Thứ 3, 29/04/2025, 00:56[GMT+7]

Phát hiện sớm và quản lý điều trị bệnh tiểu đường

Thứ 2, 28/04/2025 | 09:57:40
567 lượt xem
Hiện nay, bệnh tiểu đường, còn gọi là đái tháo đường (ĐTĐ) đang ngày càng phổ biến và trẻ hóa trong cộng đồng. Để giúp người dân hiểu biết về bệnh, có biện pháp phát hiện sớm và phòng bệnh hiệu quả, bác sĩ Vũ Đình Triển, Trưởng khoa Bệnh không lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) chia sẻ cách phát hiện sớm và quản lý điều trị bệnh.

Bác sĩ Vũ Đình Triển, Trưởng khoa Bệnh không lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khám sức khỏe cho người bệnh.

Bệnh ĐTĐ thường tiến triển âm thầm với các biểu hiện ban đầu rất kín đáo trong thời gian dài, khi có các biểu hiện như mệt mỏi, khát nước, tiểu nhiều, sụt cân không rõ nguyên nhân thì bệnh đã nặng và thường đã có những biến chứng. Chính vì thế, nhiều người không nhận ra mình đã mắc bệnh cho đến khi xuất hiện biến chứng. Đó là lý do vì sao bệnh ĐTĐ được gọi là “sát thủ thầm lặng” - vì nó âm thầm gây tổn thương nhiều cơ quan quan trọng như tim, thận, mắt, thần kinh... mà người bệnh không hề hay biết. 

CDC thực hiện sàng lọc bệnh ĐTĐ định kỳ cho người dân, đặc biệt nhóm nguy cơ cao như người có tiền sử gia đình, người thừa cân, béo phì hay có rối loạn chuyển hóa. Khi có chẩn đoán xác định, bệnh nhân sẽ được lập hồ sơ quản lý và theo dõi định kỳ. Bên cạnh điều trị bằng thuốc, CDC đặc biệt chú trọng đến việc tư vấn chế độ dinh dưỡng, luyện tập và thay đổi lối sống. Đây là yếu tố then chốt giúp bệnh nhân ổn định đường huyết lâu dài. Trong nhiều năm qua, CDC tự hào là đơn vị y tế tuyến tỉnh đi đầu trong công tác phòng ngừa, phát hiện và quản lý bệnh không lây nhiễm, đặc biệt là bệnh ĐTĐ. Với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, hệ thống xét nghiệm hiện đại và quy trình khám - tư vấn chuyên sâu, CDC mang đến dịch vụ khám, chẩn đoán và theo dõi điều trị ĐTĐ một cách toàn diện và chính xác. 

Dịch vụ nổi bật tại CDC Thái Bình trong khám, chẩn đoán bệnh ĐTĐ: 

- Tầm soát ĐTĐ và tiền ĐTĐ bằng các xét nghiệm đường huyết, HbA1c và các xét nghiệm liên quan khác. 

- Khám, tư vấn và xây dựng phác đồ điều trị cá nhân hóa. 

- Tư vấn chế độ dinh dưỡng và luyện tập phù hợp. 

- Theo dõi định kỳ và đánh giá hiệu quả điều trị. 

- Tư vấn phòng ngừa biến chứng và nâng cao chất lượng sống. 

Nếu người dân có các yếu tố nguy cơ như thừa cân, ít vận động, tiền sử gia đình có người mắc ĐTĐ, tăng huyết áp, hoặc có các biểu hiện như khát nước nhiều, tiểu nhiều, sụt cân không rõ nguyên nhân,... cần đến cơ sở y tế để được khám, sàng lọc phát hiện và tư vấn, điều trị kịp thời, tránh biến chứng gây ra. 

Một trong những khó khăn lớn là người bệnh chưa nhận thức rõ mức độ nguy hiểm của ĐTĐ. Nhiều người khi chưa có biến chứng vẫn chủ quan, không tuân thủ điều trị. Một số khác thì gặp khó khăn trong việc duy trì chế độ ăn uống và luyện tập. Vì vậy, công tác truyền thông giáo dục sức khỏe đóng vai trò rất quan trọng, giúp người bệnh hiểu và hợp tác tốt hơn với bác sĩ. 

Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Mỗi người cần xây dựng lối sống lành mạnh ngay từ hôm nay như ăn uống cân đối, hạn chế đồ ngọt, chất béo, tăng cường rau xanh, trái cây và duy trì hoạt động thể chất đều đặn. Đặc biệt, nên kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ. Nếu phát hiện bệnh sớm, khả năng kiểm soát và sống khỏe mạnh với bệnh là hoàn toàn khả thi.

Hoàng Thía

(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày