Thứ 2, 08/07/2024, 17:01[GMT+7]

Lợi ích kép của tổ hợp tác dịch vụ máy cấy

Thứ 5, 17/02/2022 | 12:56:03
829 lượt xem
Mấy năm gần đây, nhiều nông dân trong tỉnh đã mạnh dạn đầu tư máy cấy, từng bước cơ giới hóa các khâu sản xuất. Đặc biệt, ở thôn Trung, xã Song Lãng (Vũ Thư), bà con đã liên kết để hình thành tổ hợp tác dịch vụ máy cấy, hỗ trợ nhau bảo đảm diện tích sản xuất của mỗi gia đình, đồng thời phục vụ tốt hơn dịch vụ cấy lúa cho nông dân trong và ngoài xã.

Hiện nay, tổ hợp tác dịch vụ máy cấy thôn Trung, xã Song Lãng (Vũ Thư) phục vụ sản xuất tại 6 HTXNN.

Tổ hợp tác dịch vụ máy cấy thôn Trung, xã Song Lãng được thành lập từ vụ xuân năm 2017, ban đầu chỉ có 1 máy cấy nhưng đến nay đã thu hút 5 hộ thành viên với 4 chiếc máy cấy, trong đó có 1 máy cấy công suất lớn. Để bảo đảm hoạt động của 4 máy cấy, ngoài lao động của 5 hộ thành viên, tổ còn thuê thêm gần 10 lao động thời vụ để đảm nhận việc gieo mạ khay và cấy lúa cho nông dân ở vụ xuân, vụ mùa. Ông Nguyễn Xuân Bệ, tổ trưởng tổ hợp tác dịch vụ máy cấy thôn Trung cho biết: Ngay từ đầu vụ, tổ hợp tác đã nhận đăng ký diện tích cấy lúa của nông dân. Dựa trên số lượng bà con đăng ký, chúng tôi tổ chức gieo mạ khay phục vụ cấy máy. Khi đến thời vụ sản xuất, tổ trưởng trực tiếp điều hành các máy cấy, lao động của tổ hợp tác cho phù hợp với điều kiện thực tế của từng xứ đồng, tiến độ yêu cầu đề ra. Các máy cấy hoạt động trên tinh thần liên kết, thống nhất, hỗ trợ nhau nên rất thuận lợi, nâng cao hiệu quả sản xuất. 

Kiểm tra thửa ruộng hơn 4 sào trên cánh đồng Ba Mẫu, thôn Trung vừa được máy cấy của tổ hợp tác hoàn thành, bà Đỗ Thị Oanh, thôn Trung chia sẻ: Mấy năm trước, gia đình tôi phải bỏ hoang thửa ruộng này do khó khăn về lao động. Từ năm 2017, khi tổ hợp tác dịch vụ máy cấy của thôn ra đời, gia đình tôi mới khôi phục sản xuất. Hiện gia đình tôi duy trì gieo cấy 1 mẫu lúa mỗi vụ dù chỉ có mình tôi là lao động chính. Tất cả là nhờ tổ hợp tác dịch vụ máy cấy góp phần cơ giới hóa sản xuất, giúp giải phóng sức lao động, giảm chi phí, bảo đảm tiến độ, thời vụ sản xuất cho nông dân. Tôi nhận thấy anh em trong tổ hợp tác dịch vụ máy cấy hoạt động rất chuyên nghiệp, nhiệt tình, cấy lúa đến đâu là đều đặn đến đó, bà con không phải dặm lại. Tôi rất hoan nghênh và mong tổ hợp tác dịch vụ máy cấy tiếp tục mở rộng hoạt động, cấy được nhiều diện tích lúa phục vụ nông dân. 

Việc tham gia tổ hợp tác dịch vụ máy cấy còn là tiền đề để các hộ thành viên tận dụng tối đa lợi thế về phương tiện, hỗ trợ nhau về nhân lực để thực hiện tích tụ ruộng đất, mở rộng quy mô sản xuất lúa của gia đình. Ông Nguyễn Xuân Nguyện, thành viên tổ hợp tác chia sẻ: Từ khi tham gia tổ hợp tác, gia đình tôi nhận cấy thêm ruộng của những hộ bỏ hoang, trước kia chỉ dám cấy 2 - 3 sào, hiện cấy 1,5 - 3 mẫu mỗi vụ. Không riêng gia đình tôi, 4 hộ thành viên còn lại của tổ hợp tác đều phấn khởi tích tụ, sản xuất từ 1,5 - 10 mẫu lúa/hộ/vụ. 

Sau hơn 4 năm hình thành, tổ hợp tác dịch vụ máy cấy thôn Trung không ngừng mở rộng địa bàn phục vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về cơ giới hóa khâu gieo cấy lúa của nông dân trong và ngoài xã. Hiện tổ hợp tác thực hiện dịch vụ cấy lúa cho 6 HTXNN tại huyện Vũ Thư: Song Lãng, Đông Phú, Hồng Lý, Dũng Nghĩa, Minh Hùng, Tam Quang. Tổng diện tích lúa cấy máy của tổ hợp tác trung bình đạt 56ha vụ xuân và trên 100ha vụ mùa.

 “Vẫn là mạnh dạn đầu tư nhưng nếu mỗi hộ tự mua máy cấy và hoạt động nhỏ lẻ hiệu quả dịch vụ sản xuất sẽ thấp hơn. Ngược lại, mỗi thành viên của tổ hợp tác có sự liên kết, thống nhất chặt chẽ, hỗ trợ nhau nâng cao hiệu quả hoạt động thì sẽ nâng cao thu nhập cho gia đình. Sau khi trừ chi phí đầu tư, chúng tôi có thu nhập khá ổn định, bình quân đạt 20 - 30 triệu đồng/hộ/vụ sản xuất. Ngoài ra còn tạo việc làm với thu nhập 200.000 - 300.000 đồng/ngày/người cho gần 10 lao động thời vụ. Hình thành được tổ hợp tác dịch vụ máy cấy là một quá trình khá khó khăn, vất vả nhưng đến nay chúng tôi rất phấn khởi nhận thấy tổ hợp tác hoạt động hiệu quả, thành công” - ông Nguyễn Xuân Bệ, tổ trưởng tổ hợp tác dịch vụ máy cấy thôn Trung cho biết thêm. 

Không chỉ “lợi nhà”, tổ hợp tác dịch vụ máy cấy thôn Trung còn rất “ích nước” vì đã góp phần tích cực giúp nông dân giải phóng sức lao động, đẩy mạnh cơ giới hóa khâu gieo cấy, góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất, tạo động lực để bà con gắn bó với đồng ruộng, từng bước khắc phục tình trạng ruộng bị bỏ hoang.

Quỳnh Lưu



Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày