Thứ 3, 02/07/2024, 23:15[GMT+7]

Cần chính sách cho 'tam nông' đột phá hơn

Thứ 4, 26/01/2022 | 10:37:44
352 lượt xem
Trong giai đoạn mới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách, chương trình, đề án để thúc đẩy nông nghiệp phát triển, nâng cao thu nhập và đời sống người nông dân, xây dựng nông thôn mới.

Mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại H.Xuân Lộc. Ảnh: L.QUYÊN

Riêng Đồng Nai cũng tập trung triển khai đồng bộ về chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân phát triển đạt mục tiêu đề ra trong giai đoạn mới.

* Nhiều vướng mắc trong thực hiện chính sách

Tại hội nghị toàn quốc góp ý cho Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 26 vừa diễn ra, lãnh đạo các địa phương tập trung nêu lên những hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân vào thực tế. Trong đó, có nhiều chính sách đã ban hành nhưng khó đi vào thực tế tại các địa phương như: chính sách tích tụ ruộng đất, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hỗ trợ HTX, kinh tế tập thể cũng như chính sách tạo thông thoáng cho kinh tế trang trại phát triển còn khó khăn...

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn cho rằng, việc đánh giá sâu sát về những mặt còn tồn tại, hạn chế, nhất là về thực tế sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, tích tụ ruộng đất cho sản xuất hàng hóa lớn chưa đạt yêu cầu; năng suất lao động nông nghiệp của Việt Nam thấp hơn nhiều so với mặt bằng lao động nông nghiệp các nước và với các lĩnh vực khác… là cơ sở để xác định nông nghiệp Việt Nam đang đứng ở đâu. Trong giai đoạn mới đòi hỏi phải tăng cường thêm nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Riêng về chính sách hỗ trợ cho kinh tế hộ, kinh tế tập thể, HTX phát triển, trước mắt nên tập trung phát triển doanh nghiệp. Vì với vai trò dẫn dắt kinh tế hộ, kinh tế tập thể và HTX cùng phát triển, các doanh nghiệp có nhiều điều kiện thuận lợi hơn về vốn, công nghệ, quản lý, thị trường…

* Đề cao sự chủ động của địa phương

Trong nội dung triển khai chương trình Phát triển nông nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Đồng Nai đặt ra các mục tiêu cụ thể như: lĩnh vực trồng trọt đạt tốc độ tăng trưởng bình quân trên 2%/năm; lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đạt tốc độ tăng trưởng bình quân từ 4-5%/năm. Đến cuối năm 2025, giá trị sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt đạt trên 17 ngàn tỷ đồng; giá trị sản xuất chăn nuôi đạt trên 28 ngàn tỷ đồng và thủy sản đạt gần 3 ngàn tỷ đồng.

Chương trình đề ra các mục tiêu về phát triển ngành bảo quản, sơ chế và chế biến; phát triển khoa học - công nghệ; thực hiện đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn tới. Theo đó, chương trình cũng đưa vào các nội dung đầu tư về phát triển hạ tầng cho sản xuất nông nghiệp như: đầu tư cho thủy lợi, hệ thống điện, hệ thống cấp nước sạch, hạ tầng giao thông và kho bãi.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, trên cơ sở đánh giá các nguồn lực liên quan đến phát triển nông nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh; nguồn lực về điều kiện kinh tế - xã hội; thực trạng sản xuất nông nghiệp, điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội mà chương trình phát triển nông nghiệp bền vững của tỉnh đề ra các mục tiêu cụ thể. Trong đó, nền nông nghiệp được cơ cấu lại gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại; phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Tỉnh sẽ triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông nghiệp phát triển bền vững; cơ chế thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ và nông nghiệp công nghệ cao; chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ, phát triển công nghiệp chế biến sâu và dịch vụ nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng…

Theo baodongnai.com.vn