Chủ nhật, 07/07/2024, 18:45[GMT+7]

Giấc ngủ và cái gối đầu

Thứ 2, 17/05/2021 | 09:33:04
3,331 lượt xem
Nói về ngủ thì các bạn đã dành tới gần 1/3 cuộc đời cho giấc ngủ, nếu tính tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện nay là 74 tuổi thì cuộc đời của các bạn đã dành riêng cho ngủ khoảng trên 20 năm. Trung bình người trong độ tuổi lao động cần ngủ 7 - 8 giờ mỗi ngày, trẻ em cần 9 - 10 giờ hoặc nhiều hơn thế mỗi ngày, người già ngủ ở mức 5 - 6 tiếng/24h.

Thực vậy, giấc ngủ là một bảo báu được tạo hóa ban tặng cho con người, khi bạn đã có được mọi thứ mà thiếu đi giấc ngủ thì cuộc sống của bạn không bao giờ được bình an, nếu mất ngủ lâu dài thì chắc chắn trở thành một vấn đề lớn về sức khỏe. Mất ngủ gây bứt rứt, buồn phiền, phát điên phát đảo, thể lực sa sút, trí nhớ giảm, có thể dẫn tới cao huyết áp, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, trầm cảm...; bạn cũng chẳng thể nào tồn tại mãi nếu như mất hẳn đi giấc ngủ. Một điều chắc chắn rằng bạn nào đã từng bị mất ngủ mới thấy nó bức bối, khó chịu và lo lắng biết nhường nào. Từ cổ xưa, các cụ đã đúc kết qua câu ca dao nói về tầm quan trọng của giấc ngủ: “Ăn được ngủ được là tiên/Không ăn không ngủ mất tiền mà lo”.

Ngày nay, với áp lực lớn của thời kỳ công nghiệp hóa, môi trường sống thay đổi, tính chất gia đình, công việc, các bệnh lý khác khiến tỷ lệ người rơi vào tình trạng mất ngủ ngày càng gia tăng. Mất ngủ có nhiều dạng như: khó đi vào giấc ngủ, ngủ không yên giấc, dậy sớm không ngủ lại được hoặc tỉnh dậy nhiều lần trong khi ngủ. Điều đáng sợ nhất là tình trạng mất ngủ kéo dài triền miên.

Vậy nguyên nhân gây ra mất ngủ là do đâu?

Theo quan niệm của đông y về mất ngủ thì đó là chứng “thất miên”, nguyên nhân mất ngủ là do suy giảm chức năng của ngũ tạng (tâm, can, tỳ, phế, thận), do tinh khí huyết không đầy đủ, do tà khí bên ngoài nhiễu động dẫn đến thần không được yên ổn mà dẫn tới mất ngủ. Đông y cũng chia ra nhiều thể bệnh mất ngủ khác nhau như thể tâm tỳ lưỡng hư, thể âm hư hỏa vượng, thể tâm đởm khí hư, thể can uất hóa hỏa, thể đàm nhiệt nội nhiễu... Tùy theo từng quan điểm, mất ngủ có thể còn được chia theo một số thể loại khác nữa. Chia ra các thể khác nhau như vậy và từ đó cũng có những phương thuốc, bài thuốc chữa khác nhau cho từng thể bệnh mất ngủ cụ thể.

Theo y học hiện đại, nguyên nhân mất ngủ là do sang chấn về tinh thần, tâm lý, do sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, chè, cà phê...; do môi trường ồn ào hoặc do thay đổi vùng miền lệch múi giờ, hoặc nghiện game, hoặc do một số loại thuốc gây kích thích; do chấn thương, phẫu thuật đau đớn; do mắc các bệnh mãn tính... Tất cả các nguyên nhân trên đều dẫn tới sự kích thích làm hưng phấn vỏ não, ức chế vùng ngủ làm cho mất ngủ.

Khi bị mất ngủ các bạn phải làm gì?

- Việc đầu tiên là các bạn phải tìm hiểu nguyên nhân xem do đâu mà mất ngủ, khi đã rõ nguyên nhân thì chúng ta tìm cách loại bỏ nguyên nhân đó, hoặc chờ đợi cho tác động của nguyên nhân đó dần hết và qua đi rồi bạn sẽ lập lại giấc ngủ bình thường như trước. Với những nguyên nhân khó hoặc không tự loại bỏ được thì phải đi khám và tư vấn bác sĩ chuyên khoa (những bác sĩ có kinh nghiệm sâu hơn về giấc ngủ là các bác sĩ chuyên khoa tâm thần kinh).

- Ban đầu mới mất ngủ nên dùng thuốc từ loại nhẹ đến loại nặng: Trước hết, dùng các loại thuốc an thần nhẹ có nguồn gốc từ thảo dược như Xen Vông, Định tâm an giấc, Mimosa, Rotunda. Hoặc dùng bài thuốc gia truyền dưới đây, với nhiều người mới mất ngủ rất hiệu quả: Bài thuốc “Thần Khúc An Miên” gồm lá vông, dây lạc tiên, cây xấu hổ (cây trinh nữ), lá cây dâu tằm, lá cây đinh lăng, dây cam thảo nam và hạt muồng (thảo quyết minh); các loại trên được rửa sạch sao phơi khô, sao vàng để dùng dần. Mỗi thứ lá trên lấy một nhúm nhỏ thêm một thìa hạt muồng muồng, tất cả cho vào ấm đổ 3 lít nước nấu kỹ còn lại 2 lít thì gạn ra để nguội uống trong ngày, nếu uống không hết thì đổ đi hôm sau nấu ấm khác. Lưu ý, có thể không tìm đủ các vị lá trên, thiếu một hai vị vẫn dùng bình thường. Các loại lá thuốc có thể dùng tươi hoặc phơi khô, nếu khô thì dùng giảm lượng (mỗi thứ khoảng 20 gam) và lưu ý không để lá mốc lá bẩn. Nấu vừa uống không nên nấu quá đặc, nên uống kéo dài nhiều ngày cho ổn định hẳn giấc ngủ rồi hãy dừng thuốc.

- Nếu dùng các thuốc trên mà vẫn không ổn định được giấc ngủ thì nên đi khám bác sĩ chuyên khoa và tuân thủ nghiêm túc một đợt điều trị thuốc theo yêu cầu của bác sĩ để điều chỉnh giấc ngủ trở về bình thường.

- Tiếp cận môn thiền định và yoga: Đây là cách để khắc phục tình trạng mất ngủ khá hữu hiệu, tuy nhiên các bạn nên tìm đến trung tâm hướng dẫn tập luyện thiền, yoga để bảo đảm rằng nên chọn bài tập nào là phù hợp và tập thế nào là đúng thì mới đem lại hiệu quả.
Cần quan tâm tới cái gối đầu
Cái gối đầu tiên được phát minh và sử dụng là do nền văn minh  Mesopotamia có từ 7.000 năm trước Công nguyên. Gối có vai trò quan trọng quyết định tới chất lượng giấc ngủ của các bạn, do vậy chúng ta cần quan tâm tới nó, tuy chỉ là một vật vô tri vô giác nhưng nó lại có giá trị bảo vệ và mang lại sức khỏe cho cái đầu của bạn.

Khoa học đã chứng minh, nếu gối đầu không đúng dễ dẫn tới các bệnh về đầu, mặt, cổ hoặc bệnh toàn thân. Hầu như chúng ta gối đầu theo thói quen chứ chưa chắc đã gối đầu đúng và khoa học. Chẳng hạn, có bạn quen gối đầu ngửa cao, ngửa thấp; cũng có bạn quen gối đầu nghiêng cao, nghiêng thấp; hoặc quen nằm nghiêng gối đầu lên cánh tay...

Chúng ta biết rằng cơ thể con người có một trục thẳng tương đối, hướng theo cột sống, tính từ đỉnh đầu, qua cột sống cổ, xuống xương sống dọc theo thân mình. Vì vậy, khi các bạn nằm nghiêng hoặc nằm ngửa hoặc kể cả nằm sấp cũng phải lựa cho cái trục cơ thể đó theo hướng tương đối thẳng tự nhiên. Nếu khi nằm, chúng ta làm nghiêng, làm vặn, làm gập trục của cơ thể sẽ dẫn đến các ảnh hưởng có hại khác nhau như mỏi cổ, tê tay, đau vai gáy, thiếu mãu não, mất ngủ, ngáy gỗ, thúc đẩy nhanh quá trình thoái hóa đốt sống cổ, thậm chí gây thoát vị đốt sống cổ...

Vì vậy, một điều rất quan trọng là các bạn phải lựa chọn cho mình một cái gối đầu phù hợp, gối đầu phải mang tính khoa học chứ không nên gối đầu theo thói quen. Có rất nhiều loại gối, kiểu gối khác nhau, sau khi đọc bài này các bạn sẽ tự chọn cho mình một chiếc gối phù hợp để mang lại giấc ngủ ngon lành.

Mỗi người có số đo và kiểu khung cơ thể khác nhau, trong khi các hãng gối chỉ sản xuất một vài cỡ gối chứ không sản xuất đơn chiếc cho từng người theo số đo cụ thể. Nếu bạn muốn có một chiếc gối vừa vặn theo đúng số đo, đúng khung cơ thể của bạn thì hãy học cách tự gấp gối cho mình như sau:
Chọn một tấm mền vừa vặn, phù hợp về chất liệu, chọn gam màu tùy theo ý thích rồi các bạn tự gấp gối theo hình chữ U hai bên cao hơn, giữa thấp xuống. Khi bạn nằm nghiêng thì phần cao của gối ở hai bên phải và trái, khi bạn nằm ngửa thì phần thấp của gối ở giữa. Bạn cứ tự gấp và tự điều chỉnh cho đến khi nào nằm gối thấy vừa, dễ chịu, dễ ngủ, không gây tê mỏi cổ là được.

Bác sĩ Bùi vũ khúc

(thành phố)