Thứ 2, 01/07/2024, 07:50[GMT+7]

Indonesia có số ca mắc mới cao nhất từ trước đến nay, ca nhiễm/ngày tại Pháp tăng gấp đôi sau 5 ngày​

Thứ 4, 14/07/2021 | 08:35:59
739 lượt xem
Đến sáng 14/7, thế giới có trên 188,4 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 4,06 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Hơn 188,4 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 34,79 triệu ca mắc và hơn 623.200 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm gần 13.800 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 13/7, nước này ghi nhận hơn 40.100 ca mắc mới COVID-19 và 623 trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên 30,9 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 411.400 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Hơn 300 triệu liều vaccine Sputnik V sẽ được sản xuất mỗi năm tại Ấn Độ. Đây là thỏa thuận mà Nga vừa đạt được trong ngày 13/7 với Viện Huyết thanh Ấn Độ. Việc sản xuất vaccine Sputnik V tại Ấn Độ dự kiến bắt đầu từ tháng 9 tới. Lô vaccine đầu tiên sẽ được dành cho chính Ấn Độ để ứng phó dịch bệnh.

Hiện hai bên đang tiến hành chuyển giao công nghệ, Ấn Độ đã nhận được các mẫu tế bào và vector từ phía Nga. Thỏa thuận mà Nga vừa đạt được với Viện Huyết thanh Ấn Độ là bước quan trọng nhằm tăng cường năng lực sản xuất vaccine Sputnik V. Vaccine Sputnik V được Nga đăng ký vào tháng 8/2020 và hiện đã được cấp phép sử dụng tại 67 nước.

Trong 24 giờ qua, Brazil ghi nhận trên 45.000 ca mắc COVID-19. Đến nay, hơn 535.800 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi trong tổng số trên 19 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Ngày 13/7, Nga thông báo đã ghi nhận thêm 780 ca tử vong do dịch COVID-19, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này. Trong khi đó, số ca mắc mới là 24.702 trên cả nước. Như vậy, đến nay Nga có gần 144.500 ca tử vong vì COVID-19 trong tổng số 5,8 triệu người mắc bệnh.

Số ca mắc mới COVID-19 tại Nga đang có chiều hướng gia tăng do sư lây lan nhanh biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 và tiến độ tiêm chủng còn chậm. Trong số các ca mắc mới ghi nhận, có 4.991 trường hợp tại thủ đô Moscow, nơi mà Thị trưởng Sergei Sobyanin đánh giá tình hình dịch COVID-19 bắt đầu lắng dịu.

Theo giới chức y tế Nga, khoảng 30 triệu người ở nước này đã tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên. Hiện các cơ quan chức năng Nga đang khuyến khích người dân tiêm vaccine ngừa COVID-19 do số ca mắc mới bắt đầu tăng mạnh vào tháng 6.

Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Y tế Pháp Olivier Veran cảnh báo, số ca mắc mới COVID-19 ở nước này đang tăng gấp đôi sau mỗi 5 ngày. Trước đó một ngày, số liệu thống kê của Cơ quan Y tế Công cộng Pháp cho thấy, trong tuần qua, mỗi ngày nước này có thêm khoảng 4.000 ca mắc COVID-19, tăng 63% so với tuần trước. Con số này có thể tăng lên 6.000 trong tuần này, 10.000 trong hai tuần tới và thậm chí 20.000 vào đầu tháng 8 nếu nước Pháp không nhanh chóng hành động.

Có đến hơn 40% số ca mắc mới ở Pháp mang biến thể Delta dễ lây lan. Tỷ lệ lây nhiễm đang tăng trở lại ở nhiều vùng, trong đó đứng đầu là các vùng Provence-Alpes-Côte-d'Azur và Ile-de-France (vùng Paris). Tổng thống Pháp vừa thông báo một loạt các biện pháp mới nhằm đối phó với biến chủng Delta đang lan rộng trên khắp nước này.

Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định, hầu hết các quy định phòng chống dịch COVID-19 bắt buộc tại nước này sẽ được dỡ bỏ từ ngày 19/7. Tuy nhiên, Chính phủ Anh sẽ đưa ra các hướng dẫn mới nhằm kiểm soát dịch bệnh.

Riêng thủ đô London hiện đang xem xét khả năng yêu cầu người dân đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng như một điều kiện đi lại. Quy định làm việc tại nhà sẽ được dỡ bỏ, người lao động được khuyến khích dần trở lại nơi làm việc trong những tháng hè. Thủ tướng Johnson kêu gọi, người dân "thận trọng và kiềm chế" vì đại dịch vẫn chưa kết thúc.

Số người mắc COVID-19 mới tại Anh được cảnh báo có thể tăng lên mức kỷ lục 100.000 ca/ngày sau khi biện pháp hạn chế phòng dịch được dỡ bỏ.

Indonesia có số ca mắc mới cao nhất từ trước đến nay, ca nhiễm/ngày tại Pháp tăng gấp đôi sau 5 ngày​ - Ảnh 1.

Số ca mắc mới tại Pháp tăng gấp đôi sau mỗi 5 ngày. (Ảnh: AP)

Israel đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới chính thức cho phép tiêm tăng cường mũi thứ 3 vaccine COVID-19 của Pfizer-BioNtech trước mối lo về các biến thể mới của virus SARS-CoV 2. Trong những ngày gần đây, kế hoạch trở lại trạng thái "bình thường cũ" của Israel đã bị thách thức nghiêm trọng khi nước này ghi nhận sự gia tăng không nhỏ số ca nhiễm COVID-19, ngay cả trong số những người đã được tiêm đầy đủ vaccine.

Số ca nhiễm tại Israel đã tăng hơn 200% trong 2 tuần trở lại đây. Hiện Israel đã tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine Pfizer-BioNTech cho hơn 55% dân số. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới mỗi ngày từ mức chỉ 1, 2 con số, nay đã tăng trở lại khoảng 400 ca nhiễm/ngày.

Tại Indonesia, Tổng thống Joko Widodo đã yêu cầu phân phối 300.000 gói thuốc cho các bệnh nhân không triệu chứng và các bệnh nhân mắc COVID-19 có biểu hiệu nhẹ. Chương trình phân phối thuốc được đưa ra trong bối cảnh gần 80% ca dương tính với COVID-19 tại Indonesia không có biểu hiện bệnh lý. Việc phân phối thuốc sẽ do lực lượng an ninh, quân đội và các cơ quan liên quan thực hiện trong vài tháng tới.

Indonesia đang nỗ lực đưa ra hàng loạt các biện pháp nhằm tăng cường khả năng miễn dịch cộng đồng trong thời gian ngắn nhất, hướng tới giảm số người nhiễm mới dưới 10.000 ca trong tháng 8 tới.

Kết quả một cuộc khảo sát huyết thanh mới đây cho thấy, gần một nửa trong số 10 triệu dân thành phố Jakarta đã nhiễm COVID-19, qua đó mang lại hy vọng rằng thủ đô của Indonesia sẽ sớm đạt được miễn dịch cộng đồng. Theo kết quả nghiên cứu, 44,5% dân số thủ đô Jakarta đã mang kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2. Điều này cho thấy số, người dân Jakarta bị mắc COVID-19 cao hơn gấp 7 lần so với số liệu thống kê trước đó.

Ngày 13/7, Indonesia đã ghi nhận thêm 47.899 ca mắc mới COVID-19 mới, vượt xa mức cao chưa từng có 38.124 ca được thiết lập chỉ một ngày trước đó. Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua là 864 người, cao thứ 3 kể từ khi đại dịch bùng phát vào đầu tháng 3/2020. Tính đến nay, Indonesia ghi nhận tổng cộng trên 2,6 triệu ca mắc, trong đó có hơn 68.200 bệnh nhân không qua khỏi.

Giới chuyên gia cho rằng, số ca mắc COVID-19 tại Indonesia liên tục tăng trong vài tuần qua là do hệ quả của kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr hồi tháng 5, cũng như sự xuất hiện của các biến thể mới nguy hiểm, trong đó có biến thể Delta. Làn sóng lây nhiễm thứ 2 tại nước này đã khiến hàng loạt bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải. Để đối phó với tình hình cấp bách này, Chính phủ Indonesia đã áp đặt lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) khẩn cấp tại Java và Bali từ ngày 3 - 20/7 và mở rộng sang 15 khu vực khác bên ngoài 2 hòn đảo đông dân này.

Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin cho biết, nước này nằm trong số có tỷ lệ tiêm vaccine tính trên dân số trong 1 ngày cao nhất thế giới. Theo đó, riêng trong ngày 12/7, Malaysia đã tiêm được 421.470 mũi vaccine ngừa COVID-19, mức cao nhất từ trước tới nay. Malaysia khởi động Chương trình tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19 vào ngày 24/2 vừa qua với mục tiêu 80% dân số của nước này sẽ được tiêm trước cuối năm 2021.

Theo Bộ Y tế Thái Lan, đã có 7 công nhân tại một công trường xây dựng lớn ở thủ đô Bangkok bị nhiễm cùng lúc hai biến thể Alpha và Delta. Hiện những công nhân này vẫn khỏe mạnh và không có bất kỳ triệu chứng nào đáng lo ngại. Điều này cho thấy, việc đồng thời bị nhiễm hai biến thể không có nghĩa là các triệu chứng của bệnh nhân nghiêm trọng hơn so với những người mắc một biến thể đơn lẻ.

Indonesia có số ca mắc mới cao nhất từ trước đến nay, ca nhiễm/ngày tại Pháp tăng gấp đôi sau 5 ngày​ - Ảnh 2.

Bệnh nhân nhiễm cùng lúc 2 biến thể đã được ghi nhận ở Thái Lan. (Ảnh: AP)

Biến thể Delta rất dễ lây lan và sẽ thay thế biến thể Alpha trở thành biến chủng chủ đạo ở nước này trong thời gian tới. Để ứng phó với nguy cơ trên, Thái Lan đã quyết định sử dụng vaccine ngừa COVID-19 AstraZeneca cho mũi tiêm thứ 2 đối với những người đã tiêm mũi đầu tiên bằng vaccine Sinovac, đồng thời tiến hành tiêm mũi vaccine nhắc lại cho các nhân y tế tuyến đầu đã được tiêm hai liều vaccine ngừa COVID-19. Mục tiêu là nhằm đạt hiệu quả miễn dịch trong 6 tuần sau tiêm thay vì 12 tuần như thường lệ. Giới chức Thái Lan nhấn mạnh cần đẩy nhanh thời gian này trong bối cảnh số ca nhiễm và tử vong tại nước này tăng vọt, gây sức ép cho hệ thống y tế như hiện nay. Thái Lan đã đưa ra quan điểm bảo vệ việc sử dụng kết hợp 2 loại vaccine như trên bất chấp cảnh báo của các nhà khoa học thuộc Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng, đây là xu hướng nguy hiểm

Chính quyền vùng đô thị Bangkok (BMA) đang đẩy nhanh việc thành lập các trung tâm cách ly tại địa phương nhằm đảm bảo các bệnh nhân COVID-19 được điều trị ngay lập tức và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Trong 24 giờ qua, Thái Lan ghi nhận thêm 8.685 ca mắc mới COVID-19 cùng 56 trường hợp tử vong. Như vậy, tổng số các ca mắc ở nước này từ đầu mùa dịch đã tăng lên 353.712, trong đó có 2.847 người không qua khỏi. Đến nay, tất cả 77 tỉnh của Thái Lan đều có các ca nhiễm mới COVID-19, trong đó thủ đô Bangkok tiếp tục là địa phương có số lượng nhiều nhất với 2.631 người mắc mới và 30 trường hợp tử vong được ghi nhận trong 24 giờ qua.

Lào đã đặt mục tiêu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 50% dân số trong năm nay. Đến nay, trên 1 triệu người tại Lào đã được tiêm mũi đầu vaccine ngừa COVID-19, trong khi hơn 600.000 người tiêm đủ 2 mũi.

Bộ Y tế Lào thông báo, trong 24 giờ qua, đã có thêm 76 ca mắc mới, gồm 2 ca lây nhiễm trong cộng đồng tại tỉnh Luang Namtha và 74 ca là người nhập cảnh được cách ly ngay. Bộ Y tế Lào nêu rõ, mặc dù tình hình dịch bệnh trong cộng đồng đã giảm nhẹ nhưng nguy cơ bùng phát dịch tại nước này vẫn còn do số lượng lao động trở về từ vùng dịch ở các nước láng giềng ngày càng tăng cao, đặc biệt là từ Thái Lan. Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 2.901 ca mắc COVID-19, trong đó có 3 người tử vong.

Khi số ca mắc mới COVID-19 tăng trung bình 900 người/ngày và và số ca tử vong khoảng 20 ca/ngày tại Campuchia, số bệnh nhân có triệu chứng nhẹ (hoặc không có biểu hiện rõ rệt) lựa chọn được điều trị tại nhà riêng đã tăng đáng kể. Trong cuộc họp báo vào ngày 12/7, Giám đốc Sở Y tế Phnom Penh Ngy Mean Heng cho biết, khoảng 1.000 bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ (hoặc không có biểu hiện rõ rệt) hiện đang điều trị tại nhà. Tuy nhiên, cơ quan chức năng Campuchia chỉ cho phép thực hiện điều này với các cư dân Phnom Penh.

Kể từ khi Bộ Y tế Campuchia công bố Bộ Nguyên tắc điều trị tại nhà (SOP) vào cuối tháng 4 vừa qua, đã có khoảng 1.300 bệnh nhân được điều trị theo hướng này và khoảng 270 người trong số này đã bình phục hoàn toàn. Ngày 13/7, Campuchia ghi nhận 830 ca mắc mới. Tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Campuchia hiện là 62.700 người, trong đó có 953 người thiệt mạng.

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 13/7 cho biết, nước này có thêm 1.150 ca mắc mới COVID-19, trong đó 1.097 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số lên 170.296 ca bệnh. Đây là lần đầu tiên kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc mới vượt ngưỡng 1.000 ca trong 7 ngày liên tiếp. Do biến thể Delta đang lây lan nhanh trong bối cảnh mùa nghỉ hè đang đến gần, KDCA cảnh báo, số ca mắc mới hàng ngày có thể vượt ngưỡng 2.000 người vào giữa tháng 8 tới.

Theo vtv.vn