại. Từ năm 2020 đến nay, tổ chức đoàn đã tổ chức 28 lớp tập huấn chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp cho 1.276 lượt ĐVTN. Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình trang trại do ĐVTN quản lý ở các địa phương trong toàn huyện. Huyện đoàn cũng đã thành lập và duy trì câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp gồm 40 thành viên và thành lập câu lạc bộ thanh niên phát triển kinh tế của huyện gồm 15 thành viên. Ngoài ra còn có nhiều hoạt động đồng hành, giúp đỡ ĐVTN phát triển kinh tế như hỗ trợ vay vốn, tạo điều kiện cho ĐVTN tham quan, học hỏi các mô hình kinh tế hiệu quả. Đến nay, toàn huyện có gần 20 mô hình thanh niên phát triển kinh tế hiệu quả, đạt thu nhập bình quân từ 1 - 5 tỷ đồng/mô hình/năm, hàng năm thu hút và tạo việc làm cho trên 200 ĐVTN.

Thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện đoàn Kiến Xương tiếp tục rà soát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của ĐVTN; duy trì phát triển các câu lạc bộ, đồng thời động viên, khuyến khích ĐVTN khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để lập nghiệp, góp phần xây dựng quê hương ngày càng  phát triển.

Thu Thủy