Thứ 6, 05/07/2024, 04:43[GMT+7]

Nhiều thay đổi trong thực hiện chính sách trợ giúp xã hội

Thứ 2, 12/07/2021 | 08:30:45
1,895 lượt xem
Ngày 15/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội, có nhiều thay đổi so với các văn bản trước đây trong việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội. Để hiểu rõ về những thay đổi này, phóng viên Báo Thái Bình có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Huân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Triển khai, hướng dẫn thực hiện Nghị định số 20 cho cán bộ lao động - thương binh và xã hội xã, phường trên địa bàn thành phố Thái Bình.

Phóng viên: Xin ông cho biết những nội dung cơ bản của Nghị định số 20?

Ông Bùi Văn Huân: Nghị định số 20 có 8 chương, 39 điều, quy định về chính sách trợ giúp xã hội (TGXH) thường xuyên tại cộng đồng; nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng; TGXH khẩn cấp và chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở TGXH. Nghị định số 20 thay thế Nghị định số 136/2013/NĐ-CP. Nguyên tắc cơ bản về chính sách TGXH là thực hiện kịp thời, công bằng, công khai, minh bạch; hỗ trợ theo mức độ khó khăn và ưu tiên tại gia đình, cộng đồng nơi sinh sống của đối tượng; chế độ, chính sách TGXH được thay đổi theo điều kiện kinh tế đất nước và mức sống tối thiểu dân cư từng thời kỳ. Đồng thời, Nhà nước cũng khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức và cá nhân nuôi dưỡng, chăm sóc và trợ giúp đối tượng TGXH. Nghị định cũng nêu rõ mức chuẩn TGXH tùy theo khả năng cân đối của ngân sách, tốc độ tăng giá tiêu dùng và tình hình đời sống của đối tượng bảo trợ xã hội, cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh tăng mức chuẩn TGXH cho phù hợp; bảo đảm tương quan chính sách đối với các đối tượng khác.

Phóng viên: Những thay đổi của Nghị định số 20 so với Nghị định số 136 trong quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội là gì, thưa ông?

Ông Bùi Văn Huân: Nghị định số 20 quy định mức chuẩn TGXH là căn cứ xác định mức trợ cấp xã hội, mức hỗ trợ kinh phí nhận chăm sóc, nuôi dưỡng; mức trợ cấp nuôi dưỡng trong cơ sở TGXH, nhà xã hội và các mức TGXH khác. Khoản 2, Điều 4 của Nghị định quy định mức chuẩn TGXH áp dụng từ ngày 1/7/2021 là 360.000 đồng/tháng (trước đó, theo Nghị định số 136 thì mức chuẩn TGXH là 270.000 đồng/tháng) đồng thời mở rộng thêm một số nhóm đối tượng, trong đó có nhóm người đơn thân nuôi con nhỏ thuộc hộ cận nghèo. Đồng thời, Điều 4 Nghị định số 20 nêu rõ, tùy theo khả năng cân đối của ngân sách, tốc độ tăng giá tiêu dùng và tình hình đời sống của đối tượng bảo trợ xã hội, cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh tăng mức chuẩn TGXH cho phù hợp, bảo đảm tương quan chính sách với các đối tượng khác. Tùy thuộc điều kiện kinh tế - xã hội tại địa phương, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định mức chuẩn TGXH, mức TGXH áp dụng trên địa bàn bảo đảm không thấp hơn mức chuẩn TGXH và mức TGXH quy định tại 

Nghị định này; đối tượng khó khăn khác chưa quy định tại Nghị định này được hưởng chính sách TGXH.
Bên cạnh việc quy định mức chuẩn TGXH mới, Nghị định số 20 cũng quy định về chế độ, chính sách: TGXH thường xuyên tại cộng đồng; nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng; TGXH khẩn cấp; chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội tại cơ sở TGXH, nhà xã hội. So với Nghị định số 136, Nghị định số 20 có mở rộng thêm một số nhóm đối tượng và thay đổi cách tiếp cận hệ số hưởng trợ cấp. Nghị định cũng quy định rõ 6 hình thức hỗ trợ khẩn cấp, gồm: hỗ trợ lương thực và nhu yếu phẩm thiết yếu từ nguồn ngân sách nhà nước; hỗ trợ chi phí điều trị người bị thương nặng; hỗ trợ chi phí mai táng; hỗ trợ làm nhà ở, sửa chữa nhà ở; hỗ trợ khẩn cấp đối với trẻ em khi cha, mẹ bị chết, mất tích do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh hoặc các lý do bất khả kháng khác; hỗ trợ tạo việc làm, phát triển sản xuất. Trong TGXH khẩn cấp, Nghị định số 20 cũng có nhiều điểm khác biệt so với Nghị định số 136. Cụ thể, Điều 12 của Nghị định quy định việc hỗ trợ bao gồm cả hỗ trợ lương thực và nhu yếu phẩm thiết yếu thay vì chỉ hỗ trợ lương thực như Nghị định số 136; hỗ trợ chi phí điều trị người bị thương nặng tối thiểu bằng 10 lần mức chuẩn, hỗ trợ mai táng phí bằng 50 lần mức chuẩn... Cùng với đó là những khác biệt trong chính sách chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở TGXH từ thời gian, chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng; hỗ trợ mai táng phí; hỗ trợ giáo dục, đào tạo và việc làm; thủ tục, hồ sơ tiếp nhận đối tượng...

Có thể nói, Nghị định số 20 thay thế toàn bộ Nghị định số 136/2013/NĐ-CP và Điều 17 Nghị định số 140/2018/NĐ-CP, Điều 40 đến Điều 43 Nghị định số 103/2017/NĐ-CP, Điều 15 đến Điều 23 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP của Chính phủ kể từ ngày 1/7/2021.

Phóng viên: Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung vào những nhiệm vụ gì để triển khai thực hiện Nghị định số 20, thưa ông?

Ông Bùi Văn Huân: Nghị định số 20 có hiệu lực từ ngày 1/7/2021, vì vậy, ngay đầu tháng 6, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai, hướng dẫn các nội dung của Nghị định tới lãnh đạo UBND các huyện, thành phố, phòng lao động - thương binh và xã hội, lãnh đạo, cán bộ lao động - thương binh và xã hội các xã, phường, thị trấn. Đến nay, hầu hết các huyện, thành phố đã triển khai xong việc tập huấn, hướng dẫn. Chúng tôi yêu cầu lãnh đạo, cán bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở phụ trách lĩnh vực TGXH nghiên cứu kỹ nội dung Nghị định cũng như những thay đổi để triển khai, hướng dẫn kịp thời. Đồng thời, đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo phòng lao động - thương binh và xã hội chủ trì, phối hợp với các phòng, ban liên quan triển khai thực hiện tại cơ sở trong thời gian sớm nhất; UBND các xã, phường, thị trấn rà soát đối tượng thụ hưởng, đối tượng mở rộng và mức hưởng đối với từng nhóm đối tượng, xây dựng dự toán báo cáo UBND tỉnh để triển khai điều chỉnh mức hưởng cho đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

 Khám sức khỏe cho người cao tuổi trên địa bàn huyện Hưng Hà. 

Nguyễn Cường
(thực hiện)