Thứ 2, 01/07/2024, 02:27[GMT+7]

Những câu chuyện đặc sắc về rắn

Thứ 6, 01/02/2013 | 08:25:50
7,645 lượt xem
Rắn gây nhiều tai hại nhưng cũng có không ít lợi ích cho con người và có nhiều chuyện lạ về rắn mà còn ít người biết. Sau đây là ba mẩu chuyện đặc sắc về con vật cầm tinh năm 2013.

Hoàng Lệ Mật, ông tổ nghề rắn
Ở Việt Nam ta, làng Lệ Mật (Gia Lâm – Hà Nội) được coi là làng nuôi rắn, chế biến rượu rắn và các đặc sản từ rắn lớn nhất nước và cũng lâu đời nhất. Tại làng này còn lưu truyền câu chuyện nói về chàng trai họ Hoàng, được gọi là Hoàng Lệ Mật không ham danh lợi, hết lòng vì dân làng và trở thành ông tổ nghề rắn ở Việt Nam.

Chuyện kể rằng: Vua Lý Thái Tông (1028 – 1054) có nàng công chúa xinh đẹp, đi thuyền dạo chơi trên sông Ðuống, chẳng may thuyền bị đắm và công chúa bị chết mất xác. Vua ban truyền, ai vớt được xác công chúa sẽ được thưởng lộc và phong tước. Biết bao nhiêu người lao xuống sông tìm kiếm nhưng không thấy, chỉ có chàng trai họ Hoàng ở làng Lệ Mật tìm được. Vua y lời, ban thưởng chức tước và vàng bạc, nhưng chàng trai họ Hoàng không ham chức tước, vàng bạc mà chỉ xin vua cho dân làng Lệ Mật và các làng lân cận được sang khai khẩn vùng đất phía tây Thăng Long. Vua chấp thuận. Từ đó, nhân dân làng Lệ Mật và cả khu vực Gia Lâm đã sang khẩn hoang lập ấp ở bên kia sông Nhị, lập thành khu thập tam trại (mười ba trại).

Hoàng Lệ Mật giỏi nghề sông nước, lại bắt rắn rất tài. Ông đã truyền cho dân chúng nghề bắt rắn và cách chế biến các món ăn ngon từ thịt rắn. Sau khi ông mất, dân làng đã lập đền thờ, tôn ông làm Thành hoàng. Hàng năm, vào ngày 23/3 âm lịch, dân làng Lệ Mật tổ chức lễ hội tưởng niệm Thành hoàng với những nghi thức rất trang trọng. Nổi bật là hình nộm một con rắn khổng lồ, tượng trưng cho thủy quái. Một phụ nữ xinh đẹp được chọn đóng vai công chúa. Các thanh niên to khỏe làm những động tác tiêu diệt thủy quái, cứu công chúa.

Gần 1.000 năm đã trôi qua, dân làng Lệ Mật vẫn gìn giữ, lưu truyền nghề săn bắt rắn, nuôi rắn, chế biến rượu rắn và làm các món đặc sản từ rắn. Lễ hội tưởng niệm Thành hoàng ở làng Lệ Mật ngày càng được cải tiến và có tác dụng thiết thực đối với việc xây dựng đời sống văn hóa.

Con rắn trong biểu tượng ngành y
Nguyên trước kia, biểu tưởng của ngành y là con rắn quấn quanh một chiếc gậy thẳng đứng. Chiếc gậy đó là cây nguyệt quế của thần Esculape - ổng tổ của ngành y dược. Theo thần thoại Hy Lạp, Esculape là con trai của thần Appolon (Thần Thái Dương). Esculape không những chữa được bệnh mà còn có khả năng cứu người chết sống lại. Tài năng của Esculape bị coi là chống lại “mệnh trời”. Vì thế, trời đã sai thiên lôi đánh chết Esculape.

Sau khi Esculape chết, người ta đã dựng tượng vị thần y này và cả hình tượng con rắn. Vì Esculape đã dùng nọc rắn để cứu chữa người bệnh và phòng chống dịch bệnh. Truyền thuyết kể rằng, năm 290 trước Công nguyên, dân La Mã bị dịch bệnh, người bệnh dâng ly rượu cúng thần Esculape và đã được phù hộ cho tai qua nạn khỏi.

Dựa vào truyền thuyết trên, ngành y đã lấy biểu tượng là con rắn quấn quanh cây gậy phép của Esculape; tượng trưng cho sự khôn ngoan, khả năng chữa trị bệnh và kéo dài tuổi thọ. Còn ngành dược học lấy biểu tượng con rắn quấn quanh cái ly có chân cao; tượng trưng cho chén thuốc chứa đựng chất dịch được chiết xuất từ các loại cây cỏ của nữ thần sức khỏe Hygia.

Nọc độc của rắn
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, nọc độc của rắn có nguồn gốc từ protein, có hoạt tính sinh học rất mạnh, có thể phá hủy tế bào thần kinh, tế bào máu, làm đông máu và tắc các mao mạch, hoặc làm xuất huyết nội tạng. Bởi vậy, người bị rắn độc cắn thường nhanh tử vong (khoảng vài phút đến vài giờ, tùy loại rắn độc). Mỗi loài rắn có nọc độc khác nhau. Nọc rắn hổ mang, hổ chúa tác động ngay lên hệ thần kinh, khiến nạn nhân mệt mỏi, tê buốt, tim đập nhanh, khó thở, ói mửa, hôn mê rồi chết. Nọc rắn lục tác động mạnh đến hệ tuần hoàn, vết cắn tím bầm, sưng tấy và đau nhức. Nạn nhân mệt lả, khát nước, nôn ọe, toàn thân lạnh run rồi chết...

Ở Châu Phi có loài rắn Mamba, khi săn đuổi con mồi, có thể phóng nhanh hơn 30km/giờ. Nọc độc của rắn Mamba có thể giết chết một con voi.

Tại Châu Á, có loài rắn Cobra (nước ta thường gọi là Hổ mang bành) không những cắn mà còn phun nọc độc vào mục tiêu. Nó thường nhằm vào mắt của đối thủ để phóng nọc và nọc có thể phun cao đến 4 mét. Nọc rắn nằm trong tuyến nước bọt. Khi cắn, nước bọt chứa nọc tuôn ra ống dẫn nọc và phóng vào con mồi. Ðối với những loài rắn phun nọc thì nọc từ tuyến nước bọt phun qua kẽ răng và bị ép mạnh bởi các lớp cơ đầu rồi bắn tới con mồi.

Lý Thái Bình (Sưu tầm)

251 Nguyễn Văn Linh, Đà Nẵng

 

 

  • Từ khóa