Chủ nhật, 07/07/2024, 20:33[GMT+7]

Dùng gừng thế nào cho đúng?

Thứ 6, 15/09/2023 | 08:55:40
2,377 lượt xem
Gừng không chỉ là gia vị quen thuộc trong bếp ăn mỗi gia đình mà còn là một dược vị thường dùng, có rất nhiều công dụng đối với sức khỏe.

Ảnh minh họa.

Đôi khi ta cứ tưởng như dùng gừng là dễ và đơn giản, tuy nhiên nếu sử dụng gừng không đúng cách, không đúng liều lượng dễ gây ra tác hại không hề nhỏ mà ta chưa để ý tới.

I. CẦN HIỂU RÕ LỢI ÍCH CỦA GỪNG ĐỐI VỚI SỨC KHỎE
Gừng có rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe, cách sử dụng gừng trong đời sống cũng rất phong phú, đa dạng tùy theo mỗi vùng miền. Phạm vi bài viết xin nêu một số tác dụng đã được lĩnh vực đông y, tây y nghiên cứu và được kiểm chứng lâm sàng.

1) Giảm các triệu chứng đau nhức xương khớp
- Gừng có khả năng ức chế các chất leukotriene, chemokine và cytokine (là nhóm các chất trung gian gây viêm, dị ứng, ho hen, đau nhức, viêm xương khớp).
- Từ tính chất nêu trên mà gừng giúp giảm tình trạng viêm, dị ứng, cải thiện đau nhức xương khớp, tăng khả năng vận động.

2) Làm dịu cơn đau cơ bắp
- Củ gừng có tác dụng làm dịu các cơn đau cơ bắp do vận động nhiều.
- Tuy nhiên, gừng không thể làm giảm cơn đau ngay lập tức, mà nó có tác  dụng hỗ trợ và cải thiện dần.

3) Cải thiện hệ tiêu hóa, chống đầy bụng, đau bụng do lạnh, ăn khó tiêu
- Các chất có trong gừng giúp điều chỉnh lượng đường trong máu; từ đó quá trình tiêu hóa được tăng cường, giảm bớt chứng đầy hơi và chướng bụng, đau bụng lạnh.
- Đặc biệt, gừng giúp kích thích tạo môi trường thuận lợi để sản sinh ra các vi khuẩn có lợi cho đường ruột như: staphylococcus, salmonella và E.coli.
- Nếu bạn hay có vấn đề về đường ruột nêu trên thì nên uống 1 cốc nhỏ trà gừng trước bữa ăn 20 phút.

4) Giảm cơn đau bụng ở phụ nữ khi tới kỳ kinh nguyệt
- Củ gừng có tác dụng giảm đau bụng kinh khi tới kỳ kinh nguyệt.  
- Uống 1 cốc nước gừng ấm sẽ là cách hữu hiệu làm giảm cơn đau bụng kinh ở phụ nữ. Nên kết hợp gừng với sinh tố lá ngải sẽ rất tốt.

5) Bảo vệ răng miệng
Hợp chất gingerol trong gừng có tác dụng ngăn vi khuẩn trong miệng phát triển, giảm nguy cơ mắc các bệnh nha chu hoặc nhiễm trùng nướu, lợi, viêm quanh cuống răng.

6) Làm giảm cơn buồn nôn
Các cơn buồn nôn do rượu hoặc ốm nghén ở phụ nữ mang thai có khả năng giảm đi khi bạn uống một cốc trà gừng ấm.
Lưu ý với phụ nữ mang thai ở giai đoạn sau 3 tháng trở đi, không nên dùng gừng nhiều, gây tăng co cơ tử cung, có thể là nguyên nhân dẫn đến sảy thai.

II. CÁCH DÙNG
1) Về liều lượng:
- Trung bình mỗi ngày mỗi người chỉ nên dùng khoảng 4 - 5g gừng tươi (một nhánh gừng to bằng 2 đốt ngón tay cái).
- Ở một số bệnh nhân cụ thể, các thầy thuốc đông y có thể điều chỉnh tăng giảm lượng gừng cần dùng tùy theo từng bệnh.

2) Nếu bị ho, viêm mũi họng, dị ứng do lạnh, buồn nôn, miệng hôi:
- Nướng 1 củ gừng đã rửa sạch, để cả vỏ.
- Thỉnh thoảng thái 1 lát mỏng gừng nướng, ngậm trong miệng thật lâu rồi từ từ nhai nuốt dần.

3) Nếu bị đau nhức cơ xương khớp do thoái hóa, do lạnh, do vận động nhiều:
- Xoa dầu gừng: Dùng tinh dầu gừng xoa bóp vào các vùng đau, ngày vài lần.
- Ngâm chân: Đập nát vài nhánh gừng cho vào chậu cùng 1 nhúm muối, đổ 1 phích nước sôi chờ khi nước còn ấm thì ngâm chân ngập qua mắt cá, từ 30 - 40 phút. Ngày ngâm 1 lần vào buổi tối trước khi đi ngủ. Nếu có thuốc ngâm chân, vẫn có thể đập thêm 1 nhánh gừng càng tốt.

4) Đau bụng lạnh nói chung và đau bụng kinh ở phụ nữ nói riêng:
Có thể dùng một trong các cách sau:
- Uống 1 cốc trà gừng nóng, hoặc ngậm 1 lát gừng nướng khi đau bụng.
- Xay sinh tố lá ngải có thêm 1 nhánh gừng và 1 thìa đường. Ngày uống 1 - 2 cốc.
- Chườm lá ngải: Lấy 1 nắm lá ngải thái nhỏ, cho vào 1 thìa muối hạt (nếu có cám gạo cho thêm vào 1 nắm càng tốt). Tất cả đem rang kỹ, cho vào khăn vải bọc lại rồi chườm lên vùng bụng đau (thử nóng trước khi chườm kẻo bị bỏng).

(còn nữa)

Bác sĩ  Bùi Vũ Khúc