Thứ 2, 01/07/2024, 02:20[GMT+7]

Chuyện vỉa hè phố tôi

Thứ 6, 14/02/2014 | 08:49:04
1,565 lượt xem
Muốn có không gian thoáng đãng, nền nếp, trật tự, hình ảnh của một đô thị văn minh, bài học rút ra ở đây, là ngoài sự chỉ đạo kiên quyết của chính quyền, vai trò nòng cốt, xung kích của lực lượng Công an cần phải có những người đầy nhiệt tình, trách nhiệm... Làm thông thoáng vỉa hè là vì lợi ích chung, nhưng khi vận động cũng phải xem xét cụ thể, để tính toán hợp tình cái lợi ích riêng của mỗi gia đình thì mới kết quả.

Tổ tự quản ATGT cụm dân cư số 3 - phường Lê Hồng Phong, Thành phố Thái Bình.

Phố tôi ở thuộc tổ 13, phường Lê Hồng Phong, Thành phố Thái Bình. Ở phố tôi, những người bám vỉa hè, kiếm kế sinh nhai không ít. Những nhà mặt đường đều bán một thứ hàng nào đó. Đã thành thói quen, từ người nghèo khó đến bậc “đại gia”, bất luận kinh doanh thứ gì cũng nghiễm nhiên coi vỉa hè như của nhà mình vậy...  Trước những phức tạp về trật tự giao thông và cảnh quan đô thị, các phường, xã đều xây dựng quy chế, tổ chức cho dân ký cam kết rồi ra quân xuống đường. Song, hàng chục năm nay, chỉ được vài bữa, rồi đâu lại vào đấy… 

Khẩu hiệu quyết tâm làm cho đường thông, hè thoáng trong năm an toàn giao thông ở phố tôi, lúc đầu vẫn triển khai như... mọi năm. Vẫn nhận được sự tích cực chỉ đạo của cấp trên và chi bộ, tổ dân phố... Vẫn những cán bộ trung kiên, hạt nhân tích cực như bà Đỗ Thị Hồng Vinh, Phó bí thư chi bộ tổ 16, ông Vũ Duy Gia, Tổ phó tổ 15, ông Đặng Hồng Thụ, Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường… Họ thật sự là những người tâm huyết với công việc.

Người dân ở cụm dân cư số 3, phường Lê Hồng Phong đã rất quen thuộc với hình ảnh của thành viên Tổ tự quản an toàn giao thông. Đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà. Trước là thăm hỏi, sau nắm tình hình, phát hiện những vấn đề mới phát sinh... Nhưng xem ra, cái sự nhắc nhở nhau, chẳng đem lại hiệu quả. Tổ tự quản đến, người ta nể thì cũng dạ dạ, vâng vâng… Tổ tự quản đi, mọi sự lại như cũ. Đố khách bộ hành len chân được vào vỉa hè trước cửa nhà họ.

Sau những tháng đầu không mấy hiệu quả, bà Vinh đã bàn bạc với các thành viên trong tổ rồi tham khảo ý kiến của Công an phường, thay đổi cách tuyên truyền, vận động sao cho hợp lý. Gần gũi, động viên, chia sẻ, phân giải điều hơn, lẽ thiệt để bà con nhận thức ra vấn đề. Việc đầu tiên là phải tiên phong làm mẫu, bằng cách, thấy chiếc xe máy, xe đạp nào để ở phía vạch sơn màu vàng, bên ngoài sát với lòng đường, họ lặng lẽ dắt vào để ngay ngắn vào vạch đỏ phía bên trong sát với tường nhà. Hàng quán của gia đình nào cố tình lấn ra vỉa hè, đều được tổ tự quản đến nhẹ nhàng nhắc nhở. Đằng sau cái nắm tay, vỗ vai tình cảm, vẫn thể hiện sự cứng rắn, quyết tâm làm thay đổi nhận thức của mỗi người dân.

Quán hàng bán bún chả của chị Thanh chính là địa chỉ đầu tiên bà Vinh và các ông, các bà trong tổ tự quản tìm đến. Chị Thanh đáng tuổi con, cháu nên bà Vinh lấy cái lý, cái tình của người mẹ để bảo ban chị. Điều bà Vinh nói, làm chị Thanh nghĩ nhất là: Trong ngõ còn hàng chục gia đình, cũng khó khăn… và còn khó khăn hơn chị. Nếu tất cả cũng nhao ra chiếm lĩnh vỉa hè, thử hỏi chuyện gì sẽ xảy ra? Nhưng chị lo, liệu chuyển vào trong ngõ, có còn khách đến không? Suy đi, tính lại chị quyết phải làm theo lẽ phải, chuyển hàng bún chả vào trong nhà. Bên ngoài, chỉ treo một biển dẫn khách. Bây giờ khách đến chị mời lên tầng 2 không gian sạch sẽ. Còn tầng dưới, chị làm nơi tập kết bếp, nồi, xoong chảo. Thực là hữu xạ tự nhiên hương, dù trong ngõ nhỏ nhưng bún chả đã có thương hiệu, khách vẫn nườm nượp đến...

Ông Vũ Duy Gia, cựu chiến binh, có một cửa hiệu cắt tóc. Ông gương mẫu lùi sâu vào phía trong vỉa hè và nhắc nhở các gia đình khác làm theo mình. Phố ông, bây giờ, suốt dọc vỉa hè là một không gian thoáng đãng. Phố tôi còn có ông Đặng Hồng Thụ. Mọi người vẫn tôn kính gọi ông là cây đại thụ trong phong trào bảo vệ an ninh của phường. Hơn 80 tuổi, ông vẫn đảm đương chức vụ Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường. Tiếng nói của ông - tiếng nói của người có uy tín trong cộng đồng, trước hết ở cốt cách mẫu mực và sự cương nghị, khoan dung. Lời ông nói, bà con trong phố đều nể trọng. Các gia đình bán hàng mặt phố cứ tăm tắp nghe ông, chuyển hàng hóa vào trong nhà, trả lại vỉa hè cho người đi bộ, xe của khách sắp xếp ngay ngắn, thẳng hàng. Trước thì tất cả nhô ra, chiếm hết cả vỉa hè, lượng khách vẫn như thế. Bây giờ, tất cả bán lùi vào trong nhà, trả vỉa hè cho người đi bộ và dành một diện tích để xe, khách cũng không hề giảm.

Từ kết quả bước đầu này, Thành phố đã rút kinh nghiệm nhân rộng ra các phường khác, với phương châm: Công tác vận động phải được đặt lên hàng đầu, phải kiên trì thuyết phục và chỉ ra được cách giải quyết lợi ích hợp lý của mỗi gia đình, phù hợp với đặc điểm từng địa bàn, từng khu dân cư.

Phố tôi có hàng trăm gia đình, có hàng nghìn mét vỉa hè. Nó cũng giống như hàng chục khu phố khác trong Thành phố. Muốn có không gian thoáng đãng, nền nếp, trật tự, hình ảnh của một đô thị văn minh, bài học rút ra ở đây, là ngoài sự chỉ đạo kiên quyết của chính quyền, vai trò nòng cốt, xung kích của lực lượng Công an cần phải có những người đầy nhiệt tình, trách nhiệm như ông Thụ, bà Vinh, ông Gia... Làm thông thoáng vỉa hè là vì lợi ích chung, nhưng khi vận động cũng phải xem xét cụ thể, để tính toán hợp tình cái lợi ích riêng của mỗi gia đình thì mới kết quả. Dạo bước trên vỉa hè thân quen, bây giờ đã sạch hơn, đẹp hơn. Lại chợt nghĩ đến công tác điều hành xã hội, dù việc lớn hay nhỏ, nếu xem xét thấu tình đạt lý thì sự phức tạp sẽ trở nên đơn giản…

Hồ Tuyên
(Công an tỉnh)

  • Từ khóa