Thứ 6, 05/07/2024, 02:30[GMT+7]

Gia tăng giá trị từ sản xuất vụ đông

Chủ nhật, 08/10/2023 | 19:44:34
2,245 lượt xem
Những năm gần đây, sản xuất vụ đông thường gặp thời tiết bất thuận, ảnh hưởng đến tâm lý của người dân trong đầu tư thâm canh, mở rộng diện tích. Do vậy, năm nay ngành nông nghiệp định hướng các địa phương mở rộng diện tích các cây vụ đông ưa lạnh có lợi thế của tỉnh, có giá trị kinh tế cao, từng bước xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, tạo vùng nguyên liệu để liên kết chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu.

Nông dân xã An Châu (Đông Hưng) chăm sóc cây vụ đông mới trồng.

Vụ sản xuất chính
Xem vụ đông là vụ sản xuất chính đưa lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân, thời điểm này, xã An Châu (Đông Hưng) đang tập trung triển khai chỉ đạo sản xuất. Trên các cánh đồng, thực hiện phương châm “sáng lúa, chiều màu”, máy gặt, máy làm đất đang hoạt động với công suất tối đa để thu mùa, làm đất cho sản xuất vụ đông. Gieo trồng trên 1 mẫu rau các loại, bà Nguyễn Thị Tâm, xã An Châu cho biết: Tận dụng thời gian nhàn rỗi sau khi thu hoạch lúa, gia đình tôi mượn thêm ruộng của các hộ xung quanh để trồng rau vụ đông. Thời vụ ngắn nhưng thu nhập từ mỗi sào đạt từ 1,5 - 3 triệu đồng nên không năm nào gia đình tôi để đất “nghỉ”.

Cũng như An Châu, thu nhập từ trồng cây vụ đông trở thành nguồn thu nhập chính cho nhiều gia đình ở xã Vũ An (Kiến Xương). Sản xuất vụ đông ở Vũ An đem lại giá trị 9 - 12 tỷ đồng/năm. Để bảo đảm kế hoạch đề ra, kế hoạch vụ đông được xã xây dựng gắn với sản xuất 2 vụ lúa, nhất là cơ cấu trà lúa mùa sớm để chủ động quỹ đất, cạnh tranh về thời vụ, thuận lợi cho tiêu thụ sản phẩm. Ông Nguyễn Quang Thế, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã cho biết: Năm 2023, chúng tôi phấn đấu gieo trồng 143,3ha cây màu các loại. Vụ đông ưa ấm thường tiềm ẩn nhiều rủi ro về thời tiết, do đó xã khuyến khích người dân phát triển nhóm cây ưa lạnh, đặc biệt là khoai tây. Với phương châm quyết liệt và linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, nhất là thời vụ nhằm né tránh, giảm thiểu thấp nhất rủi ro do thiên tai, đa dạng các loại cây trồng, Vũ An luôn là địa phương đạt và vượt diện tích sản xuất vụ đông.

Đối với Thái Bình nói riêng, các tỉnh phía Bắc nói chung, vụ đông là vụ sản xuất đặc thù và lợi thế. Trong 3, 4 tháng mùa đông thời tiết lạnh, với sự chuyển tiếp nền nhiệt đầu vụ và cuối vụ nên có thể sản xuất đa dạng về chủng loại cây trồng. Diện tích gieo trồng vụ đông duy trì khoảng 36.000ha. Cây trồng khá đa dạng với đủ các loại ngô, khoai tây, khoai lang, cà chua, rau ăn lá các loại, rau ăn củ, đậu, lạc, bầu, bí, hành, tỏi... tạo nguồn cung dồi dào đáp ứng nhu cầu người dân về rau màu các loại. Giá trị sản xuất vụ đông cũng không ngừng được nâng cao khi chuyển đổi, mở rộng các cây trồng có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ tiềm năng. Bên cạnh đó, ở một số vùng, nông dân đã có truyền thống và trình độ thâm canh cao, trên cùng đơn vị diện tích, giá trị sản xuất vụ đông cao gấp nhiều lần so với 2 vụ lúa. Chính vì vậy, nhiều năm nay vụ đông ở Thái Bình được xác định là vụ sản xuất chính thứ ba trong năm, không chỉ góp phần bảo đảm mục tiêu sản xuất lương thực của tỉnh mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, ổn định an sinh xã hội trên địa bàn.

Quyết tâm cao
Thực hiện kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2023, với sự tập trung chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp, các ngành và sự cố gắng, nỗ lực của bà con nông dân, đến nay diện tích cây vụ đông đã trồng đạt hơn 7.200ha. Tuy nhiên, từ ngày 25 - 28/9, trên địa bàn tỉnh có đợt mưa rất to kèm gió lớn đã gây ảnh hưởng trực tiếp cho hơn 11.000ha lúa mùa và hơn 6.700ha rau màu vụ đông mới trồng, trong đó 500ha thiệt hại trên 70%, 3.100ha thiệt hại từ 30 - 70%, nhiều diện tích cây rau màu vụ đông phải gieo trồng lại. Để khắc phục những khó khăn, thiệt hại do mưa lớn gây ra, ổn định đời sống nhân dân, bảo đảm an ninh lương thực và tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực trồng trọt từ 0,7% trở lên, năm 2023, tỉnh ta đặt mục tiêu diện tích gieo trồng cây vụ đông đạt 38.500ha trở lên, vượt 1.500ha so với kế hoạch sản xuất trồng trọt năm 2023; trong đó, diện tích tăng thêm tập trung vào nhóm cây ưa lạnh có lợi thế của tỉnh như khoai tây, rau các loại. UBND tỉnh phân bổ 10,05 tấn hạt giống cây trồng từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ cho tỉnh để cấp cho nông dân các huyện, thành phố khắc phục thiệt hại do mưa lớn gây ra, đồng thời hỗ trợ 12,4 tỷ đồng để mở rộng diện tích sản xuất cây khoai tây vụ đông năm 2023.

Phấn đấu gieo trồng 6.150ha cây vụ đông các loại, hết tháng 9, huyện Hưng Hà đã trồng được 1.200ha. Tuy nhiên, trận mưa lớn kéo dài cuối tháng 9 đã làm ảnh hưởng, thiệt hại khoảng 800ha cây vụ đông mới trồng. Ông Phạm Văn Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Huyện chỉ đạo nông dân tranh thủ thời tiết thuận lợi tập trung thu hoạch lúa mùa đã chín, tạo quỹ đất trồng ngô, bí các loại. Ngoài cơ chế hỗ trợ vụ đông đã triển khai (hỗ trợ 50% kinh phí mua giống bí xanh, bí đỏ, khoai tây), để khắc phục ảnh hưởng của mưa lớn, huyện hỗ trợ thêm cho các địa phương 300 triệu đồng tập trung mở rộng cây trồng có lợi thế của huyện là bí xanh, bí đỏ. Dự kiến diện tích cây vụ đông ưa ấm của huyện đạt khoảng 4.000ha.
Ông Đinh Vĩnh Thụy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trên cơ sở cơ chế hỗ trợ của trung ương và của tỉnh, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các địa phương cấp phát hỗ trợ giống cây trồng cho nông dân gieo trồng trong khung thời vụ tốt nhất, bảo đảm đúng đối tượng, đúng mục đích của việc hỗ trợ; hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc để cây sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất cao, bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm.

Với quyết tâm cao, hiện nay các địa phương đều đã khởi động sản xuất vụ đông 2023, phấn đấu hoàn thành trồng 19.300ha cây vụ đông ưa ấm trước ngày 15/10 và 19.200ha cây vụ đông ưa lạnh trước ngày 15/11.

Cán bộ HTX SXKD DVNN xã Vũ An (Kiến Xương) kiểm tra khoai tây giống gieo trồng vụ đông. 

Ngân Huyền

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày