Thứ 2, 01/07/2024, 02:31[GMT+7]

Cảnh báo mất ATGT từ việc phơi nông sản trên đường giao thông

Thứ 6, 07/06/2024 | 19:56:18
4,335 lượt xem
Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang tập trung thu hoạch lúa xuân, tình trạng người dân sử dụng lòng đường làm sân phơi đang tái diễn ở nhiều nơi, không chỉ ở các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ mà tại các tuyến đường liên huyện, liên xã; người dân khi phơi nông sản còn lấy gạch, đá, cành cây đặt trước những khu vực phơi nông sản gây cản trở giao thông và tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông

Tình trạng người dân sử dụng đường giao thông làm sân phơi vẫn diễn ra ở nhiều địa phương. Ảnh chụp tại xã Song An (Vũ Thư) ngày 2/6/2024

Hàng năm, mỗi khi bước vào mùa thu hoạch lúa, tuyến quốc lộ 39A hay một số tuyến đường liên huyện, liên xã ở huyện Hưng Hà thường xuyên trở thành “sân phơi” của nhiều hộ dân. Trước thực trạng trên, lực lượng chức năng huyện Hưng Hà đã triển khai nhiều biện pháp, trong đó tập trung tuyên truyền, nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT). 

Một người dân phơi thóc trên quốc lộ 39A (đoạn qua huyện Hưng Hà) cho biết: Do không có chỗ phơi thóc nên chúng tôi đành mang thóc ra đường phơi. Cũng biết là có thể gây mất ATGT song nếu không phơi mà cứ để ở nhà thì thóc sẽ bị mốc, hỏng.

Mặc dù một số địa phương đã tuyên truyền, nhắc nhở người dân nhưng nhiều người dân cho rằng do thiếu mặt bằng, sân phơi nên khi vào mùa vụ họ buộc phải tận dụng mặt đường để phơi thóc, bất chấp nguy hiểm... 

Trung úy Đỗ Quang Trung, Trưởng Công an xã Văn Cẩm (Hưng Hà) cho biết: Tuyến đường ĐH.60 đoạn qua xã Văn Cẩm thường xảy ra tình trạng người dân địa phương thuê máy tuốt lúa, phơi thóc sau khi thu hoạch. Trước mùa vụ, chúng tôi đã chủ động tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh và trên các nền tảng mạng xã hội (zalo, facebook...) đến từng thôn, xóm, khu dân cư và mỗi người dân về các hành vi bị cấm như: Sử dụng lòng, lề đường để tuốt lúa, phơi thóc, rơm rạ và đốt rơm rạ trên đường; để gạch đá, cây cối, vật dụng trên lòng đường gây cản trở giao thông; phản ánh kịp thời các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, nhiều người không thực hiện triệt để bởi họ cho rằng chỉ có mấy ngày mùa phải tranh thủ mang thóc ra phơi nên rất khó cho việc quản lý, xử phạt. 

Không chỉ lấn chiếm lòng, lề đường làm nơi phơi thóc, tình trạng đốt rơm rạ và các phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch dọc hành lang an toàn các tuyến đường tạo khói dày đặc làm hạn chế tầm nhìn của người đi đường, ảnh hưởng đến kết cấu đường và các hoạt động giao thông. 

Về nguy cơ cháy, nổ khi đi qua đường có rơm rạ, ông Lê Phương Huy, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cảnh báo: Việc xe đi qua đoạn đường có rơm rạ là rất nguy hiểm, bởi khi xe chạy sẽ làm nóng một số bộ phận của xe. Trong khi đó, rơm rạ khô rất dễ cháy, hai yếu tố này gặp nhau thì nguy cơ cháy là rất cao. Không chỉ khi rơm rạ cuốn vào ống xả mà chỉ cần xe chạy cuốn theo rơm rạ, tạo ma sát với mặt đường cũng sinh nhiệt, dễ gây cháy. Việc tập kết nông sản, tuốt lúa, phơi rơm rạ trên lòng, lề đường trong mùa vụ, nhất là việc đốt rơm rạ ngay trên lề đường, mái taluy và chân cọc tiêu, biển báo hiệu đường bộ... không chỉ vi phạm các quy định về bảo đảm trật tự ATGT mà còn gây hư hại hạ tầng giao thông đường bộ, gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông. 

Cũng theo ông Lê Phương Huy, để kịp thời chấn chỉnh, phòng ngừa tình trạng trên, ngay từ đầu tháng 6, Ban ATGT tỉnh đã có văn bản gửi các sở, ngành, địa phương chỉ đạo tăng cường tuyên truyền về nguy cơ, hậu quả của việc phơi nông sản trên đường gây mất ATGT. Trong đó, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban liên quan, các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở để nhân dân đề cao ý thức không phơi rơm rạ, thóc, để máy tuốt lúa trên lòng, lề đường giao thông; không đốt rơm rạ làm hư hỏng mặt đường và gây khói bụi, ảnh hưởng tầm nhìn, mất ATGT. Công an tỉnh, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải phối hợp với phòng kinh tế hạ tầng, quản lý đô thị các huyện, thành phố; chính quyền xã, phường, thị trấn bố trí lực lượng kiểm tra trên các tuyến đường từ quốc lộ đến đường nông thôn để có biện pháp xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Tiếp tục triển khai giải tỏa các vi phạm về trật tự đô thị và lấn chiếm hành lang ATGT trên địa bàn tỉnh. 

Trên thực tế đã xảy ra không ít vụ tai nạn giao thông mà nguyên nhân chính xuất phát từ việc phơi rơm rạ, thóc lúa trên đường của người dân. Để bảo đảm ATGT cho người và phương tiện khi tham gia giao thông trên các tuyến đường, mỗi người dân cần nêu cao ý thức giữ gìn trật tự ATGT để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.

Công an xã Văn Cẩm (Hưng Hà) tuyên truyền, nhắc nhở các trường hợp vi phạm. 

Nguyễn Thơi