Thứ 4, 23/04/2025, 12:41[GMT+7]

Nhà văn Võ Bá Cường: Một đời miệt mài, nhiệt huyết, say mê

Thứ 2, 21/04/2025 | 10:20:02
1,665 lượt xem
Suốt cuộc đời miệt mài sáng tác của mình, nhà văn Võ Bá Cường (1940 - 2025) luôn là tấm gương về tinh thần lao động nghệ thuật hăng say, nghiêm túc. Ông đã đạt nhiều giải thưởng văn học danh giá do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, các bộ, ngành trung ương trao tặng. Ông để lại cho độc giả khối lượng tác phẩm văn học khá đồ sộ với nhiều thể loại: thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, bút ký... Ở mạch nguồn thi ca ấy, vẻ đẹp con người, tình yêu quê hương, đất nước trong dòng chảy lịch sử là chủ đề xuyên suốt các tác phẩm.

Một số tác phẩm của nhà văn Võ Bá Cường.

Nhà văn Võ Bá Cường sinh ra ở làng Chàng, xã Đông Dương (Đông Hưng). Trước khi đến với văn chương, ông từng làm nhiều nghề, trong đó có dạy học, viết báo. Khoảng thời gian công tác ở Ban Tuyên giáo Huyện ủy Cẩm Phả (nay là Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh), ông may mắn được tiếp xúc với nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng như Nguyễn Tuân, Xuân Quỳnh, Ngô Quân Miện... Sau khi Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình được thành lập, ông về công tác tại đây cho đến năm 1997. Giai đoạn này ông ví mình như người “làm bếp núc” cho văn nghệ địa phương và có thời gian, điều kiện để tích lũy kiến thức, tư liệu cho sự nghiệp văn chương của mình. Chính vốn sống do được đảm nhận nhiều công việc khác nhau đã thôi thúc ông cầm bút viết. Ông khởi sự văn chương bằng thơ. Những tác phẩm ban đầu đến với bạn đọc là những tập thơ như: “Nỗi nhớ mùa thu” (1989), “Khi chúng mình yêu nhau” (1990), “Miền gió thức” (1991), “Nỗi buồn con gái” (1992), “Trăng lại mọc” (1993), “Dưới bóng tre xanh” (1996), “Hồn quê” (2000)... Ông được kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam với tư cách một nhà thơ. 

Ông gắn bó với đồng đất Thái Bình. Trong bài thơ “Gạo làng” của ông có những câu thơ như: 

Từ trong se lạnh hanh hao 

Cho hương của lúa ngọt ngào lúa ơi. 

Từ trong mưa gió bời bời 

Gạo làng vẫn cứ mềm ơi là mềm. 

Từ trong nắng cháy đi lên 

Thóc làng thơm thoảng không quên sân làng. 

Em như hạt gạo mùa màng 

Đầy với gầu nước ngổn ngang gió đồng.

Vất vả nhất ở nông thôn, từ nhiều đời nay, có lẽ vẫn là người phụ nữ, họ tượng trưng cho sự tần tảo thương khó, nhẫn nại và hy sinh. Ông đã có bài thơ “U tôi” với những vần thơ đau đáu nỗi niềm nhớ thương:  

Giờ u hiu hắt nắng chiều 

Bao nhiêu toan tính, bao nhiêu nhọc nhằn 

Phần u vẫn một tấm chăn 

Mộc thô một chiếc giường đơn góc nhà 

Vẫn đĩa rau, vẫn quả cà 

Vẫn niêu cá húi dọn ra trước thềm 

Xa nhà tôi đã lớn lên

Đón u, u chẳng thể quên được thày 

“Lấy ai hương khói ở đây 

Bỏ thày đi với chúng mày được sao” 

U như dậu ruối bờ ao 

Rễ cằn, gốc cộc, bám vào đất quê.  

Sau này, thấy thơ khó chuyển tải hết được những tâm tư của mình, ông chuyển sang viết văn xuôi. Khi nghỉ hưu vào năm 1997, ông có nhiều thời gian hơn cho những chuyến xê dịch, tự do với những hành trình dài, say mê với nhân vật mà ông sẵn sàng sống chết cùng họ. Ông dồn sức viết văn xuôi, tạo nên ấn tượng trong lòng độc giả với các tiểu thuyết như “Ở làng lắm chuyện” (2004), “Người đánh thức cánh đồng” (2006), “Ông tướng miền Tây” (2014), “Gió Thượng Phùng” (2018)... Là người chịu khó thâm nhập thực tế để gặp gỡ, lắng nghe và ghi chép, nhà văn Võ Bá Cường có nhiều tập truyện ký tạo nên tiếng vang như: “Chuyện tướng Độ” (2007), “Những kẻ đeo mặt nạ” (2018), “Người thầy đặc biệt” (2009), “Mây trắng về đâu” (2010), “Chảo lửa” (2012), “Cầu Bo qua phố” (2017)... 

Tiểu thuyết ra mắt cuối năm 2024 của nhà văn Võ Bá Cường. 

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh chia sẻ: Là người chịu khó, cần mẫn, miệt mài với những con chữ, nhà văn Võ Bá Cường đã sáng tác, xuất bản được khối lượng tác phẩm văn học khá đồ sộ là tổng số 27 tác phẩm gồm tập thơ, tập truyện, truyện ngắn, tiểu thuyết, tuyển tập cùng hàng trăm bài thơ, ký, bút ký. Mỗi tác phẩm của ông góp phần tô thắm truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng của quê hương Thái Bình, của đất nước, được bạn đọc gần xa yêu mến, được đồng nghiệp trân trọng, đánh giá cao. Nhà văn đã đạt được nhiều giải thưởng từ những sáng tác của mình như giải B của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam; 1 giải nhì, 2 giải ba của Hội Nhà văn Việt Nam; 1 giải nhì của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; 1 giải nhì, 1 giải ba của Bộ Công an; 1 giải nhì của Bộ Quốc phòng trao tặng. Ngoài ra ông còn có bộ giải A, B, C tại giải thưởng văn học nghệ thuật mang tên nhà bác học Lê Quý Đôn và nhiều giải thưởng khác. Sự kết tinh sức lao động, sáng tạo văn học của nhà văn đã góp phần vào thành tựu của văn học Thái Bình và nền văn học của đất nước. Ghi nhận những thành tích và công lao của nhà văn Võ Bá Cường với sự nghiệp cách mạng và sự nghiệp văn học nghệ thuật, các bộ, ngành trung ương, UBND tỉnh Thái Bình đã trao tặng nhiều bằng khen; ông cũng được trao tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam. 

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, những ngày cả nước hướng tới kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), mặc dù tuổi cao, sức khỏe hạn chế nhưng với lòng nhiệt huyết, sự say mê với nghiệp văn chương, nhà văn Võ Bá Cường vẫn miệt mài viết về những đóng góp của văn nghệ sĩ Thái Bình trong 50 năm sau ngày thống nhất đất nước. Từ quá trình lao động tận tụy, tâm huyết với sự nghiệp văn chương, các tác phẩm của ông sẽ sống mãi cùng quê hương, đất nước và trong tâm thức người đọc nhiều thế hệ. 

Tú Anh