Chủ nhật, 07/07/2024, 19:53[GMT+7]

Nhớ và quên - Cách phòng bệnh quên

Thứ 6, 07/04/2023 | 15:11:56
1,102 lượt xem

TRÍ NHỚ TỐT LÀ MỘT BIỂU HIỆN CỦA SỨC KHỎE CON NGƯỜI

Ai có và còn giữ được trí nhớ tốt là một điều tuyệt diệu, điều đó thể hiện sự minh mẫn, tỉnh táo và phản ánh sức khỏe, chất lượng cuộc sống tốt. Thực tế cho thấy trí tuệ, thông minh cũng được kết tinh trong trí nhớ của mỗi con người.

Tuy nhiên, trong cuộc sống không phải cái gì cũng nhớ lâu là tốt. Những điều gì cần nhớ thì hãy nhớ càng lâu, càng chính xác càng tốt như: những điều giá trị, tốt đẹp, bổ ích, khỏe mạnh, hạnh phúc, trong sáng, vô tư, thiện căn... Còn những điều gì đáng quên thì phải quên càng nhanh, quên càng mãi mãi càng hay như: những điều xấu xa, độc ác, bẩn thỉu, sợ hãi, đê hèn, mệt mỏi, đau buồn, bất hạnh...

Thù lâu nhớ dai là cá tính đớn hèn của một số người nhỏ nhen, bẩn tính. Cứ cái gì xấu thì tích tụ lại rồi mỗi khi sinh sự lại moi ra, xổ ra cả mớ cả rổ, để chì chiết móc máy, láy đi, kháy lại nhiều lần, dai như đỉa đói. Những người như vậy thì làm sao mà đàng hoàng và khỏe mạnh được.

Chỉ có lịch sử là không được phép quên, mà phải lưu lại tất cả để làm tư liệu.

NHỚ VÀ QUÊN CŨNG LÀ QUY LUẬT TỰ NHIÊN CỦA CUỘC SỐNG

* Chứng hay quên: Là hiện tượng suy giảm dần trí nhớ và nhận thức do quá trình thoái hóa liên tục của bộ não xảy ra sau nhiều năm. Nghiên cứu khoa học đã chứng minh: sau 25 tuổi, mỗi ngày có khoảng 3.000 tế bào thần kinh bị phá hủy và không có sự tái tạo mới để thay thế.Hiện tượng này xảy ra nhanh sau tuổi 60. Lứa tuổi 60 - 64 có khoảng 1% mắc chứng giảm trí nhớ, đến lứa tuổi 85 có đến 50% mắc chứng này.

* Nguyên nhân của suy giảm trí nhớ (quên):

- Do tuổi: Nói chung, quá trình lão hóa làm giảm sút các chức năng của tất cả các bộ phận trong cơ thể. Hoạt động của các tế bào thần kinh cũng chậm dần theo năm tháng, đồng thời các chất cần thiết cho sự hoạt động của hệ thần kinh cũng giảm sút, dẫn đến trí nhớ giảm dần.

- Do bệnh tật: Kể cả ở những người trẻ hoặc người già, nếu thường mắc nhiều bệnh cùng một lúc thì hầu hết các bệnh đều ảnh hưởng đến hoạt động trí nhớ ở các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, có những bệnh ảnh hưởng đáng kể đến khả năng ghi nhớ của người già, còn gọi là bệnh sa sút trí tuệ.
Có hai bệnh lý chính gây nên sa sút trí tuệ là:

+ Bệnh mạch máu: xảy ra sau khi bị đột quỵ thiếu máu não.

+ Bệnh Alzheimer: nguyên nhân hiện nay vẫn chưa rõ nhưng bệnh này chiếm 60 - 70% trường hợp sa sút trí tuệ.

PHÒNG VÀ CHỮA TRỊ BỆNH GIẢM TRÍ NHỚ, SA SÚT TRÍ TUỆ

1) Phòng ngừa giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ:

a) Xoa bóp bấm huyệt cho vùng đầu mặt cổ thường xuyên hàng ngày là liệu pháp hữu hiệu nhất nhằm phòng ngừa giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ.

Điều này tưởng như giản đơn nhưng nếu các bạn duy trì đều như cơm bữa thì sau này càng về già, các bạn sẽ càng tự hào về trí nhớ và sự minh mẫn của chính mình.

Cách làm:

- Xoa vò tai: xoa vò rồi kéo căng 2 vành tai, chà, day các huyệt dọc theo phía trước và phía sau vành tai. Dùng 2 ngón tay trỏ ngoáy sâu vào 2 lỗ tai.
Làm như vậy sẽ tác động đến ốc tai tiền đình, tăng cường sự ghi nhớ âm thanh và giọng nói trên vỏ não.

- Xoa day mắt: dùng ngón tay xoa, miết, day xung quanh hố mắt, nhắm mắt lại và day nhẹ lên 2 con mắt.
Làm như vậy sẽ tác động đến các huyệt quanh mắt, tăng cường ghi nhớ hình ảnh lên vỏ não.

- Xoa day mũi: dùng ngón tay, day miết lên 2 bên sống mũi, cánh mũi và huyệt nhân trung.
Làm như vậy sẽ tác động đến các huyệt quanh mũi, tăng cường ghi nhớ sự nhận biết của khứu giác lên vỏ não.

- Xoa day các huyệt ở vùng đầu. Dùng các ngón tay xoa, day, miết, gõ lên vùng đỉnh đầu, trán, thái dương và cổ gáy.

Làm như vậy sẽ tác động lên các huyệt ở đầu, cổ gáy, tăng cường lưu thông máu lên não, thông kinh hoạt lạc, giúp cho vỏ não kích thích tăng cường trí nhớ.

(còn nữa)

Bác sĩ Bùi Vũ Khúc