Chủ nhật, 07/07/2024, 19:51[GMT+7]

Khắc sâu đạo lý "Uống nước nhớ nguồn"

Thứ 4, 27/07/2022 | 21:51:13
11,822 lượt xem
Diễn ra từ cuối tháng 7, trưng bày chuyên đề "Uống nước nhớ nguồn" tại Bảo tàng tỉnh là điểm đến ý nghĩa của các tầng lớp nhân dân để có thể hiểu hơn về một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc; những hy sinh to lớn mà thầm lặng của các anh hùng, liệt sĩ, của những người mẹ, người vợ trong chiến tranh gian khổ. Cũng từ đây, chúng ta thêm tự hào về những người lính Cụ Hồ trong thời bình - những cựu chiến binh mang trong mình thương tật sau chiến tranh, trở về từ khói lửa đạn bom chiến trường nhưng vẫn luôn hăng say lao động sản xuất, làm giàu cho quê hương như lời căn dặn của Bác: thương binh tàn nhưng không phế.

Trưng bày chuyên đề "Uống nước nhớ nguồn" thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành tình cảm đặc biệt và luôn nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân ta ghi nhớ công lao to lớn của các đồng chí thương binh, liệt sĩ. Bác từng nói: "Sự hy sinh anh dũng của liệt sĩ đã làm cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn của các liệt sĩ..." và ''Đối với những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng". 

Khắc sâu lời dạy của Bác, với đạo lý uống nước nhớ nguồn, để chuẩn bị cho trưng bày chuyên đề nhân kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, công tác lên ý tưởng, đề cương, sưu tầm tư liệu, hiện vật, hình ảnh đã được các cán bộ tại Bảo tàng tỉnh dày công thực hiện từ nhiều tháng ngày. Với hơn 300 tư liệu, hiện vật, hình ảnh được chọn lọc, sưu tầm ở trong và ngoài tỉnh có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, trưng bày mang bố cục 3 phần: Những đóng góp, hy sinh của Đảng bộ và nhân dân Thái Bình trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc; Thái Bình với phong trào đền ơn đáp nghĩa; Những tấm gương cựu chiến binh tiêu biểu làm kinh tế giỏi. 

Bước vào không gian trưng bày, người xem như đến với những câu chuyện chân thực, sống động được kể bằng hình ảnh và những tư liệu, hiện vật quý giá, mang tới niềm xúc động và tự hào to lớn. Trong phần 1, gây ấn tượng sâu sắc đối với mỗi người xem là những lá đơn tình nguyện được viết bằng máu xin nhập ngũ lên đường đánh Mỹ, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; hay như bức ảnh nụ cười của chiến sĩ Lê Xuân Chinh (quê Thái Bình) giữa hai trận đánh ở thành cổ Quảng Trị, năm 1972; bức ảnh chụp thời khắc lịch sử khi xe tăng 843 do đại đội trưởng Bùi Quang Thận chỉ huy tiến vào cắm cờ trên Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975... Ngoài ra, trong không gian trưng bày chuyên đề còn có hình ảnh một số mẹ Việt Nam anh hùng như mẹ Trần Thị Bạ, xã Duy Nhất (Vũ Thư) có 5 con là liệt sĩ; mẹ Nguyễn Thị Đởm, xã Quỳnh Trang (Quỳnh Phụ) có 4 con là liệt sĩ; mẹ Đỗ Thị Lệ, xã Thăng Long (Đông Hưng) có 4 con là liệt sĩ... Có biết bao những người mẹ như thế, đã tiễn đưa những đứa con thân yêu lên đường đi đánh giặc, thầm lặng chịu đựng nỗi đau, sự mất mát khi những đứa con không thể trở về.

Nhiều kỷ vật quý giá được các gia đình thương binh, liệt sỹ trao tặng cho Bảo tàng tỉnh. 

Chị Nguyễn Thị Vi, cán bộ Phòng Trưng bày tuyên truyền, Bảo tàng tỉnh xúc động chia sẻ: Trong những năm qua, Bảo tàng tỉnh đã thực hiện nhiều trưng bày chuyên đề nhân các sự kiện quan trọng của quê hương, đất nước. Tuy nhiên, với trưng bày vô cùng đặc biệt này, trong suốt quá trình thực hiện, mỗi chúng tôi luôn trăn trở suy nghĩ phải thể hiện các hình ảnh, tư liệu, hiện vật, các bảng trích dẫn làm sao cho khoa học, trang nghiêm và thành kính, đồng thời, phải chuyển tải tất cả thông tin chính xác, phản ánh những đóng góp và hy sinh của Đảng bộ và nhân dân Thái Bình trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc cũng như các phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn trong suốt chặng đường 75 năm qua.

Chị Bùi Thị Thanh Mai, thuyết minh viên tại Bảo tàng tỉnh cho biết: Bản thân tôi, khi thực hiện thuyết minh với các đoàn khách về trưng bày chuyên đề “Uống nước nhớ nguồn” luôn cảm thấy vô cùng xúc động, mong rằng trưng bày này như một sự đồng cảm và chia sẻ sâu sắc với các gia đình thương binh, liệt sĩ, những người có công với cách mạng, đặc biệt là các nạn nhân chất độc da cam, những người đang phải từng ngày gánh chịu nỗi đau về cả thể xác và tinh thần do chiến tranh gây ra. Chúng tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều bạn trẻ đến với Bảo tàng tỉnh trong dịp này để có thể hiểu hơn về những năm tháng lịch sử hào hùng của dân tộc, để biết trân quý hơn cuộc sống hòa bình, tự do hôm nay.

Chia sẻ thêm về trưng bày chuyên đề, ông Đỗ Quốc Tuấn, Giám đốc Bảo tàng tỉnh thông tin: Trong suốt quá trình tìm kiếm tư liệu, thực hiện trưng bày, chúng tôi  hiểu các phong trào đền ơn đáp nghĩa đã nhận được sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của toàn xã hội, trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong đời sống văn hoá, góp phần quan trọng vào việc củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước, trách nhiệm xã hội, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân ái của mỗi người Việt Nam. Bên cạnh đó, với ý chí tự lực, tự cường, nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và gia đình người có công đã vượt lên thương tật, khó khăn, hòa mình vào cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ trong lao động, sản xuất, công tác, chiến đấu, học tập... góp phần bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, xứng đáng là những "công dân kiểu mẫu", là tấm gương sáng cho cộng đồng và xã hội noi theo. 

Nhằm góp phần lan tỏa cuộc trưng bày chuyên đề “Uống nước nhớ nguồn”, Bảo tàng tỉnh mở cửa các buổi tối từ 26-31/7/2022. Ngoài ra, các tầng lớp nhân dân có thể tới tham quan trưng bày vào các ngày từ 26/7-20/8/2022.

Tú Anh