Chủ nhật, 07/07/2024, 19:31[GMT+7]

Hưởng ứng ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10 Chuyển đổi số là tất yếu khách quan, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Thứ 5, 06/10/2022 | 08:25:34
1,102 lượt xem
Chuyển đổi số (CĐS) có vai trò quan trọng, tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế và mọi mặt của đời sống xã hội. Nhân dịp kỷ niệm năm đầu tiên Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 10/10 hàng năm là ngày CĐS quốc gia, phóng viên Báo Thái Bình có cuộc trao đổi với đồng chí Đỗ Như Lâm, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông về những kết quả đạt được của công tác CĐS trên địa bàn tỉnh thời gian qua, định hướng trong thời gian tới.

Phóng viên: Thưa đồng chí, công tác CĐS thời gian qua trên địa bàn tỉnh ta được triển khai như thế nào?

Đồng chí Đỗ Như Lâm: Thực hiện “Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu UBND tỉnh trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về CĐS tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là nghị quyết chuyên đề chỉ đạo toàn diện, xuyên suốt công tác CĐS của tỉnh đến các cấp, các ngành, các lĩnh vực. UBND tỉnh đã ban hành, cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo về công tác CĐS tạo hành lang pháp lý để triển khai thực hiện CĐS trên địa bàn tỉnh từ việc thành lập Ban Chỉ đạo về CĐS tỉnh; thành lập Tổ công tác Đề án 06 của tỉnh; ban hành Đề án CĐS tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là các văn bản quan trọng mở đường, định hướng để cả hệ thống chính trị chung sức nhằm thực hiện mục tiêu “Xây dựng, phát triển các hệ thống ứng dụng công nghệ số, nền tảng hạ tầng số của tỉnh, trọng tâm là xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số có trình độ phát triển khá. Các hoạt động của cấp ủy, chính quyền, mô hình quản trị, kinh doanh của doanh nghiệp và phương thức sống, làm việc của nhân dân được đưa lên môi trường số, tạo ra các giá trị mới cho xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống; khơi dậy khát vọng bứt phá vươn lên, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo với năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường” mà Nghị quyết số 02-NQ/TU đã đề ra.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những kết quả nổi bật tỉnh ta đã đạt được?

Đồng chí Đỗ Như Lâm: Trong thời gian qua, CĐS của tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực, từ nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nền tảng số, nhân lực số, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số... Trong nhận thức số đã thành lập chuyên trang “Chuyển đổi số” tỉnh Thái Bình và đưa vào hoạt động tại địa chỉ http://chuyendoiso.thaibinh.gov.vn nhằm cung cấp các văn bản chỉ đạo, thông tin, tài liệu và các hoạt động của Ban Chỉ đạo về CĐS tỉnh. Trong lĩnh vực hạ tầng số, các doanh nghiệp viễn thông di động đã triển khai bảo đảm 100% khu vực dân cư trên địa bàn tỉnh được phủ sóng băng rộng (cố định và di động); tỷ lệ dân số có điện thoại thông minh ước đạt 66%; tỷ lệ hộ gia đình có cáp quang băng rộng ước đạt 48%.

Bên cạnh đó, tỉnh Thái Bình đã hoàn thành triển khai ứng dụng nền tảng “Sổ tay đảng viên điện tử” trên địa bàn tỉnh, hướng tới có thể nhân rộng trên phạm vi toàn quốc. Triển khai các kênh zalo OA (Zalo Official Account) “Công dân số Thái Bình”, “Chính quyền số Thái Bình”, “Thái Bình đồng hành cùng doanh nghiệp”; ứng dụng “Công dân số Thái Bình” trên thiết bị di động. Về nhân lực số, đến hết tháng 9/2022, tỉnh Thái Bình đã thành lập 260/260 tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã; 1.449/1.797 tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn với 11.661 thành viên.

Đặc biệt, trong lĩnh vực chính quyền số, kinh tế số, xã hội số đạt được kết quả nổi bật. Mạng truyền số liệu chuyên dùng đến nay đã kết nối đến 100% các sở, ban, ngành thuộc tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) kết nối đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 63%; tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ đạt 57,25%; tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến đạt 37,32%. Tỷ lệ văn bản các cơ quan nhà nước các cấp có chứng thực số và ký số đạt 94,4%. Trong đó, tỷ lệ văn bản có đầy đủ chữ ký số của cơ quan và cá nhân các đồng chí lãnh đạo đạt 45,1%. Về kinh tế số, tổng doanh thu doanh nghiệp số (doanh nghiệp viễn thông và công nghệ thông tin) ước đạt 1.200 tỷ đồng. Doanh thu thương mại điện tử ước đạt 100 tỷ đồng (theo doanh thu của bưu chính và chuyển phát). Các sàn thương mại điện tử như: sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh có 254 gian hàng với 2.068 sản phẩm được trưng bày; Postmart có 38 sản phẩm với 18 sản phẩm OCOP với 7 chủ thể OCOP; Vỏ sò có 178 sản phẩm với 16 sản phẩm OCOP với 10 chủ thể OCOP gồm 142 hộ tham gia. Trong lĩnh vực xã hội số, ngành giáo dục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong công tác tuyển sinh đầu cấp tới 100% các trường THPT trên địa bàn tỉnh. Bảo hiểm xã hội tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh triển khai “VssID - Bảo hiểm xã hội số”. Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội cài đặt ứng dụng VssID đạt 44%. Công an tỉnh đã thu nhận 78.816 hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử.

Phóng viên: Đồng chí có thể cho biết những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện công tác CĐS hiện nay?

Đồng chí Đỗ Như Lâm: Bên cạnh những kết quả đạt được, cần thẳng thắn nhìn nhận còn một số tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục, cụ thể: một số đồng chí lãnh đạo sở, ngành, đơn vị, địa phương chưa thực sự quan tâm, quyết liệt trong thực hiện CĐS, từ đó dẫn đến kết quả thực hiện chưa cao; tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính mức độ 3, 4 ở một số sở, ngành, địa phương chưa đạt yêu cầu; việc thực hiện báo cáo trên hệ thống báo cáo của tỉnh chưa được thực hiện triệt để. Tổ công nghệ số cộng đồng đã được thành lập nhưng chưa phát huy hiệu quả. Kết quả tiếp nhận, giải quyết một số thủ tục trong 25 dịch vụ công thiết yếu còn thấp; việc thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân và thu nhận hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử đã được triển khai quyết liệt nhưng kết quả chưa đạt yêu cầu.

Phóng viên: Để đáp ứng yêu cầu của sự phát triển, thời gian tới, công tác CĐS của tỉnh cần tập trung vào những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Đỗ Như Lâm: Để thực hiện chuyển đổi số đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ:

- Tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc ký số văn bản điện tử, lưu trữ hồ sơ công việc điện tử của các cơ quan nhà nước trên hệ thống mạng văn phòng điện tử liên thông của tỉnh, bảo đảm tỷ lệ văn bản có đầy đủ chữ ký số của cơ quan và cá nhân lãnh đạo đạt 50% trở lên.

- Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức và người dân nộp thủ tục hành chính mức độ 3, mức độ 4; tiếp nhận và giải quyết kịp thời hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, bảo đảm 100% kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính được số hóa và cập nhật lên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh.

- Thúc đẩy việc sử dụng ứng dụng ngân hàng của người dân, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

- Tiếp tục rà soát, tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính của đơn vị mình theo hướng thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

- Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, xử lý và tiếp nhận hồ sơ trực tuyến; có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để nâng cao hiệu quả tiếp nhận hồ sơ trực tuyến trong thời gian tới; phấn đấu đến cuối năm 2022 các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã chỉ đạo, giao chỉ tiêu tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trực tuyến phải đạt tối thiểu 50% trở lên.

- Xây dựng các mô hình điểm về thực hiện DVCTT; trong đó nghiên cứu bố trí hệ thống máy tính có kết nối internet, máy scaner tại các điểm tiếp nhận hồ sơ, thủ tục hành chính và cử cán bộ hướng dẫn người dân thực hiện DVCTT, đặc biệt đối với người dân không có điều kiện tiếp cận với máy tính, điện thoại có kết nối internet.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!



Ông Trần Thiên Thai, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh

Trong lĩnh vực BHXH, việc sử dụng các ứng dụng số, DVCTT, thanh toán trực tuyến rất tiện ích, cải cách thủ tục hành chính, phục vụ nhanh chóng, kịp thời hơn quyền lợi của người tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT. Thông qua việc thực hiện CĐS như phát triển ứng dụng BHXH số - VssID, triển khai sử dụng căn cước công dân gắn chíp trong khám chữa bệnh BHYT... giúp minh bạch hóa các thông tin đóng - hưởng của người tham gia, gia tăng niềm tin của người lao động, người dân vào chính sách BHXH, BHYT.

Ông Trương Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh

CĐS là đòn bẩy giúp khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển. Hiện nay, phần lớn các HTX trong tỉnh đã nhận thức được tầm quan trọng của CĐS đối với tổ chức hoạt động và sự phát triển, tích cực ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, CĐS tại các HTX vẫn còn gặp nhiều khó khăn bởi vấn đề về tài chính, cơ sở hạ tầng và nhân lực, vì vậy thời gian tới chúng tôi sẽ tham mưu để sớm có giải pháp cụ thể thúc đẩy CĐS trong kinh tế hợp tác, HTX hiện nay.

Ông Phạm Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ

Xác định CĐS là quá trình liên tục và lâu dài, UBND huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo CĐS của huyện và chỉ đạo các phòng, ban, các tổ chức đoàn thể và các địa phương tích cực vào cuộc. Đến nay, 100% các xã và hầu hết các thôn trong huyện đều có tổ công nghệ số cộng đồng. Trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ văn bản điện tử được ký số toàn huyện đạt 99,6%; tỷ lệ văn bản có đầy đủ chữ ký số của cơ quan và cá nhân các đồng chí lãnh đạo đạt 69,2%; là huyện có tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến mức độ 4 cao với 2.804 hồ sơ; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn đạt 98,1%.


Ông Trần Đăng Sứ, Giám đốc Công ty Cổ phần May Hà Thành

Hơn 2 năm đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, lây lan trong doanh nghiệp khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn. Trước thách thức đó, để thích ứng với đòi hỏi thực tế, Công ty đổi mới phương thức hoạt động, trong đó tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư trang thiết bị hiện đại, thay đổi cách tiếp cận thị trường chuyển đổi từ thị trường truyền thống sang thị trường thương mại điện tử để bảo đảm và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, doanh thu của Công ty vẫn duy trì tăng trưởng, người lao động có việc làm với mức thu nhập ổn định.


Anh Vũ Đức Toàn, xã Đông Quý (Tiền Hải)

Tôi làm nghề lái xe, theo quy định đến thời hạn phải đổi giấy phép lái xe. Nếu như trước đây mỗi khi làm thủ tục mất rất nhiều thời gian do thủ tục giấy tờ nhiều, phải đi lại nhiều lần, hoàn thiện được giấy phép cũng mất đến nửa tháng. Giờ đây, chúng tôi chỉ cần đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh mọi thủ tục đều được làm trên máy, thủ tục đơn giản, thuận tiện và nhanh gọn. Chỉ cần một tuần chúng tôi đã đổi được giấy phép lái xe. Đây là điều mà người dân chúng tôi mong chờ từ lâu.


Nguyễn Cường
(thực hiện)