Thứ 6, 05/07/2024, 04:01[GMT+7]

Nghệ sĩ nhân dân Mạnh Tường với sự nghiệp giữ gìn và phổ biến chèo cổ

Thứ 2, 13/11/2017 | 08:41:40
3,550 lượt xem
Năm 1959, Đoàn chèo Thái Bình, tiền thân của Nhà hát Chèo ngày nay được thành lập, nghệ sĩ Mạnh Tường cũng gia nhập Đoàn từ ngày ấy. Nhà hát Chèo Thái Bình có bao nhiêu tuổi thì nghệ sĩ Mạnh Tường cũng có bấy nhiêu tuổi nghề. Ở tuổi “xưa nay hiếm” và đã nghỉ hưu 15 năm nhưng nghệ sĩ vẫn hát, vẫn diễn, vẫn tham gia giảng dạy hát chèo. Năm 2016, nghệ sĩ được nhà nước vinh phong nghệ sĩ Nhân dân.

Khán giả và bạn bè đồng nghiệp luôn nhớ đến các vai diễn, nhớ đến việc làm của nghệ sĩ nhân dân Mạnh Tường anh khi giữ cương vị Trưởng đoàn chèo trong việc bảo tồn, phát triển nghệ thuật chèo truyền thống. Với vai trò là diễn viên, nghệ sĩ Mạnh Tường đã thành công trong các vai diễn ông Mãng, thầy Mù trong vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính; Phù Thủy trong vở Súy Vân giả dại; Thầy Bói trong vở Tôn Mạnh - Tôn Trọng và nhiều vai diễn khác trong các vở diễn về đề tài hiện đại. Mạnh Tường thành công cả khi thủ vai chính diện, chững chạc và cả khi đóng vai hài hước. 

Ngoài thành công trong các vai diễn, Mạnh Tường còn có giọng hát ấm, âm vang. Đây là một đặc điểm trời ban cho những nghệ sĩ sinh ra và sống bên bờ biển, quen “ăn sóng, nói gió”. Xem nghệ sĩ biểu diễn, khán giả đều cảm nhận được Mạnh Tường là một nghệ sĩ hát hay, diễn giỏi. Vì thế, khi đã giữ cương vị lãnh đạo Đoàn, Mạnh Tường vẫn diễn, vẫn hát, nhất là những buổi biểu diễn cho các vị khách quý về xem chèo Thái Bình hoặc đưa Đoàn đi phục vụ các hội nghị quan trọng của nhà nước. 

Trong chuyến biểu diễn ở Liên Xô năm 1985 và các nước Bun-ga-ri, Hung-ga-ri, Tiệp Khắc năm 1986, nghệ sĩ vẫn tham gia đóng các vai Phù Thủy, ông Mãng, thầy Mù trong vở Súy Vân giả dại, Quan Âm Thị Kính. Chuyến biểu diễn của Đoàn đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả các nước, góp phần vào thành công “Những ngày văn hóa Việt Nam” ở ngoài nước, làm cho bạn bè hiểu Việt Nam, hiểu văn hóa Việt Nam.

Nghệ sĩ Mạnh Tường là thế hệ thứ ba trong những người lãnh đạo Đoàn chèo. Ông làm Phó Trưởng đoàn từ năm 1973 rồi Trưởng đoàn năm 1988 và ở cương vị này cho đến khi nghỉ hưu (2002). Mạnh Tường có gần 30 năm quản lý nghệ thuật, lãnh đạo Đoàn. Thành công lớn nhất trong vai trò quản lý của ông là giữ gìn nghệ thuật chèo truyền thống.

Việc giữ gìn, phát triển Đoàn chèo Thái Bình để có Nhà hát Chèo Thái Bình hôm nay phải vượt qua không ít khó khăn. Từ giữa thập kỷ 80 của thế kỷ XX, nhiều ý kiến, trong đó có cả những đạo diễn có tên tuổi đều cho rằng phải “cải cách”, phải “đổi mới” chèo. Khuynh hướng tư tưởng đó cho rằng nghệ thuật chèo truyền thống không còn phù hợp với xã hội khi đã đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Những năm cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90, nghệ thuật sân khấu lại chao đảo vì băng đĩa hình lấn át, có người khi ấy đã nói: Video đến tận đầu giường, muốn xem chỉ cần bật lên, ai còn đến rạp, đến nhà hát làm gì. Vì thế, một Sở Văn hóa Thông tin đã sáp nhập ba đoàn chèo, kịch, ca múa vào làm một và khi được hỏi làm sao lại làm như thế, giám đốc sở ấy đã lấy ví dụ như chiếc nồi áp suất, mọi thứ cho vào nồi đun sẽ thành một thứ “tổng hợp” nhưng rồi một vài năm lại phải tách ra và để “cải tiến”, “đổi mới” một số vở chèo đã được “đạo diễn” thành kịch nói có hát, không được khán giả chấp nhận.

Lại nữa, là một trong những công cụ tuyên truyền nên phải “bám sát, phục vụ kịp thời” góp phần thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ chính trị hàng ngày, hàng tháng…, việc diễn các vở chèo cổ Lưu Bình Dương Lễ, Quan Âm Thị Kính, Chu Mãi Thần, Súy Vân giả dại… làm sao phục vụ kịp thời được?

Trong tình hình ấy, để đáp ứng hai yêu cầu “vừa phục vụ nhiệm vụ trước mắt vừa bảo tồn, phát triển nghệ thuật truyền thống”, Trưởng đoàn Mạnh Tường tiếp tục cho Đoàn vừa dựng những vở diễn về đề tài hiện đại vừa dựng lại những trích đoạn, những vở chèo cổ để bảo tồn và phổ biến nghệ thuật chèo truyền thống. Trong danh mục kịch bản của Đoàn, bên cạnh những vở chèo truyền thống còn có các vở diễn về đề tài hiện đại như Ni cô Đàm Vân, Dũng sĩ Rạch Gầm, Người tử tù mất tích, Ba người lính trở về… Đỉnh cao trong thập kỷ 80 của Đoàn là vở “Cô gái làng Chèo” đề cập đến một vấn đề có tính thời sự là phải giữ gìn chèo truyền thống, vở diễn cũng chuyển tải được nhiều làn điệu, nhiều mảng trò của chèo cổ (Hội diễn sân khấu toàn quốc năm 1985 đã trao huy chương vàng cho vở diễn và 8 huy chương vàng, bạc cho diễn viên - một con số kỷ lục).

Những vở chèo cổ do Đoàn dàn dựng, biểu diễn như Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ, Tôn Mạnh - Tôn Trọng, Súy Vân giả dại… đã đem lại cho người xem hiểu được tình yêu thương con người cao cả, sâu sắc của người xưa, người xem cũng được nghe những làn điệu chèo vừa mượt mà vừa sâu lắng tình cảm vừa vui nhộn. Người xem cũng dần nhận ra rằng các vở chèo cổ đã góp phần vào một mục tiêu cao cả, sâu xa là giáo dục con người, đào tạo chữ đức, chữ nhân, chữ hiếu, chữ lễ, chữ tín cho con người, mục đích ấy cao cả, sâu sắc biết chừng nào. Suy nghĩ làm sao cho Đoàn đứng vững, cho nghệ thuật chèo phát triển luôn đau đáu trong lòng nghệ sĩ.

Sự cố gắng không mệt mỏi của Đoàn chèo Thái Bình do nghệ sĩ Mạnh Tường lãnh đạo được bạn bè đồng nghiệp thán phục, được khán giả yêu mến. Chèo Thái Bình đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhiều thế hệ lãnh đạo Bộ Văn hóa Thông tin, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, trong giới nghiên cứu nghệ thuật. Sự thán phục với chèo Thái Bình không chỉ có ở những người trong nước mà cả những người nước ngoài, những nước có nền công nghiệp phát triển cao như Nhật Bản. Chuyến biểu diễn của Đoàn đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong khán giả Nhật, vở diễn của Đoàn được thu và phát sóng truyền hình cả nước.

Thông thường, nghỉ hưu là nghỉ làm việc nhưng nghệ sĩ Mạnh Tường từ ngày nghỉ hưu vẫn làm việc, vẫn hát, vẫn diễn… Nghệ sĩ là giảng viên thỉnh giảng của Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình suốt 15 năm qua. Nghệ sĩ cũng tham gia giảng dạy nhiều lớp đào tạo diễn viên chèo cho Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật Hưng Yên, Hà Nam. Dạy hát chèo cho Trung tâm Văn hóa tỉnh, cho Đài PTTH Thái Bình. Ở các lớp học chèo, anh không chỉ dạy mà còn diễn các vai mẫu cho học sinh học, làm theo. Lớp diễn viên do nghệ sĩ đào tạo khi còn làm Trưởng đoàn cũng như khi đã nghỉ hưu nhiều người đã trưởng thành, có người đã trở thành nghệ sĩ ưu tú. Với ý thức bảo tồn chèo cổ, sau ngày nghỉ hưu, nghệ sĩ đã cặm cụi chọn lọc viết lại các trích đoạn chèo đặc sắc, một số làn điệu chèo cổ và bài hát chèo lời mới rồi thuê đánh vi tính, in đóng thành ba tập, mỗi tập dày hàng trăm trang, nhân ra nhiều bản gửi cho Nhà hát Chèo Thái Bình, cho Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Thái Bình, cho nhiều bạn bè yêu chèo.

Hơn nửa thế kỷ lao động nghệ thuật không mệt mỏi, nghệ sĩ Mạnh Tường đã được Nhà nước trao tặng những phần thưởng xứng đáng: Năm 1984, ngay đợt đầu tiên anh đã được phong nghệ sĩ ưu tú. Năm 2016 được phong tặng nghệ sĩ nhân dân. Nghệ sĩ Mạnh Tường cũng được thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, nhiều huy chương và kỷ niệm chương.

Năm 2019, Nhà hát Chèo Thái Bình tròn 60 tuổi, nghệ sĩ Mạnh Tường cũng sắp bước vào tuổi 80, xin chúc ông dồi dào sức khỏe, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giữ gìn, quảng bá nghệ thuật chèo truyền thống cho chèo Thái Bình.

Phạm Minh Đức

Thành phố Thái Bình