Thứ 6, 05/07/2024, 04:35[GMT+7]

Thanh niên Thụy Xuân: Năng động phát triển kinh tế

Thứ 7, 08/07/2023 | 10:33:51
12,610 lượt xem
Phát huy sức trẻ, sự sáng tạo, nhiều thanh niên xã Thụy Xuân (Thái Thụy) đã làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Máy khắc gỗ tự động của anh Nguyễn Văn Thường, thôn Minh Vũ, xã Thụy Xuân (Thái Thụy).

Năm 2021, anh Nguyễn Văn Thường, thôn Minh Vũ vay vốn từ ngân hàng, người thân để thuê mặt bằng, dựng xưởng, mua máy móc để gia công đồ gỗ cho các xưởng mộc lớn. Anh cho biết: Trước đây tôi đi làm thuê, làm mộc thủ công, khi mở xưởng thì tôi mua máy khắc gỗ tự động điều khiển bằng máy tính. Khi làm bằng máy khắc gỗ tự động sản phẩm có độ sắc nét, hoa văn đều hơn, nhanh, hiệu quả, tiết kiệm thời gian. Những ngày đầu khá khó khăn, anh Thường mày mò tự học, tự vẽ, tự tìm hiểu cách tạo ra một sản phẩm mỹ nghệ hoàn chỉnh bằng máy khắc gỗ tự động. Dần dần khách hàng trong vùng đã biết đến xưởng mộc của anh với những sản phẩm chất lượng, giá cả phải chăng. Vay 400 triệu đồng đầu tư, đến nay anh đã trả được hơn 200 triệu đồng. Phần tiền lãi thu được còn lại anh tái đầu tư sản xuất.

Hơn 10 năm trước, anh Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên xã Thụy Xuân mở xưởng nhôm kính tại thôn Phấn Vũ Nam với 3 nhân công. Khó khăn về vốn, mặt bằng nhưng anh quyết tâm bám trụ với nghề. Hiện tại, dù vẫn ở trong ngõ nhỏ nhưng xưởng của anh rất đông khách với 7 nhân công thường xuyên, thu nhập từ 7 - 12 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm anh Tuấn thu lãi khoảng 300 triệu đồng.

Lựa chọn nuôi trồng thủy sản là hướng phát triển kinh tế, làm giàu của nhiều thanh niên xã Thụy Xuân. Trong đó có anh Vũ Đức Thịnh, anh Vũ Hồng Tuân (thôn Vũ Đông), chị Nguyễn Thị Hòa, Bí thư Chi đoàn thôn Bình An. Nếu như anh Thịnh, anh Tuân có diện tích nuôi thủy sản lớn, thu lãi khoảng 200 triệu đồng đến hơn 300 triệu đồng/năm thì chị Hòa có 2 ao với tổng diện tích gần 2.000m2 để nuôi cá giống và cá thương phẩm. Chồng chị Hòa đi làm xa nhà, một mình chị vừa lo việc nhà, dạy các con vừa làm kinh tế. Công việc nuôi cá, bán hàng ăn sáng cho chị Hòa nguồn thu gần 100 triệu đồng/năm.

Chia sẻ về phong trào thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp tại địa phương, chị Vũ Thị Thùy Linh, Bí thư Đoàn Thanh niên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên xã Thụy Xuân cho biết: Tuổi trẻ Thụy Xuân đang thay đổi phương thức kinh doanh, phát triển kinh tế. Không chỉ có những ngành, nghề, phương thức truyền thống, nhiều thanh niên trên địa bàn xã đã áp dụng công nghệ số, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào mô hình sản xuất, kinh doanh của mình như bán hàng online, công nghệ tự động trong sản xuất. Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Thanh niên xã hỗ trợ thanh niên tiếp cận các chính sách, các nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế. Không chỉ làm giàu cho gia đình, cho xã hội, lực lượng thanh niên làm kinh tế tại địa phương còn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào đoàn, hội, góp phần đưa công tác đoàn, hội và phong trào thanh thiếu nhi ở Thụy Xuân ngày càng phát triển.

Ao nuôi cá thương phẩm của chị Nguyễn Thị Hòa, Bí thư Chi đoàn thôn Bình An, xã Thụy Xuân (Thái Thụy).

Xuân Phương