Thứ 4, 03/07/2024, 05:32[GMT+7]

“Chìa khóa” giảm nghèo bền vững

Thứ 5, 04/11/2021 | 08:15:47
2,429 lượt xem
Hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Quỳnh Phụ còn 2,83%, hộ cận nghèo còn 3,12%. Đóng góp vào kết quả đó có vai trò của nguồn vốn tín dụng ưu đãi được Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện triển khai thực hiện trong 19 năm qua đã giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Hoạt động giao dịch của Ngân hàng CSXH tại xã Quỳnh Hồng (Quỳnh Phụ).

Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Quỳnh Phụ hiện đang triển khai cho vay 8 chương trình gồm: hộ nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, giải quyết việc làm, nhà ở xã hội, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Bà Đặng Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Phòng giao dịch cho biết: Để giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ, Phòng giao dịch phối hợp với các đoàn thể, các tổ tiết kiệm và vay vốn tập trung rà soát nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách, trên cơ sở đó kịp thời giải ngân nguồn vốn bảo đảm nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đến đúng đối tượng thụ hưởng. Cùng với đó, Phòng giao dịch cũng tham mưu cho Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH huyện điều chuyển kịp thời nguồn vốn giữa các chương trình tín dụng một cách linh hoạt để tổ chức giải ngân, tăng vòng quay vốn; đồng thời, tham mưu trình Huyện ủy, HĐND, UBND huyện dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương để ủy thác đầu tư qua Ngân hàng CSXH thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Đến hết tháng 9/2021, tổng nguồn vốn ủy thác đầu tư từ ngân sách huyện sang Phòng giao dịch đạt gần 1,9 tỷ đồng, từ đó đã có 47 hộ nghèo và các đối tượng chính sách của 19 xã được vay vốn, trong đó cho vay hộ nghèo 30 triệu đồng cho 1 hộ, cho vay hộ mới thoát nghèo 479 triệu đồng cho 15 hộ và cho vay giải quyết việc làm 1,377 tỷ đồng cho 31 hộ. Ngoài ra, Phòng giao dịch còn duy trì thực hiện có hiệu quả hoạt động ủy thác qua các đoàn thể với dư nợ ủy thác chiếm 99,89% tổng dư nợ cho vay ưu đãi toàn huyện, từ đó giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn dễ dàng tiếp cận hơn với nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ để phát triển kinh tế.

Đến hết tháng 9/2021, tổng nguồn vốn hoạt động của Phòng giao dịch đạt 459,698 tỷ đồng, tăng 5,5% so với thời điểm 31/12/2020, đạt 99,2% kế hoạch năm; tổng dư nợ cho vay đạt 459,322 tỷ đồng, tăng 5,48% so với thời điểm 31/12/2020, đạt 99,51% kế hoạch năm với 12.290 khách hàng đang vay vốn; tổng doanh số cho vay đạt 98,889 tỷ đồng cho 3.221 lượt khách hàng vay vốn; tổng doanh số thu nợ đạt 74,934 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu chiếm 0,2% tổng dư nợ. Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ, hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện có điều kiện phát triển kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình bà Trần Thị Ngọc (thôn Đồn Xá, xã Quỳnh Hồng). Đến với Ngân hàng CSXH từ những ngày đầu mới ra vùng chuyển đổi, bà Ngọc tâm sự: Nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ tuy không nhiều nhưng thủ tục vay đơn giản, nhanh chóng, lãi suất lại ổn định qua các thời kỳ nên gia đình tôi rất yên tâm khi vay vốn để phát triển sản xuất. Trên tổng diện tích 1,8 mẫu, gia đình tôi đào 2 ao thả các loại cá truyền thống; xây dựng chuồng trại chăn nuôi hơn 100 con lợn nái và lợn thịt, 500 con gà; đồng thời, trồng các loại cây ăn quả đem lại hiệu quả kinh tế cao như: thanh long ruột đỏ, bưởi, hồng xiêm... Sử dụng vốn vay có hiệu quả, gia đình tôi đã từng bước thoát nghèo, kinh tế ngày càng ổn định hơn.

Để ngày càng nhiều hơn nữa hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ, thời gian tới, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Quỳnh Phụ tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với các đoàn thể về rà soát nhu cầu vay vốn, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng các hộ đủ điều kiện và có nhu cầu nhưng không tiếp cận được nguồn vốn; tích cực tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến hoạt động tín dụng chính sách bằng nhiều hình thức để mọi người dân cùng biết và thực hiện; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, trên cơ sở đó phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những tồn tại trong cho vay ưu đãi ở cơ sở...

Gia đình bà Trần Thị Ngọc (thôn Đồn Xá, xã Quỳnh Hồng) phát triển mô hình VAC từ nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ.

Minh Hương