Thứ 6, 05/07/2024, 21:17[GMT+7]

Về nơi đàn chim trời sinh sôi

Thứ 2, 12/08/2013 | 10:39:38
3,388 lượt xem
Ai có dịp về Vị Giang, thôn nằm ngay cạnh UBND xã Chí Hòa (Hưng Hà) sẽ ngạc nhiên mỗi buổi chiều về, từng đàn cò, đàn sếu chao lượn trên bầu trời. Không ai biết số lượng bao nhiêu và có bao nhiêu loài, chỉ biết rằng chúng đã gắn bó với người dân xã Chí Hòa hơn 15 năm nay.

Một góc vườn cò của gia đình ông Bùi Văn Tài

Coi cò như con

Vườn cò của ông Bùi Văn Tài rộng hơn 2 ha nằm ngay phía sau UBND xã Chí Hòa. Nhìn từ đường 223 cũng có thể ngắm được một góc nhỏ khu vườn cò. Tôi về thăm vườn cò vào thời điểm cò lác đác đi kiếm ăn về. Ông Tài nói với tôi, vẻ hồ hởi: “Tầm hơn một tiếng nữa cò về nhiều lắm, đậu trắng cả vệt tre măng đấy. Lúc đó chú tha hồ mà ngắm nhé”. Ðã hơn chục năm nay, cái lịch trình đi - về của đàn cò được ông Tài nắm rõ bởi ngày nào ông cũng có mặt trong khu vườn này.

Ông Tài kể cho tôi nghe về đàn cò như lật từng trang nhật ký cuộc đời mình. Năm 1978, ông lên đường tham gia nghĩa vụ quân sự tại binh chủng Thông tin Quân Khu 3. Gắn bó trong quân ngũ 7 năm, ông phục viên về quê làm kinh tế. Năm 1994, gia đình ông nhận hơn 2 ha khu đầm gần nhà để phát triển mô hình kinh tế VAC. Hai vợ chồng dồn sức đào ao, xây chuồng trại để chăn nuôi lợn, gà, vịt, cá và trồng thêm các loại cây ăn quả. Sau hơn hai năm cơm đùm, cơm nắm lên Thái Nguyên, Yên Bái mua giống tre măng Bát Ðộ, keo giống về trồng, mô hình kinh tế VAC của ông đã cho lãi. Lấy ngắn nuôi dài, đầu tư theo hình thức đa cây, đa con, ba năm sau khu đầm ngập nước ngày nào đã xanh tươi cây cối. Trên vườn, dưới ao nhìn đâu cũng thấy lợi nhuận.

Năm 1998, trong khu vườn xuất hiện đàn cò bợ và cò trắng với số lượng vài ngàn con. Rồi từ ngày ấy, đàn cò cứ sinh sôi nảy nở đông kín cả khu vườn. 15 năm nay đàn cò đã chọn mảnh đất của gia đình ông làm nơi sinh sống, cũng ngần ấy thời gian vợ chồng ông làm một việc không công, dốc sức chăm lo cho đàn cò như những thành viên trong gia đình.

Ðàn cò xuất hiện trong khu vườn măng, tre của gia đình ngày một đông. Nhiều kẻ có ác tâm hãm hại đàn cò đã nhiều lần xé dậu vào vườn dùng súng hoa cải bắn cò. Ðối tượng trộm cò ở mọi độ tuổi, trẻ con trong thôn xã cũng có, những tay súng chuyên đi săn chim cũng có, kẻ dùng bẫy cũng nhiều. Bao năm đối diện với bọn săn trộm cò, có nhiều kẻ ông đã quen mặt. Từ khi có đàn cò, ông như người cha của vạn đứa con. Ðàn cò đã quen với ông “bố” giàu tình yêu thiên nhiên nên mỗi lần ra thăm, chúng rất thân thiện với ông. Ông tới đâu, chúng chỉ rẽ ra hai bên mà không có biểu hiện sợ hãi.

Ngày ngày xây “nhà ” cho cò

Dù không nhớ từng con cò nhưng từ lâu đàn cò mấy chục vạn con như những đứa con của ông Tài. Bãi đất hoang vắng thuở nào giờ đây góp thêm tiếng lao xao náo động của đàn cò. Với ông một ngày thiếu đi tiếng cò kêu là ông mất ăn, mất ngủ.

Vợ chồng ông luôn đặt lợi ích bảo vệ thiên nhiên lên trên lợi ích kinh tế. Ðể mở rộng diện tích cư ngụ cho cò, năm 2012 gia đình ông đã đầu tư hơn 240 triệu đồng để trồng thêm tre và măng trên 4 sào ruộng đang canh tác lúa ngay tại vườn cò. Ông còn phá hơn 200 hốc thanh long mới trồng hơn 2 năm đã bắt đầu cho quả để trồng thêm các cây lâu năm. Ông đầu tư xây dựng tường bao quanh ao để tránh sạt lở bờ, ảnh hưởng tới đàn cò.

Ðầu tư không cần lợi nhuận nên vợ chồng ông luôn tự hào khi sở hữu trong tay vườn cò vô giá. Năm 2006, có một điều lạ đối với vườn cò của gia đình ông Tài, một đàn sếu mỏ thìa, cò nhạn từ đâu tới định cư trên vườn cò này. Qua nhận định của Chi cục Kiểm lâm (Sở NN & PTNN) thì đó là loài sếu mỏ thìa có xuất xứ từ Nhật Bản. Ðây là loài sếu quý hiếm có trong  sách đỏ của thế giới. Gần chục năm nay đàn sếu quý vẫn sinh sôi với số lượng hàng nghìn con.

Hiện tại gia đình ông Tài vừa kết hợp mở rộng vườn cò thành khu vườn sinh thái, vừa phát triển kinh tế. Khu đất rộng hơn 2 ha gia đình ông chỉ sử dụng một diện tích nhỏ để chăn nuôi lợn, cá sấu và nuôi ếch giống… dưới ao ông thả các loại cá thương phẩm, cá rô phi có khả năng sinh sản mạnh để có nguồn cá con hỗ trợ đàn cò khi vào mùa thức ăn khan hiếm. Mỗi năm gia đình ông thu về vài trăm triệu đồng từ mô hình VAC. Ông không muốn mở rộng chăn nuôi bởi lẽ trong tâm niệm của người nông dân chân chất này vẫn luôn dành chỗ cho đàn cò.

Mỗi chiều khi hoàng hôn buông xuống, một mình ngồi ngắm đàn cò trở về trong trái tim ông lại rộn lên niềm hạnh phúc nhưng cũng không ít những trăn trở về trách nhiệm với số phận đàn cò. Hai năm về đây, ông đến từng trường học để nhờ nhà trường tuyên truyền cho các học sinh biết tác hại của việc săn bắn trái phép, cần bảo vệ thiên nhiên. Cũng nhờ vậy mà đàn cò đã có những tháng ngày bình yên.

Từ năm 2012, vườn cò nhà ông Bùi Văn Tài đã được UBND huyện Hưng Hà và Chi cục Kiểm lâm (Sở NN & PTNN) quan tâm. Gia đình ông được Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà trao giấy khen về thành tích bảo vệ môi trường sinh thái. Ðó là món quà ý nghĩa động viên ông và gia đình tiếp tục công việc bảo vệ vườn cò. Với ông Tài, ông chỉ muốn vườn cò của gia đình không chỉ là nơi bảo tồn hệ sinh thái, là địa chỉ xanh trên mảnh đất địa linh nhân kiệt mà còn là một điểm đến trong quy hoạch điểm, vùng du lịch của tỉnh Thái Bình.

Bài, ảnh: Tất Đạt

(Văn Lang - Hưng Hà)

  • Từ khóa