Thứ 2, 01/07/2024, 07:20[GMT+7]

Thái Thụy: Tích cực ngăn chặn dịch bệnh đốm trắng trên tôm

Thứ 2, 20/05/2024 | 08:56:03
1,248 lượt xem
Vụ xuân hè năm 2024, huyện Thái Thụy nuôi thủy sản nước lợ trên 1.300ha, trong đó nuôi tôm 600ha, cá các loại 700ha. Đến ngày 15/5, toàn huyện đã xuống giống gần 80 triệu tôm giống trên diện tích 597ha (đạt 99% diện tích). Tuy nhiên, sau gần 1 tháng xuống giống, bệnh đốm trắng trên tôm đã xuất hiện tại một số ao nuôi ở các xã Thụy Xuân, Thụy Hải. Để vụ nuôi trồng thủy sản (NTTS) xuân hè đạt hiệu quả cao, huyện tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đốm trắng trên tôm.

Hộ nuôi trồng thủy sản xã Thụy Hải (Thái Thụy) rắc vôi bột xử lý ao nuôi tôm bị bệnh đốm trắng.

Hiện nay, HTX NTTS Minh Hải, xã Thụy Xuân có 49ha NTTS. Vụ xuân hè năm 2024, HTX đã xuống giống 100% diện tích, đối tượng nuôi chủ yếu là cá vược, cá song, tôm sú, tôm thẻ... Từ ngày 10 - 15/5, bệnh đốm trắng trên tôm xuất hiện ở 6 ao nuôi tôm sú với diện tích 6.900m2, số lượng 92 vạn con. 

Ông Nguyễn Viết Tuấn, thôn Xuân Bàng cho biết: Vụ này tôi thả 20 vạn giống tôm sú trên diện tích 1.200m2. Trước khi bước vào vụ nuôi tôi đã thực hiện các bước vệ sinh, khử trùng ao nuôi như phơi đáy, rắc vôi bột, lọc nước trước khi nuôi thả. Tuy nhiên tôm vẫn bị nhiễm bệnh không rõ nguyên nhân từ đâu. Sau 25 ngày xuống giống, tôm xuất hiện tình trạng bỏ ăn, bơi lờ đờ, vài ngày sau thì chết hàng loạt. Bao nhiêu công sức chăm sóc, tiền đầu tư giống tôi đã bị mất hết. Hiện tôi đang xử lý ao nuôi bằng hóa chất, vôi bột để nuôi thả con giống cho kịp thời vụ.

Ông Nguyễn Trọng Chính, Giám đốc HTX NTTS Minh Hải chia sẻ: Sau khi nhận được thông tin có hiện tượng tôm chết, HTX đã báo cáo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện để xác định nguyên nhân tôm chết. Để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh, HTX đã kiểm tra, rà soát, khoanh vùng các diện tích ao bị bệnh; hướng dẫn hộ dân tranh thủ những ngày trời nắng, nền nhiệt cao khẩn trương vớt hết tôm, xử lý bằng Chlorine và giữ nước trong ao nuôi ít nhất trong 5 ngày mới được xả ra môi trường chung; trước khi xuống giống lứa mới phải xử lý triệt để các loại mầm bệnh. Chúng tôi cũng đẩy mạnh tuyên truyền các hộ nuôi xung quanh không nên lấy nước vào ao nuôi trong thời điểm này, rắc vôi xung quanh bờ ao để khử trùng.

Tại xã Thụy Hải, bệnh đốm trắng trên tôm xuất hiện ở 5 ao nuôi với diện tích trên 7.000m2, thiệt hại 74 vạn tôm giống. Ông Nguyễn Trọng Bằng, Giám đốc HTX NTTS Đại Đồng cho biết: Vụ xuân hè năm 2024, HTX có gần 200 hộ nuôi tôm với diện tích 60ha (chiếm 50% diện tích NTTS của địa phương). Sau 30 ngày thả giống, một số ao nuôi ở thôn Tam Đồng đã xuất hiện dịch bệnh đốm trắng trên tôm. Để ngăn chặn kịp thời, không để dịch bệnh đốm trắng trên tôm bùng phát trên địa bàn, HTX tuyên truyền người dân định kỳ sử dụng các loại chế phẩm vi sinh xử lý nước ao nuôi nhằm giữ ổn định môi trường ao nuôi; bổ sung các loại vitamin và khoáng chất để tăng sức đề kháng cho tôm nuôi; đặc biệt, sử dụng chế phẩm sinh học từ tỏi, gừng, sả... để tăng cường miễn dịch cho tôm và phòng, chống dịch bệnh đốm trắng.

Bà Lê Thị Sinh, Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thái Thụy cho biết: Nhận được thông tin có hiện tượng tôm chết tại một số ao nuôi tôm trên địa bàn các xã Thụy Hải và Thụy Xuân, Trạm đã cử cán bộ chuyên môn xác minh và kiểm tra tình hình dịch bệnh. Qua lấy mẫu xét nghiệm, kết quả 5/5 mẫu dương tính với vi rút đốm trắng. Nguyên nhân chính là do trong những ngày qua thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kết hợp với những đợt mưa đầu mùa làm thay đổi các yếu tố môi trường ao nuôi kết hợp với việc một số hộ xử lý ao, đầm không triệt để trước khi thả giống và mật độ nuôi quá cao so với hướng dẫn của ngành chuyên môn. Để ngăn chặn kịp thời, không để dịch bệnh đốm trắng trên tôm bùng phát, Trạm đã cử cán bộ phụ trách địa bàn phối hợp với các HTX NTTS thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình dịch bệnh, khẩn trương thu gom xác tôm chết tiêu hủy đúng quy định, không dùng chung dụng cụ giữa các ao nuôi, không tự ý xả nước ao nuôi khi chưa xử lý hóa chất..., nâng cao ý thức cho các hộ nuôi tôm về công tác phòng, chống dịch.

Theo ông Lê Văn Hoan, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện: Đối với các địa phương có diện tích NTTS bị bệnh đốm trắng trên tôm, Phòng đã đôn đốc kiện toàn ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh NTTS để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chủ động nguồn lực thực hiện công tác phòng, chống dịch. Đôn đốc các HTX NTTS hướng dẫn người dân kỹ thuật nuôi; thường xuyên kiểm tra, điều chỉnh, duy trì mực nước trong ao tối thiểu 1,3 - 1,5m, nếu cần bổ sung nước thì phải lấy nước vào thời điểm đỉnh triều, qua túi lọc, cấp vào ao lắng, xử lý trước khi cấp vào ao nuôi; thường xuyên sử dụng quạt nước hoặc sục khí vào thời điểm thích hợp để tăng cường lượng oxy trong ao nuôi; quản lý chặt chẽ sự phát triển của tảo, nhất là trong thời gian nắng nóng, khi tảo phát triển mạnh (màu nước xanh đậm đặc) có thể dùng các biện pháp phù hợp để diệt tảo; đối với những ao nuôi có nguồn nước sạch, độ mặn ổn định (12 - 15%) thì có thể thay nước ao 20 - 30% để giảm mật độ tảo và ngăn sự phát triển của tảo trong ao; duy trì ổn định độ pH trong giới hạn cho phép bằng vôi bột, vôi Dolomite; trước các ngày có mưa dông phải nâng cao độ sâu mực nước ao để giảm biến động nhiệt độ nước, sau mưa có thể tháo bớt tầng nước mặt tránh vật nuôi bị sốc do thay đổi pH đột ngột và định kỳ 2 tuần/lần rải vôi xung quanh bờ ao để ngăn nước mưa mang phèn và chất bẩn từ trên bờ ao xuống; đặc biệt, 7 - 10 ngày/lần phải sử dụng một trong các hóa chất: Chlorine, Aquafit, TCCA-Nissan, Bkc, viên sủi VICATO hoặc các chế phẩm sinh học theo đúng liều lượng và đúng thời điểm trong ngày để ổn định môi trường ao nuôi.

Cán bộ Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thái Thuỵ kiểm tra dịch bệnh đốm trắng trên tôm.

Nguyễn Thắm

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày