Chủ nhật, 07/07/2024, 21:56[GMT+7]

Tài đối của các sĩ phu yêu nước

Thứ 7, 30/12/2017 | 11:43:05
2,026 lượt xem
Mỗi dịp tết đến, xuân về, ở các phiên chợ quê vùng đồng bằng Bắc Bộ, các cửa hàng, quầy tạp hóa thường bày bán tranh dân gian, câu đối tết. Trên các tạp chí, nguyệt san của các báo ra số tết bao giờ cũng có câu đối.

Ngày tết, xin kể lại chuyện ra đối và vế đối của các bậc tiền nhân. Danh sĩ Ngô Thời Nhiệm (tức Ngô Thì Nhậm, 1746 - 1803, là con Ngô Thì Sĩ, người làng Tả Thanh Oai, nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội) là một ví dụ. Ngô tiên sinh phò vua Quang Trung. Khi quân Nguyễn Ánh chiếm lại thành Thăng Long thì bắt được ông, đưa đến báo công với Đặng Trần Thường. Từng là bạn học cũ nhưng Đặng Trần Thường lại theo Nguyễn Ánh chống Tây Sơn. Hận thù vì trước kia bị Ngô Thời Nhiệm coi thường, nay bắt được, Thường dương dương tự đắc, ra câu đối khiêu khích, hạ nhục bạn cũ:

“Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai, ai dễ biết ai”.

Ngô tiên sinh liền khảng khái đối lại:

“Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế”.

Vế đối của Ngô Thời Nhiệm thể hiện chí khí quật cường và học vấn uyên thâm của mình trước đối thủ. Phục tài, phục trí Ngô Thời Nhiệm nhưng vì căm tức, ganh tỵ với bạn, Đặng Trần Thường đã hèn hạ sai quân lính lấy roi tẩm thuốc độc đánh bạn ngay trước thềm Quốc Tử Giám. Vài ngày sau Ngô tiên sinh mất do bị ngấm thuốc độc của trận đòn thù.

Duy Tân - ông vua yêu nước, chống Pháp đến cùng cũng là người nổi tiếng hay chữ. Trong một lần dự tiệc ở tòa khâm Huế, cha cố người Pháp là người giỏi chữ Hán cũng có mặt, khiêu khích vua Duy Tân bằng vế đối:

“Rút ruột vua, tam phân thiên hạ”.

Trong chữ Hán, chữ “王 - Vương” có 3 gạch ngang và một nét dọc chính giữa, nghĩa là vua. Nhưng nếu “rút ruột”, nghĩa là bỏ nét dọc thì lại thành chữ “tam”. Thâm ý ở câu này nghĩa là nước Pháp mẫu quốc đã chia An Nam thành 3 kỳ để cai trị, ông (tức vua Duy Tân) chỉ là bù nhìn mà thôi. Vua Duy Tân nghe xong cười mỉa mai và đối lại ngay:

“Chặt đầu Tây, tứ hải giai huynh”.

Nghe xong, cha cố người Pháp tái mặt.

Trong chữ Hán, chữ “西 - Tây” nếu bỏ nét đầu thì thành chữ “tứ”, nghĩa là “bốn”. Vế đối của nhà vua vừa chuẩn về chữ vừa chuẩn về nghĩa, ý sâu xa là nếu chặt đầu Tây, không có Pháp xâm lược thì năm châu, bốn biển đều là anh em.

Ông Ích Khiêm sinh năm 1829 tại làng Phong Lệ, tổng Thanh Quýt, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng). Thời niên thiếu, trong một lần ra tỉnh chơi, gặp quan tổng đốc ngồi võng đào, có lọng che nghênh ngang diễu phố, mọi người thấy vậy đều quỳ lạy.  Riêng trò Khiêm vẫn nhởn nhơ, chân xỏ vào chiếc giày rách, vừa đi vừa nghịch, không thèm chào quan lớn. Thấy vậy, quan tổng đốc tức tối, lệnh cho lính bắt giữ, hỏi tội vô lễ. Nghe Ông Ích Khiêm xưng là học trò nhà quê, ra tỉnh chơi nên không biết, quan tổng đốc cũng là người hay chữ, nghe vậy liền ra câu đối bắt ứng khẩu, đúng thì tha, sai thì đánh đòn:

“Cắc cớ thay, hai chân xỏ một giày”.

Trò Khiêm đối ngay, không cần suy nghĩ:

“Sung sướng mấy, một đầu che bốn lọng”.

Không ngờ gã học trò nghèo, tuổi còn trẻ mà kiến thức uyên thâm, dám dùng chữ chơi xỏ mình, quan tổng đốc đành bấm bụng cười thẹn, tha cho.

Sau này, khi trở thành một võ tướng, trong lần vâng mệnh triều đình Huế đưa quân ra trận thì nhận được tin mẹ ở quê nhà qua đời, không kịp về nhà chịu tang, Ông Ích Khiêm viết câu đối gửi về viếng thân mẫu, không để nỗi đau riêng ảnh hưởng đến sĩ khí của ba quân:

“Trần thế đừng hiềm Khiêm mất mẹ

Tuyền đài có vợ hãy mừng cha”.

Câu đối an ủi linh hồn người mẹ sang bên kia thế giới được sum họp cùng người cha thân yêu của ông đã qua đời trước đó.

Đến thế hệ các chiến sĩ cộng sản tiền bối, không may sa vào tay giặc, dù bị tra tấn, tù đày... vẫn không nao núng tinh thần. Họ luôn lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng. Tại ngục Sơn La, tết nào tù chính trị cũng tổ chức hoạt động văn hóa văn nghệ và có cả câu đối tết:

“Khói lửa đập tan, ngày mới đậm đà hương vị mới

Máu tim sôi sục, xuân chung tô điểm nước non chung”.

Ngày tết thường có nhiều câu đối của các bậc túc nho, của những người hay chữ. Xin mạn phép kể lại chuyện cũ liên quan đến các bậc tiền nhân để xuân mới thêm xuân.

Việt Bảo

  • Từ khóa