Chủ nhật, 07/07/2024, 19:47[GMT+7]

Bệnh lười và sức khỏe

Thứ 6, 05/01/2024 | 09:18:14
3,826 lượt xem

Ảnh minh họa.

LƯỜI CÓ PHẢI LÀ MỘT BỆNH?

Trong y văn cũng như trên lâm sàng thì lười không phải là một bệnh cụ thể. Thực ra lười chỉ là sự ỉ lại dựa dẫm mà thôi, ban đầu thì lười chỉ mang tính chốc lát, tạm thời, rồi dần dần lười bị lấn lướt, có thể trở thành thói quen xấu của một con người. Thế là từ đó cứ ai bị nhiễm thói quen lười thì bị gán cho mắc bệnh lười.

Lười không phải là bệnh nhưng do lười mà có thể là nguyên nhân sinh ra rất nhiều bệnh như (trầm cảm, stress, béo phì, đau mỏi, tê bì, tiểu đường, huyết áp, tim mạch, rối loạn tuần hoàn não, thậm chí cả bệnh ung thư...).

Chính vì lười là một thói hư xấu và cũng là nguồn cội sinh ra nhiều bệnh tật, làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Đại danh y Lê Hữu Trác đã lấy tên hiệu là Hải Thượng Lãn Ông (ông lười ở phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương). Việc lấy tên ông lười trong tích (Đại Lãn chờ sung rụng) làm tên hiệu của mình, ý muốn tự răn mình: đã theo nghề y là nghề cứu giúp người thì tuyệt đối không được phép lười biếng (kể cả học tập, nghiên cứu tích lũy kinh nghiệm, cho đến khám chữa bệnh và viết sách lưu truyền cho đời sau).

Hải Thượng Lãn Ông với tâm nguyện: “Trường nguyện thế nhân giai vô bệnh/ Ngâm thi chước tửu dã y nhàn”. Có nghĩa là: Mãi mong sao người đời không ai mắc bệnh tật. Để người thầy thuốc được thảnh thơi nhàn nhã ngâm thơ uống rượu.
Nhưng thực tế thì ước nguyện đó đối với người thầy thuốc, có mong mãi cũng chẳng bao giờ được nhàn.

Victor Huygo viết trong tác phẩm vĩ đại “Những người khốn khổ” đã để lại cho nhân loại câu danh ngôn nổi tiếng về sự lười biếng, đó là: “Lười biếng là bà mẹ. Bà ấy có một đứa con trai là trộm cắp và một đứa con gái là sự đói rách”.

Lỗ Tấn, nhà văn cách mạng Trung Quốc đã để lại cho hậu thế lời răn bất hủ, vô vùng giá trị về kẻ lười nhác là: “Trên con đường thành công, không có dấu chân của kẻ lười biếng”.

BÍ QUYẾT KHẮC PHỤC THÓI LƯỜI

Để chống lại thói lười, nói thì rất dễ nhưng làm thì lại là một việc rất khó. Tuy nhiên, để khắc phục thói lười biếng thì ta cũng phải có cách và phải quyết tâm.

1) Phải luôn luôn tự vấn (tự hỏi mình)

Tự đặt các câu hỏi đại loại như: Không làm thì lấy gì mà ăn? Chẳng lẽ suốt đời ăn bám? Không học thì chịu dốt suốt đời sao? Chẳng lẽ người học được, ta không học được? Tại sao ta muốn khỏe mạnh mà ta không chịu tập luyện? Tại sao ta biết ăn mà lại không chịu nấu? Tại sao ta muốn sạch mà không chịu thu dọn? Tại sao quần áo ta mặc mà lại để vợ giặt cả đời?... cứ thế mà tự hỏi và tự trả lời, thì dần dần bệnh lười sẽ tiêu biến bớt.

2) Nghiêm túc xây dựng lịch hoạt động, hoặc thời khóa biểu cho tất cả các công việc của chính mình như: Lịch làm việc, lịch ăn uống, lịch ngủ nghỉ, lịch tập luyện, lịch dùng thuốc, lịch chơi, lịch giao lưu... Việc này không khó nhưng không làm rõ ràng, khoa học thì sẽ luộm thuộm và dễ quên.

3) Đặt chuông báo, lời nhắc cho từng công việc đã lên lịch để khỏi quên và phải luyện thành thói quen.

Đối với người trẻ, người có nghị lực thì cung đoạn này khá đơn giản. Nhưng đối với người cao tuổi, người ốm thì cung đoạn này rất hay bị lần lữa: Mệt quá, thôi để lúc khác! Cứ từ từ, nay không làm thì mai làm! Nay trời lạnh quá, lát nữa dậy! Trời mưa, nghỉ tập một hôm chẳng sao!...Đôi khi chuông kêu kệ chuông, người ngủ cứ ngủ, tự ta vi phạm quy định của chính ta.

4) Kết bạn cùng nhau

Tìm và kết bạn với người có cùng công việc, cùng sở thích, cùng hoàn cảnh, thậm chí là cùng bệnh tật... để nhắc nhau, thông báo cho nhau, động viên nhau và kể cả việc quy ước giám sát, nhắc nhở nhau cùng thực hiện các lịch hoạt động.

XIN “TÓM CỔ THẦN LƯỜI” LẠI NHƯ SAU:

Lười làm thì đói nhăn răng,

Người ốm yếu, tại lười ăn hàng ngày

Ai lười hoạt động chân tay,

Dáng người ẻo lả, bụng dày mỡ căng

Không chịu tập luyện siêng năng,

Rề rề bệnh tật, nói năng ọt èo

Lười học phải chịu khổ nghèo,

Gắng rèn bản lĩnh, chớ đeo bệnh lười.

Bác sĩ  Bùi Vũ Khúc