Thứ 3, 02/07/2024, 23:04[GMT+7]

Thái Bình đủ điều kiện đạt chuẩn phổ cập giáo dục mức độ 3, xóa mù chữ mức độ 2

Thứ 4, 10/05/2023 | 07:20:59
2,385 lượt xem
Chiều ngày 9/5, UBND tỉnh làm việc với đoàn kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tỉnh Thái Bình. Chủ trì buổi làm việc có các đồng chí: Sái Công Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Trần Thị Bích Hằng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tỉnh Thái Bình.

Đồng chí Sái Công Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại cuộc họp.

Tỉnh Thái Bình hiện có 743 cơ sở giáo dục, trong đó có 301 trường mầm non (15 trường mầm non tư thục), 120 trường tiểu học, 167 trường tiểu học và THCS, 106 trường THCS, 40 trường THPT, 1 trung tâm GDTX tỉnh, 8 trung tâm GDNN - GDTX huyện. Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ luôn được duy trì, củng cố, chất lượng ngày càng nâng cao. Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ các cấp đã ban hành các văn bản chỉ đạo và có nhiều giải pháp tích cực trong việc triển khai thực hiện, trong đó đặc biệt quan tâm huy động học sinh ra lớp, tổ chức điều tra, thống kê kết quả. Ngày 27/1/2023, UBND tỉnh đã ban hành quyết định công nhận 8/8 huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; 8/8 huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và THCS mức độ 3; 8/8 huyện, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Về hạn chế, việc huy động học viên ra các lớp xóa mù chữ, lớp giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, lớp bổ túc THCS còn khó khăn; toàn tỉnh vẫn còn thanh thiếu niên trong độ tuổi 11 - 18 tuổi bỏ học.

Đồng chí Trần Thị Bích Hằng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phổ cập giáo giáo dục, xóa mù chữ tỉnh Thái Bình phát biểu tại cuộc họp.

Trong 2 ngày 8 - 9/5, đoàn kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trực tiếp kiểm tra, khảo sát tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Từ kết quả kiểm tra, đoàn sẽ báo cáo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét ban hành quyết định công nhận tỉnh Thái Bình đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3, đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 tại thời điểm tháng 12/2022. Để bảo đảm tính bền vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ của tỉnh, đoàn kiểm tra đề nghị tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ các cấp; tăng cường phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể để nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò của công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; kiểm tra, đánh giá thường xuyên công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, chú trọng việc hoàn thiện hồ sơ ở các cấp, bảo đảm cập nhật hồ sơ khoa học. Tiếp tục thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh sau cấp THCS và định hướng phân luồng học sinh sau cấp THPT. Tăng cường bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý và phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, có chuyên môn nghiệp vụ tốt nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nói chung, kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ nói riêng. Làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị dạy học trong các cơ sở giáo dục...

 Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo về kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tỉnh Thái Bình năm 2022. 

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tỉnh trân trọng cảm ơn đoàn kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có đánh giá trung thực, khách quan về công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ của tỉnh Thái Bình. Đối với các kiến nghị của đoàn, đồng chí lưu ý các thành viên Ban Chỉ đạo nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu tham mưu cho tỉnh đưa ra các giải pháp thực hiện phù hợp trong thời gian tới.

Tú Anh