Thứ 2, 08/07/2024, 02:29[GMT+7]

Vaccine Pfizer ngăn nguy cơ tử vong vì Covid-19 trong ít nhất 6 tháng

Thứ 3, 05/10/2021 | 08:16:54
478 lượt xem
Hiệu lực của vaccine Pfizer với nCoV giảm một nửa sau 6 tháng, nhưng vẫn duy trì khả năng ngăn biến chứng và tử vong do Covid-19.

Lọ vaccine Covid-19 của Pfizer tại một điểm tiêm chủng ở thành phố Geneva, Thụy Sĩ, ngày 3/2. Ảnh: Reuters.

Khả năng ngăn lây nhiễm nCoV của vaccine Pfizer giảm từ 88% sau khi tiêm mũi hai xuống còn 47% sau 6 tháng. Tuy nhiên, khả năng ngăn nguy cơ nhập viện và tử vong duy trì ở mức 90% trong ít nhất 6 tháng, ngay cả đối với biến chủng Delta.

Kết quả này nằm trong nghiên cứu được các chuyên gia của Pfizer và Kaiser Permanente công bố trên tạp chí y khoa Lancet xuất bản ngày 4/10. Các chuyên gia nghiên cứu hồ sơ y tế của khoảng 3,4 triệu người là thành viên của Kaiser Permanente Nam California từ tháng 12/2020 tới tháng 8 năm nay.

Nhóm nghiên cứu cho biết dữ liệu của nghiên cứu cho thấy mức độ bảo vệ của vaccine Pfizer giảm đi do hiệu quả của vaccine kém dần, không phải do các biến chủng dễ lây lan hơn.

Hiệu quả chống biến chủng Delta của vaccine Pfizer trong tháng đầu tiên sau khi tiêm mũi hai là 93% và giảm xuống 53% sau 4 tháng. Với các biến chủng nCoV khác, hiệu quả giảm từ 97% xuống 67%.

"Phân tích cụ thể về biến chủng của chúng tôi cho thấy vaccine Pfizer có hiệu quả trong chống lại các biến chủng được quan tâm, bao gồm Delta", Luis Jodar, phó chủ tịch kiêm giám đốc y khoa phụ trách vaccine của Pfizer, cho biết.

Sara Tartof, trưởng bộ phận nghiên cứu của Kaiser Permanente, nhận định kết quả của nghiên cứu cho thấy biến chủng Delta "không thể lẩn tránh hoàn toàn khả năng bảo vệ" của vaccine Covid-19 do Pfizer sản xuất.

"Nếu Delta có khả năng lẩn tránh, chúng ta sẽ không thấy khả năng bảo vệ cao sau tiêm chủng bởi vaccine sẽ không hiệu quả trong trường hợp đó. Hiệu quả của vaccine sau tiêm khi đó sẽ thấp và tiếp tục duy trì ở mức này", Tartof cho biết.

Các chuyên gia cho biết nghiên cứu có hạn chế tiềm ẩn là thiếu dữ liệu về việc tuân thủ khuyến cáo đeo khẩu trang và đặc thù nghề nghiệp trong nhóm 3,4 triệu người tham gia nghiên cứu, điều này có thể ảnh hưởng tới tần suất xét nghiệm và khả năng tiếp xúc với virus.

Ngoài ra, việc xét nghiệm các biến chủng trên người đã được tiêm vaccine nhiều khả năng không thành công, do đó dẫn tới đánh giá quá mức hiệu quả đối với từng biến chủng.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho phép tiêm mũi tăng cường của vaccine Pfizer đối với người cao tuổi và nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao. Các chuyên gia kêu gọi cần bổ sung dữ liệu về việc có nên khuyến khích tiêm mũi tăng cường cho mọi người hay không.

Vaccine do hãng Pfizer của Mỹ hợp tác với BioNTech phát triển có tên là Corminaty, sử dụng công nghệ ARN thông tin (mRNA). Loại vaccine này chứa đoạn mã di truyền gọi là mRNA được các nhà khoa học chiết xuất từ nCoV và mở rộng trong phòng thí nghiệm.

mRNA mã hóa protein như cách virus thực hiện để tấn công vào các tế bào của con người, cung cấp hướng dẫn cho tế bào tạo ra các protein vô hiệu hóa riêng với nCoV. Tế bào tạo ra các bản sao protein và phá hủy vật chất di truyền từ vaccine. Hệ miễn dịch ghi nhận rằng protein không thuộc về cơ thể và ghi nhớ cách chống lại nCoV nếu người được tiêm bị lây nhiễm virus trong tương lai.

Theo vnexpress.net